Bộ GTVT đã xây dựng 5 phương án xử lý đối với việc thu giá tại Trạm BOT Cai Lậy - Ảnh: Hải Đường |
Trong đó, phương án giữ lại trạm và tiếp tục giảm 30% giá vé, mở rộng khu vực miễn giảm cho các phương tiện được các chuyên gia đánh giá khả thi nhất.
Điểm danh 5 phương án “giải cứu” BOT Cai Lậy
Theo phương án 1, Bộ GTVT sẽ giữ nguyên vị trí trạm như hiện nay, đồng thời tiếp tục giảm giá chung cho tất cả phương tiện qua trạm (giảm khoảng 30%, phương tiện nhóm 1 từ 25.000 đồng/lượt xuống 15.000 đồng/lượt) và mở rộng phạm vi miễn, giảm giá vùng lân cận. Giảm giá 100% cho các loại xe buýt và các phương tiện không sử dụng để kinh doanh; giảm 50% cho các loại phương tiện sử dụng để kinh doanh; thời gian hoàn vốn đầu tư khoảng 15 năm 9 tháng.
Với phương án 2, sẽ lập thêm một trạm thu giá trên tuyến tránh, thu giá cả hai trạm trên tuyến tránh và trên QL1 hiện hữu để hoàn vốn cho dự án. Thời gian hoàn vốn mỗi trạm khoảng 10 năm 10 tháng với mức giá trên tuyến tránh là 25.000 đồng/lượt/phương tiện nhóm 1, trên tuyến QL1 là 15.000 đồng/lượt/phương tiện nhóm 1. “Thực hiện phương án 2 sẽ giảm một phần phản ứng của một bộ phận người sử dụng, nhưng lại phát sinh kinh phí đầu tư xây dựng trạm thu giá ở vị trí mới khoảng 90 tỷ đồng. Đồng thời, phương án này sẽ dẫn đến tình trạng các phương tiện tập trung đi qua QL1 do mức giá trên QL1 thấp hơn, gây ùn tắc, TNGT, ô nhiễm môi trường trung tâm TX Cai Lậy”, đại diện Bộ GTVT đánh giá.
Phương án 3, giữ nguyên vị trí trạm như hiện nay, mức giá 25.000 đồng/lượt/phương tiện nhóm 1, thời gian thu giá khoảng 7 năm 7 tháng.
Còn phương án 4, chỉ đặt trạm thu giá trên tuyến tránh, phân luồng cho các loại xe đi vào tuyến tránh. Bộ GTVT cho biết, thực hiện phương án này Nhà nước phải sử dụng ngân sách để hỗ trợ, theo tính toán sơ bộ ban đầu khoảng 1.250 tỷ đồng vào năm 2019. Bên cạnh đó, việc phân luồng sẽ dẫn đến phản ứng của người dân với lý do ép các phương tiện đi vào tuyến tránh có mua vé hoặc giá vé cao hơn, đặc biệt là phản ứng từ các doanh nghiệp vận tải, kinh doanh gạo có trụ sở, giao dịch trong TX Cai Lậy.
Cuối cùng, phương án 5, Bộ GTVT sẽ đàm phán nhà đầu tư chuyển đổi hình thức hợp đồng, xóa bỏ trạm thu giá Cai Lậy và dùng vốn Nhà nước thanh toán hàng năm cho nhà đầu tư tương ứng với doanh thu hoàn vốn theo hợp đồng BOT đã ký, thời gian hoàn trả tương ứng thời gian thực hiện hợp đồng BOT (7 năm 7 tháng). Số tiền thanh toán hàng năm (đã bao gồm lãi vay phát sinh) trong thời gian từ 2019 - 2029 khoảng 2.026 tỷ đồng.
Trạm thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ Cai Lậy (BOT Cai Lậy) đặt tại xã Bình Phú, huyện Cai Lậy, Tiền Giang - Ảnh: Hải Đường |
Nên chọn phương án nào?
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết, việc quyết định phương án xử ý trạm Cai Lậy sẽ ảnh hưởng đến các dự án tương tự trong việc thu giá dịch vụ (5 dự án có đầu tư tuyến tránh, thu giá trên đường hiện hữu và 4 dự án thu giá dịch vụ đồng thời trên đường hiện hữu và trên tuyến mới) nên cần được xem xét thận trọng, tránh ảnh hưởng đến chủ trương lớn của Đảng, tránh việc kích động, lôi kéo lan rộng đến các dự án BOT khác, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, đặc biệt là việc triển khai dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông trong thời gian tới.
Bộ GTVT đề xuất lựa chọn một trong hai phương án Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật, qua thanh tra, kiểm toán và kết quả tự rà soát, đánh giá lại của Bộ GTVT, việc đặt trạm thu giá tại vị trí hiện nay là phù hợp quy định pháp luật. Vì vậy, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận ưu tiên 1 là lựa chọn phương án 1 (tiếp tục triển khai thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại trạm Cai Lậy hiện nay, có điều chỉnh giảm giá vé chung cho tất cả các phương tiện và mở rộng vùng miễn giảm, giảm giá cho một số xã lân cận trạm thu giá); Ưu tiên 2 là lựa chọn phương án 2 (lập thêm một trạm trên tuyến tránh, thu giá cả 2 trạm trên tuyến tránh và trên QL1 hiện hữu để hoàn vốn cho dự án, thời gian hoàn vốn mỗi trạm tương đương nhau). |
Trao đổi với Báo Giao thông, một chuyên gia kinh tế cho biết, để giải quyết dứt điểm những phản ứng của lái xe và người dân qua trạm BOT Cai Lậy, phương án 4 (chỉ thu trên tuyến tránh) và phương án 5 (xóa bỏ trạm, Nhà nước hoàn trả tiền cho nhà đầu tư) nghe có vẻ phù hợp, nhưng không khả thi để áp dụng. “Nếu chỉ thu trên tuyến tránh sẽ không còn gặp phản ứng của người dân nhưng khi đó các xe sẽ tập trung đi vào QL1 để trốn trạm, khiến ùn tắc và TNGT trong khu vực TX Cai Lậy. Đồng thời, phương án tài chính của dự án không đảm bảo, Nhà nước phải bỏ tiền để bù lỗ cho nhà đầu tư”, chuyên gia này nói.
“Còn với phương án 5 sẽ giải quyết triệt để phản ứng của người dân, nhưng số tiền ngân sách bù lại cho nhà đầu tư rất lớn. Hơn nữa, khi áp dụng phương án này, chắc chắn sẽ dẫn tới phản ứng dây chuyền của hàng chục dự án BOT khác trên cả nước. Nhà nước không thể lấy ngân sách để hoàn trả cho nhà đầu tư số tiền lên tới hàng chục nghìn, thậm chí hàng trăm nghìn tỷ đồng đã đầu tư vào các dự án BOT. Do vậy, cả phương án 4 và phương án 5 sẽ không khả thi để áp dụng trong thực tiễn”, vị chuyên gia này phân tích và cho rằng, phương án có tính khả thi cần được tính đến để đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp là phương án 1 của Bộ GTVT đề xuất.
“Theo phương án 1, tất cả phương tiện đều được giảm 30% mức giá, xe con xuống còn 15.000 đồng/lượt và khu vực miễn giảm giá được mở rộng thêm nhiều xã, phường của TX Cai Lậy. Tính toán của Bộ GTVT cho thấy, mức giá qua Cai Lậy thấp nhất trên toàn tuyến QL1, giảm gánh nặng về phí cho các tài xế, đảm bảo mục tiêu phân luồng, Nhà nước không phải hỗ trợ ngân sách, nhưng thực hiện phương án nhà đầu tư sẽ chịu thiệt thòi vì thời gian hoàn vốn chắc chắn kéo dài, ảnh hưởng đến phương án tài chính và khả năng trả nợ đối tác tín dụng của nhà đầu tư. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, nhà đầu tư buộc phải chấp nhận, không còn giải pháp nào khả thi hơn phương án này”, vị chuyên gia nói.
Đồng quan điểm, GS.TS. Vũ Đình Phụng - chuyên gia giao thông khẳng định, phương án 1 (giữ nguyên vị trí trạm như hiện nay và tiếp tục giảm giá chung cho tất cả phương tiện, đồng thời mở rộng phạm vi miễn giảm) là phương án khả thi. “Bộ GTVT đề xuất giảm 30% mức phí chung cho các phương tiện và miễn giảm thêm cho các hộ dân các xã gần trạm thu giá và các phương tiện xe buýt công cộng cũng không phải mất phí khi đi qua trạm, tôi nghĩ phương án như vậy là khả thi”, ông Phụng nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận