Cục Thuế tỉnh Hậu Giang đã có quyết định cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn đối với Công ty CP Thương mại - Đầu tư - Dầu khí Nam Sông Hậu vì công ty đã có tiền thuế nợ quá 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp theo quy định. Tổng số tiền bị cưỡng chế là 1.139,91 tỷ đồng. Thời gian thực hiện cưỡng chế một năm, từ ngày 18/12/2023.
Cùng lúc, Cục Thuế thành phố Cần Thơ đã ban hành Quyết định 2647/QĐ-CTCTH, về việc cưỡng chế thuế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn đối với chi nhánh của PSH tại Cần Thơ để thi hành thông báo tiền thuế nợ ngày 11/12/2023 của Cục Thuế thành phố Cần Thơ.
Chi nhánh PSH tại Cần Thơ bị cưỡng chế thuế do có tiền thuế nợ hơn 92,5 tỷ đồng quá 90 ngày quy định. Quyết định có hiệu lực thi hành trong vòng một năm kể từ ngày 22/12/2023 đến ngày 22/12/2024.
Ngay sau đó, PSH có văn bản giải trình với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM và nhà đầu tư liên quan tới khoản nợ thuế 1.252,4 tỷ đồng.
Ngày 20/12/2023, UBND tỉnh Hậu Giang gửi công văn đến Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế về việc xin ý kiến tháo gỡ khó khăn cho công ty, tạo điều kiện để công ty cam kết với địa phương thực hiện nộp dần tiền thuế nợ cho ngân sách Nhà nước…
Ngày 8/1/2024, ông Mai Văn Huy, Chủ tịch HĐQT PSH cho biết, dù gặp rất nhiều khó khăn trong hai năm đại dịch nhưng công ty vẫn cố gắng hoàn thành tốt nghĩa vụ nộp thuế, được Cục Thuế và UBND tỉnh Hậu Giang tặng bằng khen "Tuyên dương người nộp thuế tốt".
Năm 2021 công ty đã nộp 1.775 tỷ đồng, năm 2022 công ty đã nộp 1.224 tỷ đồng. Năm 2023 rất khó khăn, nhưng công ty cũng đã nộp 869,9 tỷ đồng.
Riêng năm 2022, mặc dù giá xăng dầu thế giới biến động tăng cao, nhưng căn cứ Công điện của Thủ tướng Chính Phủ, Bộ Công thương đã có các công văn chỉ đạo về việc bảo đảm nguồn cung xăng dầu trên thị trường nội địa.
"PSH phải bảo đảm cung ứng đủ lượng xăng dầu cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (hơn một triệu tấn), không để bị thiếu hụt. Đặc biệt, khi giá cả tăng cao, là công ty tư nhân, nguồn tài chính của công ty có hạn và rất khó khăn (vì không được hỗ trợ vốn như các tập đoàn lớn của Nhà nước), nhưng chúng tôi vẫn phải duy trì hoạt động.
PSH đã không để gián đoạn nguồn cung, vừa phải bán xăng dầu với giá bán ra thấp hơn giá vốn mua vào theo sự chỉ đạo của Nhà nước vì lợi ích chung, nhằm đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế của địa phương.
Đồng thời, giá bán ra thấp hơn giá mua vào, nhiều cửa hàng đại lý trên cả nước bị chiết khấu giá "0 đồng", nhưng hơn 500 đại lý trong hệ thống của công ty vẫn được chia chiết khấu từ 200 - 400 đồng/lít…
Do đó, việc kinh doanh xăng dầu năm 2022 của công ty bị thua lỗ nặng với số tiền 236 tỷ đồng", ông Huy cho biết.
Theo ông Huy, trong khoản nợ thuế hàng ngàn tỷ đồng của PSH có 286,8 tỷ đồng tiền phạt chậm nộp phát sinh trong giai đọan khó khăn của đại dịch Covid-19. Còn lại là thuế bảo vệ môi trường: 690,8 tỷ đồng; thuế tiêu thụ đặc biệt: 1-1,2 tỷ đồng, thuế giá trị gia tăng: 148,8 tỷ đồng…
Theo UBND tỉnh Hậu Giang, PSH đã được cho nộp dần tiền nợ thuế theo tinh thần Công văn số 1493/UBND-NCTH ngày 29/9/2023, và PSH có trách nhiệm liên hệ Cục Thuế Hậu Giang để được hướng dẫn lập hồ sơ và xem xét xử lý nộp dần tiền thuế theo đúng thẩm quyền.
"Hiện công ty chúng tôi đang triển khai nhiều giải pháp khả thi để hoàn thành nghĩa vụ thuế cho Nhà nước trong thời gian sớm nhất, chậm nhất là ngày 30/6/2024", ông Huy khẳng định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận