Hiện nay, trong bối cảnh “dầu sôi lửa bỏng” của công cuộc chống chọi với Covid-19, các chính sách của Đảng và Nhà nước, của chính quyền nhiều địa phương đang được người dân đánh giá cao và đồng lòng ủng hộ, nhằm hướng đến mục tiêu sống còn: quyết thắng đại dịch.
Tuy nhiên, chính sách dù có toàn diện đến đâu thì chắc chắn vẫn tồn tại một số vấn đề chưa hoàn thiện cần phải vừa triển khai, rút kinh nghiệm. Như vậy, vừa điều chỉnh để phù hợp với thực tế thi hành, đồng thời chống lại những tác động bất lợi khác của đại dịch Covid-19 lên muôn mặt đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội…
Cảng Quốc tế Long An vẫn ngày đêm hoạt động, tuân thủ chặt chẽ các yêu cầu 5K, "3 tại chỗ" nhằm đảm bảo lưu thông xuyên suốt hàng hoá trong mùa dịch.
Trong đó, có một vấn đề “tưởng nhỏ nhưng không hề nhỏ” cần được nhìn nhận là cấp bách và phải được quan tâm đúng mức. Đó chính là vấn đề lưu thông vận chuyển hàng hóa, lương thực, thực phẩm, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất. Việc này, được nhiều chuyên gia kinh tế ví von: “nếu coi sự vận hành của nền kinh tế mỗi quốc gia là một cơ thể thì hạ tầng giao thông, khả năng vận chuyển chính là xương sống của cơ thể đó, chống đỡ cho sự phát triển của cả nền kinh tế”.
Và những con người, cá thể giúp cho bộ khung xương sống đó hoạt động trơn tru chính là những tài xế, bác tài đang ngày ngày ôm lấy vô-lăng trên đường. Trong lúc chúng ta yên ổn ở trong nhà máy, công ty, ở trong sự ấm áp của gia đình, thì những con người này phải bôn ba ngày đêm, đối mặt dịch bệnh khắp nơi để làm tròn trách nhiệm, bổn phận của người vận chuyển. Không chỉ vì đồng lương mà còn là trách nhiệm với tổ chức, với quê hương, với đất nước thì mới tiếp tục công việc nhiều hy sinh này trong giai đoạn hiện nay.
Có thể nói, họ chính là đối tượng cần được quan tâm, ưu tiên về thời hạn test Covid-19. Vì họ phải test liên tục nên liệu chăng có thể điều chỉnh quy định về thời hạn hiệu lực từ 10 đến 15 ngày thay vì hiện nay là từ 3 đến 5 đến 7 ngày theo từng địa phương. Bởi 3-7 ngày là quá ngắn, có khi chưa đủ 1 lượt đi về của 1 hành trình đường dài liên tuyến hoặc có nhiều trạm phải xuống hàng, dừng, nghỉ. Bên cạnh đó, đối tượng này cũng cần được ưu tiên tiêm vaccine để họ an tâm công tác. Đây là vấn đề sống còn đối với cánh tài xế nói riêng, hoạt động giao thông vận chuyển nói chung.
Ngược lại, về phía các bác tài cũng cần hiểu rõ tính phức tạp của nghề nghiệp là phải đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người nên cần nêu cao tinh thần tự giác, giữ khoảng cách, hạn chế tiếp xúc, hạn chế va chạm, tuân thủ 5K thật tốt. Đó cũng chính là thể hiện tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, xã hội.
Về phía đơn vị quản lý phương tiện vận tải chịu trách nhiệm kiểm tra về nội dung và tính hợp pháp các loại giấy tờ đi đường cho lái xe trước khi khởi hành: Giấy tờ đi đường tối thiểu theo luật giao thông đường bộ, giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính của lái xe, phụ xế, người đi cùng,.. được cơ quan có đủ thẩm quyền cấp có thời hạn từ 10 đến 15 ngày. Lệnh điều động có thông tin nơi đi, nơi đến, hành trình di chuyển; Khai báo y tế theo quy định.
Về phía các cơ quan, đơn vị có tiếp nhận xe vận tải đến giao hàng, cần yêu cầu nhân viên lái xe ngồi trên buồng lái hoặc có kế hoạch bố trí khu vực riêng cho bác tài sinh hoạt, nghỉ ngơi, hạn chế tiếp xúc với người khác tại đơn vị, tại địa phương cho đến khi họ rời đi, nếu có thì phải giữ khoảng cách 2 -3 mét.
Ông Võ Quốc Thắng - Chủ tịch HĐQT Dongtam Group
Hiện nay, các phân xưởng, nhà máy, cảng biển đang duy trì hoạt động để tiếp tục đáp ứng hàng hóa cho thị trường, không làm đứt gãy chuỗi cung ứng. Vì vậy, rất cần các cơ quan hữu quan xem xét tạo điều kiện, trong giai đoạn khó khăn như hiện nay, thì những chính sách kịp thời sẽ là những liều thuốc trị đúng bệnh, giúp nền kinh tế sớm phục hồi.
Phương tiện vận tải khi di chuyển trên đường trong giai đoạn này là chắc chắn có nhiệm vụ cụ thể, có thể là vận chuyển nguyên liệu tập kết về nơi sản suất, có thể là vận chuyển lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu,… nên cần được Bộ Giao thông và các ngành liên quan quan tâm tạo điều kiện thuận lợi đảm bảo không gây tắc nghẽn, giúp thông suốt các tuyến đường qua các địa phương, song song với đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh.
Đặt trường hợp phương tiện vận tải không hoạt động thì sẽ làm đứt gãy hàng hóa, nguyên vật liệu, khi đó có áp dụng phương châm “3 tại chỗ - sản xuất tại chỗ, ăn uống tại chỗ và nghỉ ngơi tại chỗ” cũng không giải quyết được vấn đề lớn là đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động, đảm bảo “mục tiêu kép” như kỳ vọng của Chính phủ, vừa chống dịch hiệu quả vừa duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Nếu coi sự vận hành của nền kinh tế mỗi quốc gia là một cơ thể thì hạ tầng giao thông, khả năng vận chuyển chính là xương sống của cơ thể đó..
Với tôi, là người làm trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, khu công nghiệp, cảng biển, logistics,… có điều kiện được tiếp xúc và lắng nghe tâm tư, chia sẻ của nhiều bác tài vận tải. Thậm chí, có người rơi nước mắt vì hoàn cảnh khó khăn hiện nay, họ nói với tôi muốn bỏ cả xe, cả công ty để về với gia đình…
Tôi thật sự không kìm nén nổi cảm xúc của bản thân khi nghe được những lời tâm sự chân chất của các anh trong những khoảnh khắc cảm thấy bế tắc. Nhưng vì những đơn hàng của công ty không thể bị bỏ dỡ, vì công việc làm của hàng ngàn đồng nghiệp, nên họ vẫn tiếp tục nỗ lực, tiếp tục gánh vác tránh nhiệm.
Từ sự cảm thông và chia sẻ với tình cảnh này của các bác tài vận tải, thông qua đây, tôi muốn gửi gắm tâm tư, nguyện vọng của các anh đến Chính phủ, đến các cơ quan Bộ ngành Trung ương, đến lãnh đạo các địa phương, để có những chủ trương phù hợp và kịp thời nhất nhằm quan tâm, hỗ trợ cho lực lượng lái xe vận tải an tâm công tác, cũng là hướng đến mục tiêu song song với chống dịch, là duy trì nền kinh tế đất nước.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận