Rút ngắn chu kỳ điều hành giá xăng dầu xuống còn 7 ngày
Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) vừa cung cấp thông tin về việc sửa đổi Nghị định 83 và Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu.
Theo đó, ngày 10/10, Thường trực Chính phủ họp với các bộ về các vấn đề sửa đổi các nghị định trên. Kết thúc cuộc họp, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ "chốt" nội dung thống nhất về dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 83, Nghị định 95.
Chính phủ đồng ý với các đề xuất của Bộ Công thương về công thức giá, phương thức điều hành giá, trong đó có sửa đổi quy định về công thức giá và phương thức điều hành giá xăng, dầu theo hướng rút ngắn chu kỳ điều hành giá xăng dầu từ 10 ngày xuống 7 ngày; điều chỉnh thời gian rà soát, công bố chi phí đưa xăng, dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam, chi phí đưa xăng, dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước về cảng...
Điều này nhằm đảm bảo cập nhật kịp thời hơn giá và các loại chi phí cho doanh nghiệp, tạo động lực cho doanh nghiệp tạo nguồn xăng dầu cung ứng cho thị trường nội địa.
Chính phủ cũng đồng ý với đề xuất cho phép đại lý kinh doanh xăng, dầu được lấy xăng, dầu từ tối đa 3 nguồn nhằm tạo cạnh tranh về chiết khấu xăng, dầu trên thị trường, đồng thời tăng tính chủ động cho các đại lý bán lẻ xăng, dầu trong việc tạo nguồn, cung ứng xăng, dầu cho người tiêu dùng; loại bỏ bớt khâu trung gian trong kinh doanh xăng, dầu (bỏ loại hình tổng đại lý bán lẻ xăng, dầu) nhằm giảm chi phí vận hành hệ thống.
Dự thảo nghị định yêu cầu cửa hàng bán lẻ xăng, dầu phải thực hiện quy định về hóa đơn điện tử và cung cấp dữ liệu hóa đơn điện tử theo quy định của pháp luật nhằm hạn chế việc doanh nghiệp gian lận, trốn thuế, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước.
Doanh nghiệp tiếp tục được thuê sử dụng kho xăng, dầu như quy định hiện nay nhưng cần tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ và có chế tài cụ thể trong trường hợp vi phạm…
Về Quỹ bình ổn giá xăng, dầu, Chính phủ nêu quan điểm tiếp tục duy trì như hiện nay, nhưng cần bổ sung các quy định, biện pháp quản lý, giám sát chặt chẽ.
Rút giấy phép kinh doanh nếu không khắc phục vi phạm
Tại dự thảo nghị định lần này, Bộ Công thương cho biết, sẽ sửa đổi, bổ sung một số quy định mang tính kỹ thuật nhằm giải quyết các vấn đề vướng mắc, bất cập còn tồn đọng cho phù hợp hơn với tình hình thực tiễn.
Ngoài ra, còn sửa đổi, bổ sung quy định về các trường hợp thu hồi giấy phép kinh doanh xăng, dầu của thương nhân. Theo đó, các trường hợp vi phạm, tùy theo mức độ, sẽ cho phép thương nhân khắc phục vi phạm trong thời gian 90 ngày. Sau thời gian này, nếu thương nhân không khắc phục được vi phạm sẽ bị thu hồi giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng, dầu.
"Việc quy định như trên nhằm tránh việc làm đứt gãy đột ngột nguồn cung xăng, dầu, đặc biệt trong những thời điểm nguồn cung xăng, dầu trong nước bị ảnh hưởng, khan hiếm", Bộ Công thương thông tin.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận