Chiều 9/7, cuối phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 9 HĐND TP.Hà Nội khóa XV, với trách nhiệm là người đứng đầu UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung phát biểu làm rõ thêm nội dung mà các đại biểu HĐND thành phố, cử tri và dư luận đang quan tâm.
Đề cập đến việc thu hồi tiền sử dụng đất, tiền thuê đất dự án chậm triển khai, ông Chung cho biết Ban cán sự Đảng UBND thành phố đã thành lập ban chỉ đạo thu hồi nợ đọng do một Phó chủ tịch thành phố chủ trì, thường xuyên định kỳ rà soát; Cục thuế thành phố thường xuyên thông báo công khai doanh nghiệp nợ đọng. Thành phố thống nhất chỉ đạo tất cả doanh nghiệp nợ đọng thuế trên địa bàn đều không được cấp mới và gia hạn dự án đầu tư mới. Sau thời hạn nhất định, thành phố sẽ tổ chức thu hồi đất theo đúng quy định của Luật Đất đai.
Thông tin đến đại biểu Dương Đức Tuấn (quận Hoàn Kiếm), Hồ Vân Nga và một số đại biểu khác liên quan đến nội dung đầu tư xây dựng cơ bản 6 tháng đầu năm 2019 chậm, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung thừa nhận, tiến độ giải ngân 6 tháng đầu năm 2019 đạt 32,2%, thấp hơn so 2018 (33,5%).
Việc các dự án đầu tư công giải ngân chậm có nhiều nguyên nhân, trong đó ông Chung cho biết đã kiểm điểm rõ trách nhiệm liên quan đến việc điều hành đầu tư công chậm. “Thành phố xác định không đưa được nguồn lực đầu tư công vào vận hành, để nguồn tiền không tiêu hết là có lỗi với người dân”, ông Chung nói.
Để đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, từ đầu 2016, ông Chung cho biết, UBND thành phố đã đề xuất sang Thường trực Thành ủy và được Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy thông qua việc nâng chính sách đền bù GPMB cho người dân khi nhận nhà tái định cư từ 3,2 triệu lên 6,8 triệu. Nhờ vậy, có nhiều dự án như dự án vành đai 2, có khu vực từ 95 - 98% người dân lấy tiền chứ không lấy nhà tái định cư.
Ngoài ra, thành phố được Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế đặt hàng xây nhà ở thương mại phục vụ cho tái định cư theo hướng huy động nguồn lực xã hội vào đầu tư các dự án chứ không dùng ngân sách. Hiện nay các dự án lớn của thành phố như vành đai 3, 2, 1 và các dự án khác đều đủ nhà tái định cư.
Liên quan đến vấn đề phòng cháy chữa cháy (PCCC), ông Nguyễn Đức Chung cho biết, những năm qua, HĐND thành phố liên tiếp chất vấn về PCCC. Tuy nhiên, hằng năm vẫn xảy ra các vụ cháy nổ nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn.
Theo ông Chung, có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ quan là người dân, chủ doanh nghiệp vẫn coi thường công tác PCCC. Ngay ở nhà riêng, nhà ống, người dân, chủ cửa hàng chưa quan tâm đến cửa thoát hiểm. Nhiều trường hợp tử vong thương tâm vì không có cửa thóa hiểm khi xảy ra cháy. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền là quan trọng nhưng chưa hiệu quả, việc tuyên truyền về kỹ năng PCCC đang có vấn đề.
Chưa kể, nhiều cơ sở hạ tầng của doanh nghiệp đến nay đã hết thời hạn nhưng việc giám sát thay hệ thống PCCC chưa được quan tâm. Hơn nữa, nhiều tòa nhà chung cư cũ được xây dựng từ lâu, khi Luật PCCC chưa ra đời, nên không có thệ thống PCCC.
Ông Chung mong mỗi người dân, gia đình trang bị kiến thức PCCC cho chính bản thân và người thân; đồng thời, kiểm tra công trình của gia đình hoặc đang quản lý; thường xuyên kiểm tra thiết bị PCCC, nếu hết hạn phải thay mới. Cùng với đó, các đơn vị chức năng thẩm định chặt chẽ, tăng cường kiểm tra, tuyên truyền về PCCC với các hình thức tuyên truyền hiệu quả.
Liên quan một số tòa nhà chung cư vi phạm trật tự xây dựng, vi phạm mật độ, vi phạm số tầng khiến số căn hộ vượt quá quy hoạch, Chủ tịch UBND thành phố cho biết, hiện người dân mong mỏi việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, căn cứ quy định hiện hành, đây là vấn đề khó. Thời gian tới, tập thể UBND thành phố sẽ rà soát lại những cơ sở này, báo cáo Chính phủ, yêu cầu chủ đầu tư tiếp tục tăng cường lắp đặt hệ thống PCCC và cải tạo hệ thống thang máy để bảo đảm vận hành.
"Hệ thống phần mềm của thành phố chạy trơn tru"
Đề cập đến chương trình công nghệ thông tin của thành phố, ông Chung nói: "Một trong những nội dung mọi người rất quan tâm là hệ thống này được bảo mật thế nào, liệu có lộ lọt dữ liệu hay không?".
Theo ông Chung, Chương trình mục tiêu ứng dụng công nghệ thông tin giai đoạn 2016-2020 của thành phố được chuyển từ hình thức đầu tư trực tiếp sang mô hình thuê dịch vụ như: thuê máy chủ, thuê máy chủ dự phòng; thuê đường truyền; thuê dịch vụ Cloud (dịch vụ cho thuê máy chủ ảo trên nền điện toán đám mây)... Việc thuê dịch vụ công nghệ thông tin là đúng theo chủ trương của nhà nước và hiện Chính phủ cũng thực hiện theo hình thức này. Nếu thành phố đầu tư bộ máy để quản lý vận hành các hệ thống thì vừa tốn kém, vừa không có đội ngũ nhân lực vận hành chuyên nghiệp.
Lý giải về cơ chế bảo mật các hệ thống công nghệ thông tin của thành phố, ông Chung cho hay thành phố có hợp đồng với Ban Cơ yếu Chính phủ. Máy chủ ứng dụng và máy chủ cơ sở dữ liệu của hệ thống được kết nối với máy chủ giám sát của Ban cơ yếu. Mọi thay đổi thao tác trên hệ thống ứng dụng đều được máy chủ ghi lại vết và phân tích giám sát. "Hiện toàn bộ hệ thống phần mềm của thành phố chạy rất trơn tru và năm nay không xảy ra sự cố nào", ông nói.
Ông Chung cũng thông tin, toàn thành phố có 83 doanh nghiệp công nghệ thông tin đang cung cấp 170 hệ thống thông tin, phần mềm ứng dụng khác nhau cho các cơ quan thuộc thành phố và các quận huyện. Tổng chi cho chương trình công nghệ thông tin của thành phố từ năm 2016 đến nay trên 1.400 tỷ đồng.
Toàn thành phố còn 27 điểm ùn tắc
Trước đó, trả lời chất vấn của đại biểu liên quan đến lĩnh vực GTVT, Giám đốc Sở GTVT Vũ Văn Viện cho hay, tình trạng ùn tắc giao thông cơ bản được giải quyết, năm 2018, trên địa bàn thành phố còn 33 điểm ùn tắc, đến tháng 7/2019 giảm còn 27 điểm ùn tắc.
Vận tải công cộng được nâng cao về chất lượng dịch vụ; mạng lưới xe buýt được mở rộng, đáp ứng 15,7% nhu cầu đi lại của người dân. Đến hết năm 2019, dự kiến hệ thống xe buýt đáp ứng khoảng 17,3% và vào năm 2020 tỷ lệ này đạt khoảng 20% đến 21%.
Tuy nhiên, ông Viện cũng thừa nhận, một số nhiệm vụ triển khai còn chậm. Việc triển khai các dự án giao thông đường bộ do phải thỏa thuận với nhiều bộ, ngành, tác động tới nhiều người dân, các nhóm lợi ích nên còn chậm; phương tiện cá nhân vẫn tăng nhanh, tình trạng ùn tắc giao thông vẫn diễn biến phức tạp.
Để khắc phục tình trạng này, Sở GTVT đề xuất thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Triển khai sớm các tuyến đường sắt đô thị, hệ thống giao thông công cộng; hoàn thiện, xây dựng nâng cao chất lượng vận tải công cộng bằng xe buýt để bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu hành khách công cộng đến năm 2020 trên 20%; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý trật tự giao thông; tuyên truyền, vận động để người dân tăng cường sử dụng phương tiện công cộng; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận