Chuyện dọc đường

Chống lũ cho... nhà mình

16/10/2020, 07:11

Sống trên lũ thật chẳng dễ dàng gì. Nhưng từ lâu, dân gian cũng đúc rút ra vài cách có thể áp dụng.

img
Công nhân Công ty Vệ sinh - môi trường xịt nước đẩy phù sa. Ảnh: N.T.T

Không nhiều thì ít, không nặng thì nhẹ, người dân các tỉnh, thành “đòn gánh” miền Trung năm nào cũng hứng chịu bão lũ. Bão dữ nhưng nhanh, lũ ngập thì dầm dề. Sống trên lũ thật chẳng dễ dàng gì. Nhưng từ lâu, dân gian cũng đúc rút ra vài cách có thể áp dụng.

Làng Lộc An ven con sông Kiến Giang của huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) cứ mưa là ngập nước. Người dân coi đó là lẽ thường tình. Thậm chí còn là dịp để bủa lưới, câu cá, con nít thì chặt chuối đóng thành bè (gọi là bối) chống đi chơi quanh làng.

Những năm không có nước máy và cả hiện nay nơi có nơi không, mùa lũ nước lại đục khó dùng. Nước sinh hoạt là vấn đề cấp thiết nhất.

Nhớ hồi cả làng còn dùng nước giếng, lũ ngập, giếng ngập, phải dùng nước lũ rất mất vệ sinh.

Thế rồi một lần, nước dâng lên, bác tôi lấy một tấm nilon (dùng làm áo mưa) bịt miệng giếng, xong dùng sợi cao su cắt từ săm xe đạp nối lại quấn kỹ nhiều vòng. Nước ngập cũng để thế, đến khi nước rút, mở ra, lạ thay, nước lũ không vào được nên nước giếng vẫn trong văn vắt.

Từ đó cả làng rồi cả vùng học theo. Nhờ đó mà có nước dùng trong mùa mưa lụt.

Vùng trũng các tỉnh miền Trung thường ngập sâu nhưng rút khá nhanh, chỉ Huế là nơi nước dầm lâu nhất. Đợt này tiếp đợt khác, có khi kéo dài gần tháng.

Nước vào nhà mang theo phù sa (có nơi gọi là bùn non), lắng lại. Nếu để nước rút, bùn dẻo lại hoặc khô đi, việc dọn dẹp trở nên cực khổ vô cùng. Hiện nay các sân trường thường bị tình trạng này. Xong lũ, đoàn viên, thanh niên tình nguyện dọn cả núi bùn.

Nhưng rồi người dân cũng có cách. Đợt lụt rồi, chứng kiến cảnh gia đình ở Huế, khi nước vào thì chất đồ lên cao, nước cao lên lại chất đồ lên cao hơn. Suốt cả ngày đàn ông dọn dẹp mệt thì đi ngủ, những người đàn bà gia đình lại chong đèn ngồi nhìn con nước.

Nửa đêm nước rút ra được chừng nào thì họ dùng thau chậu dội bùn bám trên tường, trên đồ vật đến đó. Khi nước rút ra khỏi nhà thì dội sân, dội bùn trên cây cối trong vườn, nước rút hết thì nhà, sân vườn đều sạch sẽ.

Ở huyện Lệ Thủy quê tôi, lũ lụt các công sở, trường học, trạm xá... đều cử người trực. Người trực chủ yếu là làm việc đó. Nước rút đến đâu dội bùn đến đó. Nước rút nhanh làm không kịp thì gọi thêm người.

Cách đây mấy hôm, ở Huế, tôi cũng đã chứng kiến Công ty Vệ sinh môi trường xịt nước dội bùn trên các tuyến đường nước vừa rút hoặc đang còn mấp mé. Làm thế việc khắc phục hậu quả bùn đất nhẹ nhàng hơn một chút.

Các gia đình vùng ngập lũ nhiều, bất luận thế nào cũng chuẩn bị bếp củi. Bếp củi là cách tốt nhất để không sợ mất điện, hết gas (hoặc sự cố về gas).

Việc tích trữ lương thực, thực phẩm chuẩn bị chống lũ, hẳn nhà nào cũng đã có kinh nghiệm, bài viết này xin không nhắc đến nữa, chỉ nói thêm là đừng chủ quan tích trữ ngắn hạn, phải có phương án dự phòng vì với kiểu thời tiết biến đổi như hiện nay thì chuyện gì cũng có thể xảy ra.

Và trên hết, đừng cố đi đâu, làm việc gì cho bằng được hoặc khinh suất, hoặc tiếc của... khi bão lũ rình rập. Bởi không gì mạnh bằng nước, sơ sảy một chút thôi thì tai họa khó lường, vừa khổ mình vừa khổ người đi cứu nạn.

Tù túng một chút không sao, buồn một chút không sao, phải bảo đảm an toàn tính mạng. Người còn thì của còn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.