Sau gần 4 tháng phát sóng, bộ phim “Về nhà đi con” chính thức kết thúc ở tập 85. Dẫu còn nhiều ý kiến trái chiều về chuyện đậm - nhạt, bộ phim vẫn làm hài lòng đại đa số khán giả với một cái kết tốt đẹp cho tất cả các nhân vật.
Thực tế ban đầu khi ê-kíp làm phim thông báo phim sẽ tăng từ 68 tập lên 82 tập, rồi kéo dài 85 tập đã khiến không ít khán giả bày tỏ nỗi ngán ngẩm, cho rằng bộ phim bị kéo dài tập để có nhiều nguồn thu từ quảng cáo. Mặt khác, phim Việt từ trước tới nay mỗi khi kéo dài tập đều kéo theo sự nhạt nhẽo, thiếu logic trong kịch bản. “Về nhà đi con” cũng không thoát khỏi tình cảnh ấy.
Mặc dù đạo diễn Nguyễn Danh Dũng khẳng định, các tình tiết trong phim đều được xây dựng kỹ lưỡng và hợp lý nhưng về sau, phim càng nhận được nhiều phản hồi trái chiều bởi kịch bản lê thê, dài dòng, tình tiết diễn biến chậm, thiếu hấp dẫn. Bất chấp những điều đó, phim cũng đã thành công vì phần nào chiều theo được mong muốn của khán giả: Happy Ending. Và đây cũng chính là cái lợi của một bộ phim được thực hiện theo hình thức cuốn chiếu (tức sản xuất tới đâu phát sóng tới đó), bởi đo được thị hiếu của khán giả và tăng giảm liều lượng. Rõ ràng, “Về nhà đi con” là bộ phim hiếm hoi được truyền thông và khán giả bỏ qua nhiều sạn, vui vẻ chấp nhận nó.
Trước đó, bộ phim “Gạo nếp, gạo tẻ” (đạo diễn Thạch Thảo - Hoàng Anh) vốn rất ăn khách cũng từng bị khán giả chỉ trích khi từ kế hoạch 80 tập, ê-kíp sản xuất cố kéo dài lên 109 tập. Càng kéo dài, các tình tiết phim càng lan man, diễn biến nội tâm nhân vật trở nên thiếu thuyết phục đã khiến khán giả kêu gọi tẩy chay phim.
Hầu hết những người làm phim đều thừa nhận, cái lợi của làm phim cuốn chiếu là có thể nương theo mong muốn của khán giả để phát triển tình tiết kịch bản. Thế nhưng, không phải bộ phim nào cũng có được may mắn được khán giả ủng hộ như “Về nhà đi con”, cũng như có được ê-kíp sản xuất chắc tay để níu được khán giả đến cuối bộ phim.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận