Xã hội

Chốn linh thiêng của những liệt sĩ "Đi trước mở đường"

27/07/2022, 10:11

Mỗi nơi một câu chuyện, một bối cảnh lịch sử nhưng tất cả đều là nơi để tưởng nhớ những người đã ngã xuống cho các tuyến đường mới mở ra.

“Cả đoàn nán lại một chút để những người trong đoàn được đi thắp hương cho các liệt sĩ và cả người thân đang còn nằm lại nghĩa trang”, câu nói của vị trưởng đoàn công tác Bộ GTVT vang lên.

Lặng lẽ, từng thành viên tìm về khu tập kết các phần mộ, bia ghi danh của tỉnh mình thắp nén tâm nhang...

img

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cùng đoàn công tác Bộ GTVT dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Xuân Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Văn Thanh

Mỗi con đường một nghĩa trang

Đây là lần thứ 10, chúng tôi được theo đoàn công tác của Bộ GTVT đi dọc miền Trung để thắp hương, tri ân những anh hùng đã ngã xuống trong 2 cuộc kháng chiến thần kỳ của đất nước.

Chuyến đi này khá đặc biệt vì sau 2 năm mọi thứ ngưng trệ vì dịch Covid-19 và giữa lúc cả ngành GTVT đang dồn lực cho những dự án trọng điểm quốc gia với không ít khó khăn, thách thức.

Tại dải đất miền Trung, ngành GTVT có 8 nghĩa trang riêng. Nơi đây thờ tự hàng nghìn anh hùng liệt sĩ, kỹ sư, công nhân lao động đã hy sinh vì sự nghiệp đi trước mở đường, giữ cho mạch máu giao thông thông suốt...

Tinh thần vượt khó, sẵn sàng cống hiến tuổi xuân, sẵn sàng hy sinh của các anh, các chị là tấm gương, bài học cho lớp lớp thế hệ cán bộ, công nhân viên lao động của ngành học tập và noi theo.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể


Nhưng, như lời Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ: “Nhìn theo chiều dài lịch sử của ngành, khó khăn lúc này sao có thể mang ra so sánh.

Ngày xưa, cha anh ta chỉ có cuốc xẻng, xà beng, lại phải làm việc trong mưa bom bão đạn nhưng vẫn mở ra được những con đường làm nên huyền thoại. Vậy nên, không có lý do gì mà thế hệ chúng ta hôm nay không thể tiếp bước truyền thống ấy”.

Nhìn vào con số hơn 40 nghĩa trang lớn nhỏ ở khúc ruột miền Trung và gần chục nghĩa trang của ngành giao thông, có thể thấy sự hy sinh, mất mát của những người làm nhiệm vụ đi trước mở đường lớn tới chừng nào.

Mỗi nghĩa trang gắn với một con đường: Đó là Hang Tám Cô, nơi 8 người con gái đang tuổi xuân thì bị chôn sống sau trận bom trải thảm. Đó là Ngã ba Đồng Lộc, nơi thân thể 10 cô gái mới mười sáu, đôi mươi ngã xuống.

Còn đó 13 nam, nữ TNXP “tiểu đội thép” bảo vệ Đường 15 Truông Bồn, họ hy sinh khi chỉ còn 1 ngày nữa là lệnh ngừng bắn có hiệu lực (31/10/1968). Là Truông Kè, Tân Ấp, Thọ Lộc, Vạn Ninh… nơi quy tập hơn 2.500 phần mộ và bia ghi danh của những người kỹ sư, công nhân, TNXP…

img

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể dâng hoa ở Khu tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ ngành GTVT hy sinh tại Hà Tĩnh

Mỗi nơi một câu chuyện, một bối cảnh lịch sử nhưng tất cả đều có điểm chung là nơi để tưởng nhớ những người đã ngã xuống cho các tuyến đường mới mở ra. Nơi những người “sống bám cầu đường, chết kiên cường dũng cảm”, sẵn sàng hy sinh để “mạch máu giao thông thông suốt”, đảm bảo con đường vận lương, tải đạn chi viện cho chiến trường.

Ông Lê Ngọc Minh, Phó chủ tịch Công đoàn ngành GTVT chia sẻ: “Qua các lần thăm viếng các nghĩa trang, đi trên những con đường huyền thoại, chúng tôi càng thêm biết ơn những đóng góp rất to lớn của lực lượng TNXP, công nhân ngành GTVT. Những hy sinh to lớn ấy là tấm gương để các thế hệ sau này học tập và noi theo”.

Theo ông Minh, để thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, hàng năm, Bộ GTVT và Công đoàn đều có các kế hoạch chương trình, hoạt động nhằm tri ân đối với những người có công với nước, những gia đình thương binh liệt sĩ, TNXP, thăm viếng các nghĩa trang liệt sĩ, nghĩa trang của ngành, đóng góp tôn tạo các nghĩa trang liệt sĩ của ngành, nghĩa trang của các đơn vị.

Qua đó, khơi dậy trong lòng cán bộ công nhân viên của ngành GTVT những tình cảm biết ơn sâu sắc đối với thế hệ đi trước.

“Tôi canh giấc cho bạn tôi nằm”

img

Gần 80 tuổi nhưng cụ Tỏ vẫn nguyện giành những ngày tháng còn lại của cuộc đời để chăm sóc cho các phần mộ ở Nghĩa trang Vạn Ninh

“Thời chiến, các anh các chị đã cống hiến tuổi thanh xuân, mở đường máu làm nên lịch sử, giờ tôi còn sống được ngày nào sẽ tiếp tục chăm lo hương hỏa cho các phần mộ của các chị, các anh ngày đó”, cụ Trần Sáng Tỏ (79 tuổi, quản trang Nghĩa trang Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) chia sẻ.

