Đáng nói, chỉ có khoảng 2% bệnh nhân được chẩn đoán bệnh ở giai đoạn sớm.
Nuốt nghẹn kéo dài hóa ung thư
Tìm tới khám tại Bệnh viện Đa khoa Medlatec (BV Medlatec) chỉ vì người nhà thúc giục, ông Phạm Lê Hoàng (55 tuổi, ở Hà Nội) ngỡ ngàng khi nhận được chẩn đoán ung thư thực quản.
Hơn 6 tháng nay, ông có dấu hiệu đau bụng quanh rốn kèm đau họng và nuốt nghẹn, tuy nhiên ông nhất định không đi khám, chỉ tự mua thuốc uống.
Chỉ 2% bệnh nhân ung thư thực quản tại Việt Nam được phát hiện sớm
Tại đây, ông Hoàng được chỉ định chụp CT. Kết quả, một phần thực quản có thành dày không đều, lồi vào lòng thực quản.
Qua nội soi cũng cho thấy vùng tổn thương với bề mặt sùi loét, sung huyết. Nghi ngờ ung thư, ông Hoàng được chỉ định sinh thiết tế bào làm mô bệnh học.
Kết quả sinh thiết khẳng định ông Hoàng mắc ung thư biểu mô tế bào vảy, là loại ung thư thực quản phổ biến. Điều đáng tiếc là bệnh đã diễn biến ở giai đoạn III và bắt đầu di căn hạch.
Chia sẻ với bác sĩ, ông Hoàng cho hay, hơn 20 năm qua ông có thói quen uống rượu, bia và hút thuốc với lượng khá nhiều mỗi ngày.
ThS. BS. Lưu Tuấn Thành, chuyên khoa Tiêu hóa, BV Medlatec cho biết, ung thư thực quản thường gặp ở những bệnh nhân từ 50-60 tuổi.
Đặc biệt, những người lạm dụng rượu, bia, thuốc lá thì nguy cơ mắc bệnh cao hơn người khác rất nhiều lần. Đáng nói phần lớn bệnh nhân đến viện khi giai đoạn nặng, khối u thực quản xâm lấn xung quanh hoặc di căn.
Những nguyên nhân gây ung thư thực quản
PGS. TS. BS. Đoàn Hữu Nghị, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện K cho biết, thói quen ăn uống là một trong yếu tố nguy cơ làm gia tăng mắc ung thư thực quản.
Loại ung thư này thường gặp ở người lạm dụng rượu mạnh. Chính nồng độ cao của rượu làm bỏng, rộp lớp niêm mạc thực quản khiến cho nó biến loạn và gây ra ung thư.
Người thường xuyên hút thuốc lá cũng tăng nguy cơ gây ra ung thư thực quản và các bệnh ung thư khác như gan, bàng quang...
Thời gian hút càng lâu, nguy cơ mắc bệnh càng lớn. Nếu vừa hút thuốc lá, vừa uống rượu mạnh, nguy cơ càng lớn.
“Ngoài ra, người bị viêm loét thực quản kéo dài hoặc có chế độ ăn uống kém khoa học, ăn nhiều thực phẩm có chứa chất nitrosamine (có trong chất bảo quản thịt cá hay dưa cà muối khú), người thừa cân béo phì cũng có nguy cơ cao mắc ung thư thực quản”, ông Nghị nhấn mạnh.
Lý giải thêm nguyên nhân từ rượu, bia và thuốc lá, BS. Thành cho hay, chính khói thuốc lá có chứa các chất độc hại gây kích thích tế bào ung thư thực quản.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, những người hút thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư thực quản cao hơn khoảng 8 - 10 lần so với người bình thường.
Còn rượu làm giãn vòng cơ ở đáy thực quản, khiến axit trào ngược vào thực quản.
Rượu, bia còn kích ứng niêm mạc thực quản gây sung huyết và viêm. Uống nhiều thức uống có cồn khiến vết loét tiến triển gây đau khi nuốt, nôn mửa và chảy máu.
Bên cạnh đó những sở thích hay thói quen có hại như thích đồ ăn nóng, mặn, chua; ăn uống vội vã, gấp gáp; thường xuyên nhịn ăn sáng; ăn quá nhiều, ăn đêm trước khi ngủ… cũng là những nguyên nhân gây ung thư thực quản.
BS. Thành cho biết thêm, dấu hiệu của ung thư thực quản ở giai đoạn đầu thường không rõ ràng. Bệnh nhân có thể xuất hiện cảm giác thức ăn dính, khó nuốt, nhưng vẫn nuốt được nếu nhai kỹ.
Một số người có cảm giác nóng rát, khó chịu sau xương ức. Ở giai đoạn muộn hơn, người bệnh nuốt nghẹn nhiều, trào ngược bọt hoặc thức ăn, sụt cân, khàn giọng.
“Điều trị ung thư thực quản phụ thuộc vào một số yếu tố như giai đoạn bệnh, vị trí u và thể trạng của bệnh nhân. Bác sĩ sẽ tư vấn và chỉ định phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, hay liệu pháp miễn dịch, trong đó phẫu thuật là biện pháp điều trị chủ yếu.
Ung thư thực quản có thể di căn hạch cổ, ngực, bụng. Vì vậy, việc loại bỏ hạch trong phẫu thuật thường được thực hiện ở cả 3 vùng này. Ở giai đoạn sớm, bệnh có khả năng chữa khỏi lên đến 50%”, BS. Thành cho hay.
Còn theo khuyến cáo của BS. Hữu Nghị, do triệu chứng ung thư thực quản dễ nhầm lẫn với các bệnh lý lành tính khác, nên nội soi thực quản là cách phát hiện ung thư sớm.
Theo thống kê mới nhất của Hiệp hội Ung thư thế giới, trong năm 2020, hơn 3.200 người dân Việt Nam được chẩn đoán ung thư thực quản và hơn 3.000 người bệnh tử vong vì căn bệnh này. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 2% bệnh nhân được chẩn đoán bệnh ở giai đoạn sớm.
Trong khi đó, với các loại ung thư khác, tỷ lệ chẩn đoán sớm có thể lên tới 20%, thậm chí gần 50% (ung thư vú, ung thư cổ tử cung). Do đó, tỷ lệ sống của người mắc bệnh sau 5 năm chỉ đạt xấp xỉ 5%.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận