Thị trường

Sửa Nghị định 95: Đại lý bán lẻ xăng dầu sẽ được nhập hàng từ nhiều nguồn?

18/11/2022, 06:15

Theo giới chuyên gia và DN, việc sửa Nghị định 95 để đại lý bán lẻ xăng dầu được lấy hàng từ nhiều nguồn, sẽ có rất nhiều bất cập cần tính toán.

Cần lấy từ 2 nguồn, cam kết cấp đủ hàng… để tránh tồn trữ hưởng chênh lệch giá

Để ổn định thị trường xăng dầu, nhiều giải pháp được đưa ra, trong đó có kiến nghị sửa Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu.

Bộ Công thương cũng đã có văn bản hỏa tốc gửi các bộ ngành và UBND các tỉnh, thành phố liên quan đến việc sửa đổi quy định về kinh doanh xăng dầu.

Bước đầu, Bộ Công thương đã phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp rà soát và đưa ra một số vấn đề cần đề xuất, sửa đổi.

Trong đó có vấn đề về chu kỳ điều hành giá xăng dầu, việc quy định chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu, đại lý bán lẻ xăng dầu được lấy hàng từ nhiều nguồn.

img

Dù tình trạng xếp hàng mua xăng đã tạm lắng, nhưng việc đứt nguồn cung vẫn chưa được giải quyết dứt điểm

Góp ý lần này, nhiều người cho rằng, cần phải phân tích rõ vấn đề “Đại lý bán lẻ sẽ được nhập hàng từ nhiều nguồn?”, bởi theo nhiều ý kiến, quy định đại lý bán lẻ xăng dầu chỉ được lấy hàng từ một nơi cung ứng (thương nhân phân phối - TNPP, hoặc đầu mối) chính là một nguyên nhân khiến cho thị trường xăng dầu có tình trạng đứt gãy cục bộ như vừa qua.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Giang Chấn Tây, chủ của 6 cửa hàng xăng dầu tại Trà Vinh cho hay, đại lý bán lẻ xăng dầu cần được lấy hàng 2 nơi. Mỗi nơi sẽ cam kết cung cấp hàng theo thỏa thuận trong hợp đồng và ghi sản lượng đăng ký cụ thể.

Lúc đó, theo ông Giang Chấn Tây, Bộ Công thương cần quy định hợp đồng mẫu cho DN bán lẻ và nhà cung cấp.

Hợp đồng sẽ cần quy định DN bán lẻ đăng ký sản lượng xăng dầu bán hàng trong tháng với nhà cung cấp, nhằm tránh tình trạng thực tế còn 2-3 ngày nữa điều chỉnh giá bán lẻ, nếu giá xăng dầu có xu hướng tăng thì nhà cung cấp họ hạ chiết khấu xuống gần 0 đồng. Quy định chiết khấu cho DN bán lẻ là hết sức cần thiết!.

Vị này giải thích: “Khi giá tăng, DN bán lẻ mua hàng thì thường bị nhà cung cấp từ chối bán, hầu hết là nhất quyết không giao hàng để tồn trữ lại hưởng chênh lệch giá, cho dù DN bán lẻ nói sắp hết hàng nhưng họ nhất quyết không giao hàng nên dẫn đến đóng cửa”.

Vì sao chỉ lấy 2 chứ không nhiều hơn?, PV đặt câu hỏi. Theo ông Giang Chấn Tây, lấy nhiều nơi thì không nơi nào có quan hệ ràng buộc, do vậy khi khan hàng là không nơi nào chịu trách nhiệm cung cấp hàng.

Đó cũng là ý kiến từ nhiều đại lý bán lẻ xăng dầu. Họ mong muốn được nhập hàng từ 2 đơn vị cung ứng để chủ động nguồn cung, tránh diễn biến “lấy hàng như van xin” thời gian qua.

Còn nhiều việc phải bàn

Tuy nhiên, một thương nhân đầu mối lớn bày tỏ e ngại, khi áp dụng vào thực tế, việc lấy hàng từ 2 nguồn sẽ rất nhiều bất cập.

Vị này cho biết, theo quy định, đại lý phải bán theo giá đầu mối nơi nhập hàng. Tức là khi lấy 2 nguồn cùng chủng loại xăng dầu thì cần 2 cột bơm để phân biệt thương hiệu của các đầu mối.

“Hiện nay, mỗi lần liên bộ điều hành, DN đầu mối sẽ dựa trên giá trần để ra quyết định riêng theo hệ thống mình, nên giá cũng khác nhau.

Hơn nữa, việc để riêng cột các loại xăng, dầu của các thương hiệu là để phục vụ việc kiểm tra chất lượng xăng dầu. Khi có sự cố, cơ quan chức năng sẽ xác định được hàng hóa đó thuộc đơn vị nào”, vị thương nhân giải thích việc “vì sao phải để 2 cột bơm khác nhau và không trộn lẫn các loại xăng của các thương hiệu khác nhau vào bán cùng.

img

Ngay cả những cây xăng nhượng quyền của Petrolimex cũng đóng cửa vì lỗ

Một điểm nữa được vị chuyên gia lưu ý, là khi đứt nguồn, hay khó khăn về nguồn thì “tất cả đại lý lại là con nuôi của các đầu mối”.

“Lúc đó, muốn để việc cam kết sản lượng được hiệu quả, thì cần có ràng buộc bằng pháp lý với đầu mối mới thực hiện được”, theo vị này.

Đặc biệt, vị này lo ngại, theo quy định, mỗi đầu mối cần có tối thiểu 40 đại lý, như vậy, nếu thay đổi mỗi đại lý được lấy hàng từ 2 đầu mối, thì cùng số lượng đại lý nhưng có thể làm được 2 giấy phép xuất nhập khẩu.

“Việc này sẽ khiến cho việc cấp phép thêm phức tạp, nhiều hệ lụy”, vị thương nhân nói.

Vấn đề “bán hàng theo giá nào – đầu mối hay đại lý”, cũng đang khiến vị này băn khoăn khi hiện cả nước có khoảng 17.000 cửa hàng xăng dầu.

“Nếu bán hàng theo đầu mối, thì ngay tại 1 cửa hàng, cùng một chủng loại xăng dầu đã có các loại giá khác nhau. Người dân sẽ băn khoăn nên chọn loại nào, hệ thống phức tạp…

Còn bán theo giá đại lý, không theo đầu mối thì không việc gì phải cấp giấy phép cho đầu mối và TNPP nữa. Việc cấp phép không còn ý nghĩa”, vị này băn khoăn và cho rằng, lúc đó cũng cần làm rõ đại lý bán lẻ và TNPP khác nhau chỗ nào, khi cả 2 đều được lấy từ các nguồn khác nhau.

Như vậy, còn rất nhiều việc phải bàn khi nếu sửa Nghị định 95 theo hướng "Đại lý bán lẻ xăng dầu sẽ được nhập hàng từ nhiều nguồn".

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, nên bỏ loại hình TNPP để giảm tầng nấc của hệ thống xăng dầu.

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong sáng 5/11, Bộ trưởng Bộ Công thương cũng nhìn nhận, hệ thống kinh doanh xăng dầu đang có tình trạng đa tầng nấc, nên bị rối trong những tình huống như hiện nay. Việc này cũng làm tăng chi phí và tác động vào giá bán lẻ xăng dầu.

"Trong hướng sửa chữa tới, chúng tôi thấy phải sắp xếp lại hệ thống từ DN đầu mối, có lẽ cũng không cần quá nhiều TNPP, mà từ đầu mối cho đến đại lý và đến cửa hàng bán lẻ, như vậy sẽ giảm được tầng nấc", Bộ trưởng cho hay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.