Chính trị

Chống tham nhũng đã thực sự răn đe quan chức

06/01/2023, 06:00

Công tác phòng chống tham nhũng triển khai quyết liệt thời gian qua được nhân dân đồng lòng ủng hộ, đã tạo ra sự cảnh tỉnh, răn đe rất lớn.

Tính đến nay, có 67 cán bộ diện Bộ Chính trị và Ban Bí thư quản lý bị kỷ luật từ đầu nhiệm kỳ, trong đó có 7 Ủy viên Trung ương, 6 nguyên Ủy viên Trung ương. Một số nhân sự khác cũng được cho thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương; nhiều vụ án lớn tiếp tục được phát hiện, xử lý, hàng loạt cán bộ bị kỷ luật, xử lý hình sự.

Trao đổi với Báo Giao thông, PGS. TS. Lê Quốc Lý, nguyên Phó giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, điều này đã tạo ra sự cảnh tỉnh, răn đe rất lớn.

img

PGS.TS. Lê Quốc Lý

“Trên nóng, dưới nóng”

Nhìn lại cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện quyết liệt thời gian qua, ông đánh giá thế nào?

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, có thể thấy rõ công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Nhiều ổ nhóm tham nhũng đã được phanh phui, trong đó không ít những cán bộ là Ủy viên Trung ương, thậm chí là cả Ủy viên Bộ Chính trị. Chỉ riêng năm 2022 đã có 3 Ủy viên Trung ương vướng vòng lao lý, cùng với đó là một số Ủy viên Trung ương khác bị kỷ luật cảnh cáo rồi xin thôi chức vụ.

Điều này cho thấy, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của chúng ta “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay đã trở thành xu hướng và thành phong trào không ngừng nghỉ. Hiện tượng “trên nóng dưới lạnh” đã từng bước được khắc phục.

Như ông nói, hiện tượng “trên nóng dưới lạnh” trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được từng bước khắc phục, vậy nguyên nhân nhờ đâu?

Việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh đã minh chứng cho điều đó. Đây được coi là “cánh tay nối dài” của Ban Chỉ đạo Trung ương, nhân dân kỳ vọng sẽ hạn chế tham nhũng, tiêu cực ở cấp cơ sở.

Ban Chỉ đạo cấp tỉnh sẽ giúp cho công tác đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực liền mạch, chặt chẽ, thống nhất theo hệ thống từ Trung ương đến địa phương.

Hiện các tỉnh, thành phố trên cả nước đều đã thành lập Ban Chỉ đạo tại địa phương và đi vào hoạt động. Trong 10 tháng của năm 2022, các địa phương đã khởi tố mới 382 vụ án tham nhũng, gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù mới được hình thành và đi vào hoạt động, nhưng các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã tích cực, chủ động đưa gần 400 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực vào theo dõi, chỉ đạo để tập trung chỉ đạo xử lý.

Nhiều địa phương đã khởi tố cả Phó chủ tịch UBND tỉnh, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở như: Lào Cai, Phú Yên, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Quảng Ninh...

Sự cộng hưởng đầy quyết tâm của các địa phương với Trung ương cũng giải tỏa những thắc mắc của dư luận rằng, cứ có việc nào Ban Chỉ đạo Trung ương vào cuộc thì mới có tiến triển, còn rất nhiều vụ “chìm xuồng”.

Cảnh báo những ai có ý định “nhúng chàm”

Nhưng có một thực tế, dù cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực rất quyết liệt, nhưng số cán bộ, đảng viên vi phạm bị đưa ra trước ánh sáng vẫn rất nhiều, vẫn gia tăng. Chúng ta nên nhìn nhận vấn đề này thế nào, thưa ông?

Cần thẳng thắn thừa nhận, trong bộ máy Nhà nước hiện nay có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa làm tròn trách nhiệm làm giảm sút lòng tin của nhân dân, làm mất uy tín, tổn hại danh dự của Đảng, thậm chí đe dọa đến sự tồn vong của chế độ.

Nhận diện được nguy cơ đó, trong những năm qua Đảng ta đã không ngừng đẩy mạnh công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Không phải ngẫu nhiên mà chúng ta lại coi tham nhũng, tiêu cực là “giặc nội xâm”.

Với phương châm “xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực; xử lý một người để cứu muôn người”, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã có tác động răn đe sâu rộng đến đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Qua các đại án tham nhũng vừa qua, chúng ta đã thu lại được hàng chục nghìn tỷ đồng. Đó là còn số tiền không hề nhỏ bổ sung vào ngân sách của đất nước từ đó có thể tái đầu tư cơ sở hạ tầng. Hơn nữa cuộc chiến chống tham nhũng còn giúp chúng ta nhận diện được những khoảng trống của pháp luật, từ đó kịp thời sửa đổi để có một hành lang pháp lý hoàn thiện.

PGS. TS. Lê Quốc Lý


Rõ ràng với hàng loạt quan chức cấp cao, từ Bộ trưởng, đến Bí thư tỉnh ủy… bị xử lý kỷ luật, thậm chí vướng lao lý vì tham nhũng, vi phạm quản lý gây thất thoát ngân sách… thì công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã thực sự “không có vùng cấm”.

Những vụ án, vụ việc bị xử lý trong thời gian vừa qua được dư luận xã hội ví như hồi chuông cảnh báo, lời cảnh tỉnh, răn đe đối với các cá nhân, tổ chức để rồi buộc phải thay đổi, hành vi, nhận thức nếu không muốn phải trả giá khi “nhúng chàm”.

Ông vừa nói cuộc chiến chống tham nhũng đã tạo ra sự răn đe, cảnh tỉnh rất lớn, song liệu sự quyết liệt này có tạo ra “hiệu ứng ngược”, khiến một bộ phận cán bộ có tư tưởng né tránh, thoái thác, không dám làm vì sợ trách nhiệm, khiến công việc bị ách tắc, gián đoạn?

Thực tế thời gian qua, một số cán bộ dám nghĩ nhưng không dám làm, nhụt chí, không dám đổi mới, sáng tạo, giữ mình cho an toàn. Vấn đề này cũng đang được Đảng nhìn nhận.

Nhưng tôi tin rằng, phần đông cán bộ, đảng viên, nhân dân đều nhìn nhận đúng đắn về cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Bằng chứng là những năm qua kinh tế của chúng ta luôn luôn phát triển cao, thuộc top những nước tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới.

Không chỉ có tôi mà nhiều người cho rằng, cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực chỉ làm “chùn bước” những cán bộ, đảng viên có động cơ không trong sáng, chỉ nhăm nhe “chấm mút” tài sản của Nhà nước, của nhân dân.

Trả lương xứng đáng để ngăn ngừa tham nhũng

img

Ngày 4/1/2023, TAND TP Hà Nội tuyên án sơ thẩm đối với 36 bị cáo trong đại án AIC, trong đó bị cáo Trần Đình Thành (trong ảnh), cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai lĩnh 11 năm tù về tội “nhận hối lộ”. Trong vụ án này, bị cáo Đinh Quốc Thái, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cũng bị tuyên 9 năm tù

Vừa qua, Đảng đã ban hành những quy định để bảo vệ người dám nghĩ dám làm. Theo ông, có cần thể chế hóa để rõ hơn quy định này, tránh tình trạng cán bộ dám nghĩ nhưng không dám làm, nhụt chí, không dám đổi mới, sáng tạo, giữ mình cho an toàn?

Vừa qua, Bộ Chính trị ban hành Kết luận 14 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Tiếp đến, Nghị quyết 28 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII đã yêu cầu thể chế hóa chủ trương của Đảng về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Được biết, Bộ Nội vụ đang tiến hành soạn thảo nghị định để thể chế hóa chủ trương Kết luận 14 của Bộ Chính trị.

Ở đây, chúng ta cần quan tâm đến nội dung của nghị định này sẽ quy định thế nào. Đổi mới, sáng tạo có rất nhiều vấn đề và phong phú, đa dạng ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Do đó việc xác định thế nào là đổi mới, sáng tạo và diễn ra ở lĩnh vực nào là điều không đơn giản.

Cùng với đó, cần đưa ra cơ chế để ngoài khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm song cũng phải hạn chế tối đa việc lợi dụng chủ trương này để thực hiện những hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước.

Để cán bộ không cần tham nhũng, theo ông chính sách cải cách tiền lương cần phải có những đột phá như thế nào?

Tiền lương là giá trị sức lao động nên phải trả lương phù hợp. Ví dụ như một kỹ sư ra trường đi làm nhận 85% mức lương cơ bản, tính ra chưa được 5 triệu đồng, trong khi đó người giúp việc bình thường cũng đã nhận lương từ 5 - 6 triệu đồng (cộng ăn, ở).

Đã đến lúc chúng ta phải cải cách triệt để chính sách tiền lương để xây dựng cơ chế hợp lý, xứng đáng những gì cán bộ, công chức, viên chức bỏ ra.

Có một cụm từ mà xưa nay những người làm công chức, viên chức Nhà nước vẫn than vắn, thở dài với nhau, đó là “đồng lương ba cọc ba đồng”, ý nói khoản thu nhập không đáng là bao, nhiều khi không đủ sống.

Thế cho nên, để cải thiện thu nhập cuộc sống, không ít cán bộ, công chức đã có những cách “kiếm thêm” mà nhiều nơi vẫn gọi là “tham nhũng vặt”, thậm chí là tham ô tài sản công, nhận hối lộ, đút lót, vi phạm pháp luật.

Một khi đã có chính sách trả lương cao cho cán bộ, công chức, thì khi đó, cán bộ, công chức sẽ có ý thức trong việc gìn giữ công việc của mình, không có hành vi vi phạm pháp luật, không phát sinh tham nhũng. Bởi nếu phát sinh tham nhũng, nhẹ thì có thể bị trừ lương, nặng thì có thể bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc hoặc xử lý hình sự.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.