Tình trạng khan hiếm container rỗng, giá cước bị đẩy lên cao và khó khăn trong đặt chỗ vận chuyển trên tàu dự báo sẽ còn tiếp diễn với chủ hàng Việt Nam (Ảnh minh họa)
Cước tăng 3 lần cũng không có tàu để đặt chỗ
Đầu tháng 4/2021, phản ánh tới Báo Giao thông, đại diện Công ty Chế biến thủy sản xuất khẩu Minh Hải cho biết: “Nếu tháng 11/2020, cước tàu đi Mỹ khoảng 3.600 USD/container, đến tháng 3/2021 đã tăng đến 7.000 USD. Hiện đã chạm ngưỡng 11.500 USD/container. Dù giá cao nhưng việc đặt tàu cũng vô cùng khó khăn”.
Hiện công ty này còn 1 container cần xuất khẩu sang Mỹ nhưng lại chưa có container đóng hàng ngay và chỉ có một hãng tàu duy nhất (Zim) nhận vận chuyển. Một số hãng tàu lớn khác như: Hapag Lloyd, Wan Lines từ chối nhận.
Cũng theo đại diện Công ty Chế biến thủy sản xuất khẩu Minh Hải, do giá cước vận chuyển tăng chóng mặt, từ hơn 100 triệu đến hơn 200 triệu/chuyến, tiền lãi một container không đủ bù đắp phí vận tải nên công ty không dám xuất hàng và sản xuất hàng cho thị trường Mỹ. Điều đó khiến số lượng container xuất khẩu của đơn vị sụt giảm từ 10-15 container/tháng, nay chỉ còn 1-2 container/tháng.
Trả lời câu hỏi của PV về vấn đề phạt hợp đồng khi DN xuất nhập khẩu không bảo đảm thời gian, lượng hàng cho đối tác, đại diện Công ty Minh Hải cho biết, hàng đến trễ, không tránh khỏi khoản phạt theo hợp đồng.
“Dù vậy, tiền phạt vẫn rẻ hơn chi phí xuất container, thà chấp nhận nộp phạt hơn là phải bỏ số tiền gấp 3 - 4 lần phí vận chuyển”, đại diện này chia sẻ.
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu hàng thủy sản đi Mỹ còn căng thẳng hơn khi hãng tàu MSC cho biết, từ tháng 4/2021 sẽ cắt toàn bộ tuyến hàng đông lạnh đi Mỹ.
Hãng tàu Maersk Line cũng vừa ra thông báo dừng vận chuyển hàng đến các cảng bờ Đông nước Mỹ. Doanh nghiệp muốn giao hàng ở các cảng này phải tìm kiếm các đơn vị vận chuyển hàng từ bờ Tây sang bờ Đông.
“Một số chủ hàng chọn giải pháp an toàn là đặt chỗ trước một thời gian dài, nhưng đến ngày tàu chạy, có thể do hàng sản xuất chưa kịp nên phải hủy chuyến và rơi vào cảnh “dở khóc dở cười” khi hãng tàu yêu cầu trả phí khoảng 1.500 USD/container”, đại diện VASEP cho hay.
Vì sao giá cước bất ổn?
Nhận định về nguyên nhân khiến giá cước container đi Mỹ tăng mạnh, ông Hoàng Hồng Giang, Phó cục trưởng Cục Hàng hải VN cho biết, do tác động của dịch Covid-19 tại Mỹ vẫn phức tạp, việc giãn cách xã hội dẫn đến tình trạng thiếu nhân lực xử lý hàng hóa tại các cảng.
Sau vụ tàu Ever Given mắc cạn trên kênh đào Suez khiến hàng trăm tàu tắc nghẽn, dự báo tình trạng thiếu container sẽ còn diễn ra trong ít nhất 3 tháng tới do sau khi kênh đào Suez được khơi thông, các tàu lớn sẽ dồn dập tới cảng dẫn đến sự quá tải, thời gian tàu vào làm hàng bị kéo dài hơn, tốc độ rút hàng, giải phóng container vì thế cũng chậm hơn rất nhiều.
Ông Bùi Việt Hoài, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải VN
Điều này vừa khiến lượng container rỗng tồn đọng tại các cảng tăng lên, container quay vòng của hãng tàu giảm đi, vừa đẩy chi phí làm hàng tại cảng lên cao. Do đó, các hãng vận tải phải tăng giá cước để bù đắp chi phí.
“Việc vận chuyển hàng hóa bằng đường biển đang bước vào mùa cao điểm hè. Đây cũng có thể là một trong những nguyên nhân giá cước bị đẩy lên”, ông Giang nói.
Ông Bùi Việt Hoài, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải VN cho biết, lý do các hãng tàu tăng giá cước hoặc không nhận các đơn đặt hàng vận chuyển bằng container lạnh vì loại container này đang tắc ở châu Âu và Mỹ.
“Các cảng ở Mỹ đang ùn tắc nghiêm trọng. Có những tàu chờ đợi hơn chục ngày vẫn chưa thể vào cảng. Đồng nghĩa, thời gian giải phóng hàng lâu, dẫn đến khan container rỗng”, ông Hoài nói.
Đề xuất buộc hãng tàu công khai thông tin chuyến đi
Ông Hoàng Hồng Giang cho biết, việc tăng/giảm giá cước vận chuyển hiện nay là quyền của DN vận tải dựa trên sự điều tiết của thị trường.
Kết quả kiểm tra ban đầu việc chấp hành quy định niêm yết giá, phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển theo quy định tại Nghị định số 146/2016 được tổ công tác liên ngành giữa Cục Hàng hải VN và cơ quan liên quan đang thực hiện cho thấy, các hãng tàu nước ngoài chấp hành tương đối tốt việc niêm yết giá.
“Tuy vậy, hiện chúng ta chưa có quy định buộc hãng tàu công khai các thông tin như: Khi đến Việt Nam, hãng tàu cung cấp được bao nhiêu container rỗng, số lượng chỗ trống để xếp container dành cho chủ hàng Việt Nam khi tàu vào cảng, số lượng chuyến định kỳ… khiến DN xuất nhập khẩu có thể rơi vào thế bị động bất cứ lúc nào, như việc xuất khẩu hàng hóa đi châu Âu và Mỹ như thời gian qua”, ông Giang nói.
Để khắc phục bất cập này, Cục Hàng hải VN sẽ phối hợp cùng các cơ quan liên quan công khai tất cả các thông tin trên khi đến cảng biển Việt Nam cung cấp dịch vụ, tránh tình trạng thiếu minh bạch thông tin; Đồng thời, phối hợp xác minh việc có hay không tình trạng nâng giá cước vận chuyển khi “qua tay” các đại lý hàng hải (môi giới giữa hãng tàu và chủ hàng) gây bất lợi cho thị trường xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam ra thị trường nước ngoài.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận