Xắn tay cùng nhà thầu gỡ vướng
Trên địa bàn Hà Tĩnh đang có 4 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía đông gồm Diễn Châu – Bãi Vọt (giai đoạn 2017-2020), Bãi Vọt – Hàm Nghi, Hàm Nghi – Vũng Áng và Vũng Áng – Bùng (giai đoạn 2021-2025) với tổng chiều dài 107,22km đang được tiến hành thi công.
Theo Sở GTVT tỉnh Hà Tĩnh, đến thời điểm này, địa phương đã hoàn thành việc kiểm đếm, áp giá, phê duyệt phương án bồi thường đạt 98,85% và bàn giao mặt bằng đạt 97,81%. Giải ngân nguồn vốn GPMB đạt hơn 2.000 tỷ trên tổng số hơn 2.800 tỷ đồng, đạt 71%.
Để bố trí chỗ ở cho người dân bị ảnh hưởng khi dự án đi qua, Hà Tĩnh quy hoạch 26 khu tái định cư (TĐC) và 4 khu nghĩa trang. Tính đến thời điểm này, các khu đều đã được triển khai thi công, trong đó có 8 khu đạt khối lượng 100%, các khu còn lại đạt khối lượng từ 30-97%.
Ngày 13/9, ghi nhận của PV báo Giao thông, tại gói thầu 11-XL, thuộc dự án thành phần Bãi Vọt - Hàm Nghi, đoạn qua xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà, các nhà thầu đang tập trung tối đa nhân lực, máy móc nhằm tăng sản lượng trước thời điểm trước mùa mưa lũ ở miền Trung đang cận kề.
Ông Trần Đình Ngân (Chỉ huy trưởng Tổng công ty 319 - Bộ Quốc phòng) thông tin, hiện tại đơn vị đang tập trung thi công các hệ thống hạng mục như cầu, cống ngầm, các hạng mục dưới nước để ứng phó với mùa lũ sắp đến.
"Hồi đầu tháng 3/2023, sau khi dự án được khởi công và hoàn tất công tác chuẩn bị công trường, các nhà thầu đã gặp rất nhiều khó khăn bởi mặt bằng dù bàn giao 70% nhưng ngắt quãng, không có đường tiếp cận. Mỏ vật liệu quy hoạch nhưng chưa được cấp phép, chưa thể khai thác. Đến thời điểm này, các điểm nghẽn về mặt bằng trên tuyến cơ bản được xử lý; các mỏ vật liệu xây dựng chỉ định cho nhà thầu đã được khai thác", ông Ngân nói và cho biết: Chỉ còn một số vướng mắc liên quan đến một số trang trại lợn.
"Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải vừa trực tiếp đi kiểm tra công trường, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của các hộ bị ảnh hưởng và có những chỉ đạo hết sức quyết liệt. Các bên thống nhất sẽ bàn giao toàn bộ cho đơn vị thi công muộn nhất trước 30/4/2024.
Nếu các điểm nghẽn này được tháo gỡ, gói thi công sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Thông được tuyến đường công vụ sẽ không đi qua khu dân cư…", ông Ngân nói.
Tương tự, đại diện nhà thầu Vinaconex cho hay lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo chính quyền các cấp phối hợp với Ban và nhà thầu đi tuyên truyền vận động người dân.
"Để thông đường thi công, suốt 2 tuần liền, các tổ công tác đã đi tới từng nhà, vận động hơn chục hộ dân ở Quang Lộc cho mượn vườn, dời nhà để nhà thầu mở đường thi công. Về phần thủ tục giấy tờ tuy chưa đầy đủ, nhưng chính quyền các cấp đều cam kết đảm bảo lợi ích cho người dân đúng quy định pháp luật. Nhờ đó, tuyến đường đã thông một cách nhanh chóng", vị này nói.
Bám sát chỉ đạo, linh hoạt trong xử lý công việc
Chia sẻ kinh nghiệm về công tác GPMB cao tốc Bắc - Nam, ông Võ Trọng Hải - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, khi có chủ trương dự án đường cao tốc Bắc - Nam đi qua tỉnh, Ban Thường vụ đã lập tức họp ngay với lãnh đạo các địa phương có dự án cao tốc đi qua để quán triệt tinh thần trước. Đồng thời, ban hành chỉ thị đến tất cả cấp ủy từ tổ dân phố, xã, huyện, thành phố nêu rõ tầm quan trọng cũng như ý nghĩa của dự án cao tốc Bắc - Nam.
Từ sự sâu sát của chính quyền địa phương, các vướng mắc về tư tưởng, chính sách bồi thường GPMB của người dân dần được tháo gỡ qua từng cuộc gặp gỡ, đối thoại.
"Thời điểm này, phần lớn người dân Hà Tĩnh bị ảnh hưởng bởi dự án cao tốc Bắc – Nam, đặc biệt là các hộ bị ảnh hưởng nhà cửa, đất đai, phải di dời tái định cư, đã cơ bản đồng thuận, thực hiện di dời, bàn giao mặt bằng", ông Hải thông tin.
Theo ông Hải, để dự án cao tốc triển khai theo đúng kế hoạch, ưu tiên hàng đầu vẫn là bàn giao mặt bằng "sạch" cho nhà thầu thi công. Đặc biệt là công tác TĐC cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án.
"Ngoài sự vào cuộc của các cấp chính quyền, tôi phải thừa nhận rằng người dân Hà Tĩnh rất đồng lòng cùng chính quyền địa phương trong công tác GPMB. Tôi lấy ví dụ, tại xã Kỳ Văn, có rất nhiều người dân phải nhường nhà, đất cho dự án. Khi chưa có hạ tầng TĐC, họ sẵn sàng mua đất chỗ khác để làm nhà chứ không có tâm lý ỉ lại, chờ đợi…", ông Hải nhớ lại.
Cũng theo ông Hải, tinh thần của Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo rất rõ: Qua núi đào hầm, qua sông bắc cầu, qua đồng bằng đổ đất. Từ đây, Thủ tướng yêu cầu các địa phương đảm bảo vật liệu xây dựng cho dự án.
Đến thời điểm này, các địa phương có cao tốc Bắc – Nam đi qua đã cấp được 25 mỏ, riêng Hà Tĩnh đã cấp được 10 mỏ.
"Khi có chủ trương của Chính phủ về việc cấp mỏ cho các nhà thầu thi công, chúng tôi hối thúc nhà thầu trình hồ sơ lên Sở TNMT, sau đó trình hồ sơ sang UBND tỉnh, việc này chúng tôi yêu cầu phải gói gọn trong một ngày. Sau khi tiếp nhận hồ sơ đều xin ý kiến từ thường trực, thường vụ để thống nhất thông qua.
Tiếp đó, khâu thủ tục giấy tờ xong rồi, chúng tôi yêu cầu nhà thầu thỏa thuận đền bù cho người dân đến đâu thì cho đem máy vào khai thác đến đó. Thậm chí, khi chuẩn bị ký hồ sơ là đã cho khai thác để phục vụ cho cao tốc", ông Hải nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận