Mỹ và Trung Quốc chiếm 2/5 tổng lượng khí thải toàn cầu. |
Đại biểu 195 nước đang tham dự Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 21), trong đó có Mỹ và Trung Quốc là hai nước phát thải nhiều nhất - chiếm 2/5 tổng lượng khí thải toàn cầu.
Bất đồng từ trong nước
Hôm qua, trước ngày khai mạc COP21, Tổng thống Mỹ Barack Obama tỏ vẻ lạc quan về khả năng đạt được một thỏa thuận toàn cầu về chống biến đổi khí hậu và cho biết, ông sẽ kêu gọi sự ủng hộ đối với các nước dễ bị tổn thương nhất phát triển năng lượng sạch và thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu.
Trước khi COP 21 diễn ra ba tuần, ông Obama phủ quyết dự án đường ống dẫn dầu Keystone XL, nhấn mạnh đến vai trò chủ đạo của Mỹ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, theo AFP. Dự án này được nộp đơn xin giấy phép 7 năm trước, có chiều dài 1.900 km, trong đó khoảng 1.400 km trên lãnh thổ Mỹ, nhằm vận chuyển dầu khai thác từ vùng cát dầu Alberta, Tây Canada đến vùng Nebraska (Mỹ), rồi vận chuyển đến các nhà máy lọc dầu của Mỹ nằm trong vịnh Mexico. Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu là một trong những ưu tiên hàng đầu trong nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai và ông Obama nói rằng, “thông qua một dự án như thế có lẽ sẽ làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Mỹ trên vấn đề khí hậu” và “không nằm trong lợi ích của quốc gia”.
Động thái này của ông Obama gây khó chịu cho phe Cộng hòa. Vì nhiều lý do nên tuần trước, Thượng viện Mỹ do phe Cộng hòa chiếm đa số thông qua hai nghị quyết ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch chống biến đổi khí hậu của Nhà Trắng: Một nhằm vào các quy định về khí thải của các nhà máy điện và một liên quan đến các nhà máy nhiệt điện trong tương lai. Ngay lập tức, Nhà Trắng cảnh báo ông Obama sẽ sử dụng quyền phủ quyết nếu cần thiết.
Nỗ lực chưa đủ
Trong khi đó, kể từ hai ngày cuối tuần vừa rồi, nhiều thành phố miền Bắc Trung Quốc đang phải chịu đợt ô nhiễm nghiêm trọng từ đầu năm đến nay. Khói bụi bao phủ từ TP Thái Nguyên của tỉnh Sơn Tây kéo dài đến tỉnh Hà Bắc, TP Thiên Tân và Bắc Kinh. Riêng Bắc Kinh nâng cấp cảnh báo ô nhiễm lên cấp màu Da Cam (trong bốn mức: Xanh, Vàng, Da Cam, Đỏ) và khởi động biện pháp ứng phó khẩn cấp cấp 4.
Chỉ số PM2,5 (hạt bụi có kích thước nhỏ hơn 2,5 micromet) đo được ở nhiều nơi vượt mức 300 microgram/m3 khí, một số nơi lên tới 400 microgram/m3. Khói bụi bao trùm khiến tầm nhìn hạn chế, có nơi tầm nhìn dưới mức 300 m. Nhiều tuyến đường cao tốc ra vào thành phố phải đóng cửa để tránh TNGT do tầm nhìn hạn chế.
Trước đó, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường công bố các đóng góp của nước này trong việc cắt giảm khí thải, cụ thể là giảm lượng khí thải từ 60 - 65% (so với năm 2005), chậm nhất là vào năm 2030. Nhưng các chuyên gia cho rằng, như thế vẫn còn thấp hơn so với khả năng, không đủ để giữ nhiệt độ trái đất không tăng quá 20C (mục tiêu của COP 21) và Trung Quốc vẫn có thể làm hơn thế.
Trung Quốc đứng thứ nhất về lượng phát thải CO2, với 27% tổng lượng phát thải toàn cầu một năm, gấp đôi Mỹ (14%); tiêu thụ than (năng lượng gây ô nhiễm nhiều nhất) nhiều nhất thế giới, chiếm một nửa lượng than toàn cầu.
Theo chuyên gia Pascal Canfin của World Ressource Institute, cho đến nay, cùng với cam kết đóng góp của Trung Quốc và các nước gây ô nhiễm chủ yếu, trái đất vẫn tiếp tục nóng lên 3,5 - 40C vào cuối thế kỷ, chứ không phải 20C như mong muốn của dự thảo Thỏa thuận Paris - mục tiêu của COP 21 lần này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận