Ngày 30/11, ông Nguyễn Phi Long, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã đi kiểm tra tình hình lũ lụt tại các huyện Vân Canh, Tuy Phước, An Nhơn và An Lão. Đây đều là những vùng ngập sâu và đang chịu thiệt hại nặng nề bởi lũ lụt.
Ghi nhận của PV, hàng chục ngàn căn nhà tại các địa phương này bị ngập sâu trong nước lũ. Đường sá, đồ đạc, tài sản bị nước bủa vây.
Ông Nguyễn Tuấn An (người dân xã Phước Nghĩa) cho biết: "Nước lên nhanh quá, tràn vô nhà ào ào, chúng tôi chỉ kịp leo lên tầng thượng để tránh, chứ không biết đi đâu. Hiện nước ngập cao hơn nửa nhà, toàn bộ đồ đạc ngâm nước hết rồi".
Người dân tại thôn Hưng Nghĩa (xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước) được đưa đến những nơi cao hơn để tránh lũ lụt
Ông Lê Quốc Dũng - Chủ tịch UBND xã Phước Nghĩa (huyện Tuy Phước) cho biết, mực nước lũ năm nay tại xã chỉ cách đỉnh lũ lịch sử năm 2016 khoảng 25cm. Hiện toàn bộ đường sá, cầu cống, nhà dân tại xã đều bị ngập sâu. Người dân ở những nơi thấp đều di dời đến những nơi an toàn hơn để trú ngụ.
Trong khi đó, ghi nhận tại các huyện Hoài Ân, An Lão, Phù Cát, TX. An Nhơn và TP Quy Nhơn đến chiều tối nay có hàng ngàn ngôi nhà vẫn đang ngập nước.
Theo ông Lê Thanh Tùng - Chủ tịch UBND thị xã An Nhơn, hiện tại toàn thị xã có hơn 3.300 nhà dân bị ngập và hơn 4.600 hộ dân bị chia cắt. Địa phương đã chủ động lên kế hoạch sơ tán dân những nơi bị ngập sâu đi đến nơi khác.
Ông Trương Tứ, Chủ tịch UBND huyện An Lão cho biết, do mưa lớn kéo dài, hiện tại trên địa bàn huyện đã xảy ra 10 điểm sạt lở tại các xã An Toàn, An Quang, An Vinh và An Trung, với khoảng 6.000 tấn đất đá từ trên núi đổ xuống đường giao thông và khu dân cư, khiến giao thông tại những xã này bị ngưng trệ hoàn toàn.
Theo Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Bình Định, đến chiều 30/11 trên địa bàn đã có 3 người chết và mất tích, 2 người bị thương do mưa lũ gây ra.
Cụ thể, chiều 30/11, ông H.V.D (46 tuổi, ở thôn Thọ Nghĩa, xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước) bị nước cuốn trôi mất tích. Tối 29/11, bà L.T.B (79 tuổi, ở thôn Lý Tây, phường Nhơn Thành, TX.An Nhơn) bị hụt chân khi bước xuống giường, ngã xuống nước ngập trong nhà tử vong.
Trước đó, chiều 29/11, bà Đ.T.Đ (ở thôn 3, xã An Dũng, huyện An Lão, Bình Định) đi làm rẫy qua suối bị nước lũ cuốn trôi, đã tìm thấy thi thể.
Trong ngày 30/11, tỉnh này có 8 nhà bị sập, gần 24.000 ngôi nhà bị ngập nước, tập trung chủ yếu ở huyện Tuy Phước (có 10.984 nhà), thị xã An Nhơn, huyện Phù Cát…
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long yêu cầu các địa phương di dời dân những vùng ngập lụt, nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn để đảm bảo tính mạng
Trực tiếp kiểm tra những vùng ngập sâu, ông Nguyễn Phi Long, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, đây là trận mưa lũ lớn gây ngập trên diện rộng, chia cách nhiều nơi trên địa bàn tỉnh.
"Tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương tập trung sơ tán dân ở những vùng ngập sâu, sạt lở đi đến nơi an toàn, phải tuyệt đối đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Tại những nơi ngập sâu, lực lượng chức năng phải sơ tán dân đến các trụ sở, ủy ban, trường học cao ráo để người dân tạm thời trú ngụ. Các địa phương phải thành lập đường dây nóng để cho người dân liên lạc và kịp thời ứng cứu khi sự cố xảy ra và chuẩn bị lương thực, thực phẩm đầy đủ", ông Long nói.
Một số hình ảnh sơ tán dân đến vùng an toàn:
Nước lũ bủa vây nhiều khu vực ở Bình Định
Nặng nhất là huyện Tuy Phước, nước lên nhanh khiến nhiều người trở tay không kịp
Người dân chỉ kịp leo lên gác để tránh khi nước lũ dâng cao
Người dân các xã Phước Nghĩa, Phước Thắng (huyện Tuy Phước) không kịp đưa đồ đạc đến nơi an toàn
Nhiều khu vực nước lũ bủa vây, chỉ có thể di chuyển bằng xe tải
Trẻ em và người lớn tổi được ưu tiên đưa đến nơi cao hơn để tránh lũ. (Trong ảnh: Trẻ em xã Phước Nghĩa được chính quyền đưa đi tránh lũ)
Lực lượng biên phòng, công an... hỗ trợ đưa người dân huyện Tuy Phước đến nơi an toàn
Ông Nguyễn Phi Long, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo công tác ứng phó mưa lũ
Lực lượng công an, biên phòng tuần tra thường xuyên bằng ca nô để hỗ trợ người dân chống lũ
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận