Ngày 29/5, UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức hội nghị sơ kết tiến độ thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đoạn Cần Thơ - Cà Mau và dự án thành phần 3 thuộc dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.
Quang cảnh buổi làm việc
Phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu
Theo báo cáo của Sở TN&MT tỉnh Hậu Giang, cao tốc Cần Thơ - Cà Mau qua địa bàn có chiều dài hơn 63km, hơn 2.000 hộ dân bị ảnh hưởng.
Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có chiều dài hơn 188km, tổng mức đầu tư hơn 44.690 tỷ đồng. Dự án được phân thành 4 dự án thành phần và giao cho các tỉnh: An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng và TP Cần Thơ triển khai thực hiện.
Hiện còn 87 hộ chưa bàn giao mặt bằng. Trong đó, có 8 hộ cam kết sẽ bàn giao mặt bằng trong tháng 5/2023; 33 hộ chờ nhận nền tái định cư; 22 hộ yêu cầu nâng giá; 5 hộ đang tranh chấp, thế chấp, cầm cố, vướng thủ tục giải quyết của cơ quan chức năng; còn 5 hộ đang lập thủ tục phê duyệt bổ sung kinh phí; 4 hộ cơ quan thẩm quyền đang kiểm tra, xác minh, thụ lý giải quyết. Và 4 khu tái định cư đến hết tháng 6/2023 mới hoàn thành và bàn giao đất tái định cư cho dân.
Đối với dự án thành phần 3 thuộc dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đi qua địa bàn tỉnh Hậu Giang có chiều dài 37km, tổng diện tích đất phải thu hồi 260,34ha. Đến nay, cơ quan chức năng đã hoàn chỉnh phương án bồi thường cho 859 hộ gửi Phòng TN&MT đề nghị thẩm định, phê duyệt.
Thông tin thêm tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Hòa, Phó chủ tịch UBND tỉnh cho hay, theo Nghị quyết của Chính phủ, đến ngày 30/6 các địa phương phải hoàn thành công tác GPMB đạt 70% trở lên để khởi công dự án. Tuy nhiên, Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo đến 31/5 phải hoàn thành chỉ tiêu này.
Các địa phương được giao thực hiện dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng thống nhất, sẽ tổ chức khởi công đồng loạt 4 dự án thành phần thuộc dự án vào ngày 17/6. Trong đó, Sóc Trăng sẽ là điểm khởi công chính, 3 điểm còn lại tại An Giang, Hậu Giang và TP Cần Thơ được tổ chức trực tuyến.
Công trình thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa bàn tỉnh Hậu Giang
Sắp khởi công, nhưng mặt bằng còn nằm trên giấy
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đánh giá cao sự nỗ lực của các đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện dự án.
Cao tốc Bắc - Nam đoạn Cần Thơ - Cà Mau có chiều dài hơn 110km, tổng mức đầu tư hơn 27.523 tỷ đồng, được phân thành 2 dự án thành phần. Trong đó, dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang có chiều dài hơn 37km, đoạn Hậu Giang - Cà Mau có chiều dài hơn 73km.
Tuy nhiên, người đứng đầu chính quyền tỉnh cũng thể hiện sự lo lắng bởi chỉ còn khoảng 20 ngày nữa là khởi công cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng nhưng khối lượng công việc còn rất lớn, đặc biệt là công tác GPMB.
“Đến nay, việc GPMB vẫn chỉ còn ở giai đoạn thủ tục, chưa chi tiền cho người dân, điều này đồng nghĩa với việc chưa có người dân nào bàn giao mặt bằng. Trong khi đó Chính phủ giao chúng ta phải bàn giao 70% mặt bằng trước ngày 30/6.
Còn về thủ tục lựa chọn nhà thầu, chỉ định thầu đến giờ này vẫn còn ngổn ngang”, ông Đồng Văn Thanh đánh giá.
Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang chỉ đạo các đơn vị phải tập trung triển khai thực hiện dự án khoa học, đảm bảo đến ngày 17/6 là phải khởi công dự án.
Cụ thể, giao Sở GTVT - chủ đầu tư, phối hợp với Sở KH&ĐT hoàn thành hồ sơ, thủ tục chỉ định thầu các gói thầu xây lắp của dự án bám sát theo các quy định, hướng dẫn của Bộ KH&ĐT, Chính phủ…
Đối với công tác GPMB, người đứng đầu chính quyền tỉnh Hậu Giang yêu cầu Sở TN&MT chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất phối hợp với các địa phương khẩn trương đẩy mạnh công tác GPMB, hoàn thiện các hồ sơ phê duyệt để chi trả cho các hộ dân.
Đồng thời, đề nghị Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Giao thông và Nông nghiệp tỉnh khẩn trương hoàn thành thủ tục để tiếp nhận thực hiện dự án trước ngày 15/6.
Đối với dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, các đơn vị khẩn trương hoàn thành các khu tái định cư, di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, tiếp tục vận động các hộ dân bàn giao mặt bằng, giải quyết dứt điểm khiếu nại của người dân về chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
“Trung tâm Phát triển quỹ đất kể cả tỉnh và huyện cần rút kinh nghiệm luôn ở khâu khảo sát, cần phải làm cho chặt chẽ. Vừa qua, nhiều bà con phản ánh, mình cứ lập thủ tục phê duyệt bồi thường rồi bổ sung. Nhiều người dân cho biết họ được bổ sung đến lần thứ 5 rồi mà không biết có nên nhận bồi thường hay chưa, hay là tiếp tục khiếu nại”, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang yêu cầu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận