Showbiz

Chu Lai: Bình bầu không bao giờ tránh khỏi yêu ghét, đố kị

23/08/2017, 17:40

Theo nhà văn Chu Lai đã là bình bầu thì không bao giờ tránh khỏi yêu ghét, đố kị.

Chu Lai

Theo nhà văn Chu Lai đã là bình bầu thì không bao giờ tránh khỏi yêu ghét, đố kị

Nhà văn Chu Lai đã có những chia sẻ xung quanh những câu chuyện về việc xét giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước hiện nay.

- Việc phong tặng Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh vừa qua xảy ra rất nhiều lùm xùm. Cảm xúc của ông như thế nào khi đọc được những câu chuyện bất cập trong việc phong tặng?

Nhà văn Chu Lai: Nó có 2 chiều. Một là lùm xùm đó làm cho người ta bị đông lạnh, nhưng đồng thời cái lùm xùm đó tạo nên scandal, thậm chí tạo nên tên tuổi thương hiệu. Ví dụ nhạc sĩ này, thi sĩ kia, êm đềm đi vào danh hiệu thì người ta cũng dễ quên đi. Nhưng vì nổi cộm quá nên các tuổi tự nhiên chói sáng hẳn lên. Tuy nhiên, cái lùm xùm này kéo dài sẽ trở thành một mối bòng bong, nó sẽ không còn tác dụng tích cực.

Đã xét về thế giới bên trong tâm hồn sáng tạo của một người rất là khó, nhưng có một điều rõ ràng, dường như từ khi sinh ra giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh, ban đầu những miếng thăn, miếng nạc nhất, cái ngon cái ngọt, cái tinh túy nhất các tác giả đều đưa hết vào để lọt qua cửa Giải thưởng Nhà nước.

Nhưng thời gian sau có giải thưởng Hồ Chí Minh đòi hỏi những tác phẩm cao hơn giải thưởng Nhà nước thì tìm đi tìm lại, gạn đục khơi trong không thấy cái nào hơn cả. Cuối cùng có thể đưa ra một tác phẩm không bằng tác phẩm của giải Nhà nước để vun vén có giải thưởng Hồ Chí Minh.

Nhiều khi chính Giải thưởng Hồ Chí Minh không vạm vỡ, bóng bẩy hơn giải thưởng Nhà nước nhưng buộc vẫn cứ trao. Sau này buộc người ta sẽ nghĩ, chết tới đây các giải Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước nó sẽ bị cạn dần, không còn gì nữa cả.

Tài năng có thời vụ, chứ không thể nhất loạt hô hào đồng loạt xông lên, nó phải có gì đất trời tạo ra, thiên nhiên tạo ra, vì thế, theo tôi nghĩ khi không có nữa có thể tạm dừng, không nhất thiết cứ phải đến hẹn lại lên. Lên rồi chưa đủ tráng kiện vào giải thì tự nhiên những gì chiếm lĩnh giải thưởng cao quý ấy lại không xứng tầm, một cái gì hơi bị èo uột như phản trở lại. Như vậy nhân dân sẽ bị thiệt, nhân dân nhìn các thần tượng của mình họ cảm thấy thất vọng.

Tôi nghĩ Nghị định của Nhà nước nên mềm mại hơn nữa, nên tùy theo thời cơ, tùy theo thời tiết để quyết định về giải nếu không cố tạo giải thì sẽ bị xanh không chín được.

- Đã từng ngồi ở rất nhiều hội đồng xét giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh, ông nghĩ gì về sự yêu ghét của người bình bầu?

Nhà văn Chu Lai: Tất cả hội đồng bình bầu dựa vào tiêu chí xác định để kết luận người này xứng đáng hay không xứng đáng. Cơ bản là thế. Tuy nhiên, phàm ở đời, đã là bình bầu thì không bao giờ tránh khỏi yêu ghét, những đố kị. Tại sao cùng thế hệ với mình, tại sao nó lại hơn gì mình, ngoi cao hơn mình? Tự nhiên có cái gì đó chặn lại.

Chỉ cần yêu ghét một chút thôi, chỉ vì đố kị này nọ mà không bỏ lá phiếu thì làm phương hại đến cả một đời sáng tác người ta. Khi bình chọn, tuyển chọn những người trong hội đồng, lấy tiêu chí không được rơi vào vùng đố kị tối tăm là điều quan trọng.

Hiện nay, tiểu chuẩn xét tặng phải được 90% tổng số thành viên Hội đồng bỏ phiếu đồng ý là quá cao. Chỉ cần 1 cái nhìn yêu ghét thôi, vứt đi 10% là xong 1 đời sáng tác. Theo tôi việc hạ xuống tỉ lệ phiếu bầu 75% là vừa. Những cái đố kị, cái kèn cựa, ghen ghét, vẫn bị 25% kia loại được.

Các giải thưởng là những chất xúc tác rất lớn cho tâm tưởng tư duy sáng tạo nhưng đòi hỏi phải chuẩn xác, nhân tình. Nếu không chuẩn xác, không nhân tình thì nó là một giọt axit làm tư duy sáng tạo bị hủy hoại.

- Trong các trường hợp trượt giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh, ông tiếc ai nhất?

Nhà văn Chu Lai: Đó là trường hợp của Bảo Ninh, một tài văn quốc gia. Trên con đường tiến tới Dinh Độc lập, người lính đi bằng nhiều kiểu. Tôi có thể đi hùng dũng nhưng Bảo Ninh đi bằng nỗi niềm. Bên trong nỗi niềm của Bảo Ninh lại gặp được thân phận con người, gặp được tính nhân loại. Đằng sau nỗi niềm đó là sự hào sảng, anh hùng ca.

Tất cả những nước ca ngợi tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh đều ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ của mình. Nhưng vì nhạy cảm gì đó, cuốn tiểu thuyết, không tạo nên giải Nhà nước cho Bảo Ninh thì Bảo Ninh còn có hệ thống truyện ngắn. Riêng hệ thống truyện ngắn này, Bảo Ninh hoàn toàn xứng đáng giải thưởng Nhà nước. Chính vì thế, Bảo Ninh không được giải thưởng nào là một điều tiếc nuối cho diện mạo văn học Việt Nam. Thậm chí có những người được giải thưởng Nhà nước thắc mắc tại sao tôi đứng được mà Bảo Ninh ở ngoài? Có một nỗi buồn bâng khuâng.

- Cảm ơn nhà văn!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.