Gần 80 tuổi nhưng ngày nào cụ Tỏ cũng đạp xe từ nhà tới Nghĩa trang Ban xây dựng 67 (hay còn gọi là Nghĩa trang Vạn Ninh) để làm việc. Hành trang của người quản trang già là chai nước chè xanh, cái liềm, cái khăn mặt. Quãng đường từ nhà cụ Tỏ tới nghĩa trang chừng 1km bằng đường nhựa nhưng cũng dốc lên xuống, vòng cua theo những đồi keo, đồi thông xanh rì.

“Khuôn viên nghĩa trang này có 258 ngôi mộ, 1 tượng đài, 1 nhà thờ, bia ghi danh. Hôm qua tôi đã dọn xong cỏ ở khuôn viên cây xanh, hôm nay tập trung tỉa cây, chăm sóc các phần mộ liệt sĩ.

Làm xong việc này sẽ tới việc kia. Vòng đi vòng lại cũng hết tuần, hết tháng. Thoắt cái tôi đã làm quản trang ở đây được 14 năm rồi”, cụ Tỏ kể.

Theo lời cụ Tỏ, thời kỳ chiến tranh, giặc quyết tâm chặt đứt đường chi viện từ hậu phương nên Quốc lộ 1 bị chúng đánh phá không ngừng. Lúc đó, Trung ương giao cho Ban xây dựng 67 thần tốc mở tuyến đường 10 - tuyến đường chiến lược nối từ phà Gianh lên đường mòn Hồ Chí Minh. Để đảm bảo bí mật, toàn bộ tuyến đều được nắn đi dưới những cánh rừng già.

Tuy nhiên, địch vẫn bắn rocket, ném bom tọa độ khiến cho không ít kỹ sư, công nhân, TNXP của ta hy sinh. Họ sau đó được tập kết về khu đồi của xã, nay là nghĩa trang...

Cũng là quân nhân, từng là lính pháo binh những năm 1965 – 1969, thành viên Ban quản trị Hợp tác xã, rồi đến năm 1970 tham gia dân công hỏa tuyến, cán bộ khung của TNXP Đoàn 104 (Quảng Bình), cụ Tỏ cũng có không ít bạn bè, người thân làm trong Ban xây dựng 67.

Trong số các liệt sỹ nằm lại nơi đây, có tới 5 người là bạn, đồng đội, thân nhân của cụ. Đây cũng là một trong những lý do khiến cụ quyết định gắn phần đời còn lại của mình với công việc quản trang, với mức lương 300.000 đồng/tháng.

Vốn không phải là người mê tín nhưng khi làm quản trang ở đây, có những chuyện tâm linh, cụ Tỏ không lý giải được.

“Có ngày lễ, ngày rằm, tôi ở lại hương khói đến đêm. Nằm trong nhà nghe thấy tiếng nói chuyện ồn ào huyên náo, khi ra sân soi đèn lại không thấy ai. Cũng có hôm nghe tiếng người gọi “Ba ơi, Ba ơi!” mà bật điện lên mọi thứ lại lặng như tờ...

Lạ nhất là 2 năm trước, vì dịch Covid-19, địa phương thực hiện cách ly nên tôi cũng không tới nghĩa trang được. Thời điểm đó, tôi đổ bệnh tưởng chết, cột sống có 2 đốt bị hoại tử phải nạo, 2 đốt bị gai phải cắt. Phúc đức thế nào mà sau khi mổ tôi lại càng khỏe mạnh. Rời khỏi giường là tôi bảo vợ đưa ra nghĩa trang để thắp hương cảm tạ” cụ Tỏ nhớ lại.

Không bao giờ để hương tàn khói lạnh

img

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cùng đoàn công tác Bộ GTVT dâng hương tại Nghĩa trang Vạn Ninh. Ảnh: Văn Thanh

Cựu chiến binh Đặng Văn Lợi (61 tuổi) vừa tiếp nhận công việc quản trang tại Nghĩa trang Cục công trình 4 (xã Xuân Ninh, huyện Quảng Ninh) được 1 năm. Trước ông Lợi, đã có 2 người từng gắn bó rất lâu với nghĩa trang nhưng vì tuổi già, sức yếu, bệnh trọng mà cả 2 người đều không qua khỏi.

Ông Lợi cho biết: “Tuy chưa chăm sóc nghĩa trang được lâu nhưng nghe câu chuyện các cụ kể lại, tôi liền xung phong ra chăm nom phần mộ các anh hùng liệt sĩ. Ở đây có 208 phần mộ và lưu danh 670 anh hùng liệt sĩ, TNXP hy sinh trong quá trình mở và giữ đường Hồ Chí Minh”. “Cũng giống như lớp lớp thế hệ các anh hùng liệt sĩ, cán bộ, công nhân ngành GTVT, người trước ngã xuống, người sau tiếp bước. Nhân dân Quảng Bình chúng tôi cũng vậy, quyết không để các liệt sĩ phải lần nữa thiệt thòi trong cảnh hương tàn khói lạnh”, ông Lợi tâm sự.

Trong hành trình dâng hương tri ân các Anh hùng liệt sĩ tại các nghĩa trang ở dải đất miền Trung dịp này, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cũng đặc biệt lưu ý vấn đề này.

Bộ trưởng giao đơn vị từ các Sở GTVT địa phương, Cục Quản lý đường bộ khu vực cho đến từng đơn vị đã, đang được giao nhiệm vụ quản lý tôn tạo các nghĩa trang tiếp tục nối tiếp truyền thống, bằng mọi giá phải chăm sóc tốt các nghĩa trang - để nơi này sẽ trở thành nơi giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống ngành GTVT cho các thế hệ sau này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.