Không ai bị xử lý kỷ luật?
Báo Giao thông số ra các ngày 11, 13/5 và 17/5 liên tiếp đăng tải các bài viết: “Bắc Giang: Dân sai xử tù, lãnh đạo sai lại… thăng chức”, “Tỉnh Bắc Giang làm trái quy định đến bao giờ?”, “Một dự án hai chính sách”, phản ánh những sai phạm, bất cập trong thực hiện Dự án di dân, tái định cư xây dựng Trường bắn Quốc gia khu vực 1 (Trường bắn TB1) tại tỉnh Bắc Giang.
Sau khi báo đăng, PV Báo Giao thông nhận được điện thoại của ông La Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết về việc ông được Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang giao nhiệm vụ trao đổi, làm rõ các thông tin Báo Giao thông phản ánh.
Trong cuộc trao đổi, ông La Văn Nam khẳng định: “Các thông tin phản ánh trên Báo Giao thông là chính xác. Bản thân tôi cũng đã nhiều lần được dự họp, nghe các sai phạm này khi cơ quan chức năng thông báo kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Tuy nhiên, sau đó, các sai phạm trên đã được Bộ Công an điều tra, kết luận là không có dấu hiệu tội phạm nên không xem xét xử lý hình sự các cá nhân liên quan”.
Ông Nam cũng cho biết, sau khi có kết luận của Bộ Công an, UBND tỉnh Bắc Giang đã triển khai quy trình kiểm điểm, xử lý kỷ luật đối với các tập thể, cá nhân liên quan để báo cáo Thanh tra Chính phủ theo quy định.
“Bản thân tôi có nhận được thông báo của UBND tỉnh Bắc Giang về việc UBND tỉnh Bắc Giang đã báo cáo Thanh tra Chính phủ về các hình thức kỷ luật liên quan. Theo đó, tất cả các tổ chức, cá nhân liên quan có sai phạm chỉ phải kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Trong dự án này không ai bị xử lý kỷ luật”, ông Nam khẳng định.
Liên quan đến các nội dung Báo nêu về việc ký hợp đồng với Công ty CP Công nghệ môi trường và trắc địa bản đồ Xương Giang, ông Nam cho biết đó là do ông Nguyễn Văn Tám thời điểm đó là Giám đốc Ban Quản lý dự án Di dân, tái định cư Trường bắn TB1 (thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang) giới thiệu với lý do đơn vị này đã được thuê đo đạc bản đồ thì cho họ lập phương án bồi thường luôn.
Thay đổi chính sách để phù hợp với thực tế
Ông Nam cũng lý giải: Việc chính sách bồi thường trong dự án có nhiều thay đổi là do để phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Khi đó, các thôn, xã nằm trong diện di dân đều nằm biệt lập giữa núi, rừng, không có đường, điện. Người dân tự do khai phá, tiện đâu thì làm nhà ở và làm nương canh tác ở đấy chứ hầu như không được cấp đất, không có bản đồ địa chính liên quan.
Nếu bồi thường về đất theo quy định thì sẽ rất khó quy chủ diện tích, số tiền bồi thường cũng sẽ lớn hơn rất nhiều so với dự án đã thực hiện. Trong các phương án đưa ra thì việc bồi thường theo nhân khẩu như đã thực hiện là công bằng nhất với các hộ dân.
Liên quan đến việc thay đổi mức bồi thường từ 15 triệu đồng lên 26 triệu đồng/khẩu, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho rằng, do trượt giá nên các hộ di chuyển sau sẽ khó ổn định đời sống, do vậy, UBND hai tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn đã đề nghị Chính phủ tăng mức hỗ trợ.
“Tôi cũng đã nhiều lần trả lời người dân về việc này, thực tế số tiền được hưởng giữa các đợt là khác nhau nhưng giá trị vật chất mang lại là như nhau. Cụ thể, thời điểm trước năm 2007 người dân chỉ được hỗ trợ 15 triệu/khẩu nhưng khi đến nơi tái định cư họ vẫn mua được 2 sào đất để canh tác và làm nhà ở. Người đi sau được hưởng 26 triệu đồng/khẩu nhưng cũng chỉ mua được diện tích đất tương đương vì giá cả thị trường đã leo thang”, ông Nam nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận