Bị cáo Trần Đình Thành và Đinh Quốc Thái khi còn đương chức, mỗi người đã nhận 14,5 tỷ đồng của Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch Công ty AIC (hiện đang bỏ trốn và bị xét xử vắng mặt) để tác động đến cấp dưới và giám đốc Bệnh viện Đồng Nai giúp AIC trúng 16 gói thầu, gây thiệt hại nghiêm trọng cho Nhà nước.
Các bị cáo tại phiên xét xử đại án AIC
Trong vụ án này, hai bị cáo Thành và Thái đã được tòa xem xét trước khi kết án, bởi cả hai đều tỏ ra hối cải, chủ động làm đơn tố giác tội phạm và nộp lại toàn bộ số tiền hưởng lợi.
Và cũng giống như nhiều phiên tòa xét xử cựu quan chức nhúng chàm trước đó, điều khiến nhiều người quan tâm là những lời ăn năn, những giọt nước mắt muộn màng của các bị cáo.
Là người đầu tiên đứng trước bục khai báo, cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Trần Đình Thành được cho phép trình bày tới 15 phút.
Dành nhiều lời xin lỗi đến Đảng bộ, nhân dân tỉnh Đồng Nai và gia đình, bạn bè vì sai phạm tại vụ án AIC, bị cáo Thành cho rằng “đã đem đến vết nhơ cho Đảng bộ tỉnh, trở thành Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên trong lịch sử 80 năm của Đảng bộ Đồng Nai vướng lao lý”.
“Mất tiền bạc là mất ít, mất niềm tin là mất nhiều, mất danh dự là mất tất cả”, bị cáo bật khóc, đồng thời nhắn nhủ các cán bộ còn công tác phải thường xuyên “soi xét, tự cảnh giác với chính bản thân mình”.
Hình ảnh trước tòa của bị cáo Thành làm người ta nhớ đến nhiều cựu quan chức khác. Đó là cựu Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang; Phó chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Tài; hai cựu Chủ tịch Đà Nẵng là Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến; cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phan Văn Vĩnh; Cựu Chủ tịch Nguyễn Chiến Thắng và cựu Phó chủ tịch UBND Khánh Hòa Đào Công Thiên… Tất cả đều bất khóc khi đứng trước bục bị cáo, nói những lời ăn năn, gửi lời xin lỗi…
Nhìn lại những vụ việc thời gian qua, nhiều người không khỏi chạnh lòng. Nhiều cán bộ, đảng viên khi vào Đảng thì ai cũng thề hy sinh, chiến đấu vì lý tưởng cách mạng suốt đời, nhưng đến khi có quyền lực trong tay lại như vậy, để rồi bị bắt, bị kết án. Không chỉ bản thân, gia đình, dòng họ của họ bị mang tiếng, mà Đảng cũng bị ảnh hưởng uy tín.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã có gần 70 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị thi hành kỷ luật Đảng và xử lý hình sự, một con số kỷ lục chưa từng có. Một số người nhìn vào đó và cho rằng, làm quan chức thời nay thật rủi ro!
Tuy nhiên, điều đó là không đúng. Bởi, rủi ro chỉ xảy ra đối với những quan chức không biết tiết chế lòng tham, lợi ích nhóm, không tu dưỡng về đạo đức và phẩm chất chính trị. Các quan chức chỉ có thể tránh được rủi ro nếu như họ thật sự liêm khiết, làm mọi việc vì nước vì dân, không tư lợi.
Với việc nhiều đại án sẽ được lần lượt đưa ra xét xử, rồi đây sẽ còn nhiều cựu quan chức sẽ phải đứng trước tòa, rất có thể sẽ lại có những giọt nước mắt rơi, những lời ăn năn hối cải muộn màng.
Đó chắc hẳn sẽ là bài học để những người đang được Đảng và nhân dân giao phó trách nhiệm lấy đó tự răn mình, suy ngẫm thật kỹ trước khi định làm việc gì đó, nếu không muốn có ngày phải rơi lệ trước tòa.
TS. Phạm Quang Long
Phó chủ tịch Hiệp hội Khoa học Hành chính Việt Nam
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận