Kỳ 3: Trăm việc rối, tỷ người tìm
6h sáng, chuông báo thức vang lên, anh Ngô Ngọc Lâm, Chủ tịch UBND phường Thành Công (quận Ba Đình, Hà Nội) thức dậy trên chiếc giường gấp tại phòng làm việc của mình, bắt đầu 1 ngày làm việc mới.
Tới khoảng 1h sáng hôm sau, cũng trên chiếc giường ấy, anh mới được ngả lưng. Rồi đúng 6h sáng, chuông báo thức lại vang lên…
Anh Lâm (đầu tiên bên phải) vận chuyển gạo hỗ trợ cho người dân
21 ngày đêm bám trụ ở phường
Một ngày của Chủ tịch phường Ngô Ngọc Lâm gồm đủ thứ việc, từ có tên cho đến không tên.
Những ngày Thủ đô đang cùng cả nước chống dịch, lo cho dân thì guồng quay với anh càng chóng mặt hơn: Gọi người tiêm vaccine, tổ chức địa điểm, lo giãn cách, rà soát danh sách đối tượng được hưởng gói an sinh xã hội… Rồi thì đến hoạt động của các chốt kiểm soát, việc đi lại của người dân…
Tất tần tật, hàng núi việc khiến anh phải “quay như chong chóng”. Nhưng ít khi người ta thấy anh nói về áp lực công việc hay những gì mình đã làm.
LTS: Trong công tác phòng, chống dịch, với phương châm mỗi xã, phường, thị trấn là một “pháo đài”, vai trò và công việc của người đứng đầu chính quyền cấp cơ sở trở nên đặc biệt quan trọng.
Báo Giao thông khởi đăng loạt bài Chủ tịch phường thời Covid-19 với mong muốn độc giả hiểu thêm về cuộc sống và công việc của những cán bộ sát dân nhất trong những ngày "chiến đấu" với dịch bệnh cam go và vô cùng vất vả này.
“Nhiều trường hợp vất vả hơn tôi nhiều. Cô Nguyễn Thị Minh Khuê, Chủ tịch MTTQ phường mới sinh con, vừa đi làm lại ngày đầu tiên thì có dịch, từ đó tới nay đã mấy tháng ròng rã ngày nào cũng từ sáng sớm tới tối mịt, lo vận động hỗ trợ người nghèo, đóng gói đồ, phân phát cho người dân khó khăn, người lao động mắc kẹt tại địa bàn. Rồi Chủ tịch Hội phụ nữ phường, nhà cách trụ sở 18km cũng tất bật ngày đêm, nhiều ngày làm muộn quá, 1h đêm mới kết thúc công việc đành ngủ lại cơ quan. Hay những đồng chí công an, dân phòng thực hiện nhiệm vụ chốt trực thậm chí còn chẳng có cái giường gấp như tôi để mà ngả lưng”.
Tới nay, dịch bệnh tại Hà Nội đã bớt căng thẳng, anh đã được về nhà “ăn cơm vợ nấu” sau 21 ngày vác va ly vào phường ngủ. Tuy vậy, chiếc giường gấp, va ly quần áo vẫn được anh để gọn gàng ở góc phòng, để sẵn sàng bất cứ khi nào nhiệm vụ yêu cầu.
“Trăm dâu đổ đầu… phường”, mọi người hay nói vui nhưng rất đúng với công việc của cán bộ phường, đặc biệt là thời điểm dịch bệnh phức tạp.
Chỉ một buổi sáng, ngồi với anh Lâm 2 tiếng nhưng chúng tôi đếm có 14 người gõ cửa vào gặp và khoảng 30 cuộc điện thoại. Đó là cô hiệu trưởng trường tiểu học đề nghị cho phép mở barie vùng xanh để xe ô tô tải vào trường; tổ dân phố nọ muốn triển khai kế hoạch vệ sinh; công an phường báo cáo vụ việc mới phát sinh; công dân thắc mắc về việc viêm vaccine...
Chuỗi dằng dặc những việc có tên và không tên, chẳng biết từ đâu tới. “Nhưng cứ tới là phải giải quyết”, anh nói.
Đến nhà người nhiễm Covid-19, đương nhiên phải là Chủ tịch
Với diện tích vỏn vẹn 0,647km vuông nhưng dân số hơn 27.000 người, Thành Công là một trong những phường trung tâm TP Hà Nội có mật độ dân cư thuộc diện đông đúc nhất của Thủ đô.
Nơi đây là nơi tập trung dày đặc các chung cư được xây dựng từ những năm 1970 - 1980. Theo thống kê, phường Thành Công có 87 tòa chung cư đã xuống cấp như vậy. Mật độ dân cư quá đông là một thách thức lớn đối với công tác phòng, chống dịch Covid-19 của phường.
Ngoài ra, chợ Thành Công trên địa bàn phường cũng là một “điểm nóng” vì dù đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng lại đông đúc người mua bán.
Chính vì thế, ngay từ những ngày đầu khi dịch Covid-19 bùng phát tại Hà Nội, tập thể Đảng ủy, UBND phường Thành Công đã đưa ra phương án cứng rắn, quyết liệt không để dịch Covid-19 xâm nhập, lan rộng trên địa bàn.
Phường Thành Công có địa thế tiếp giáp với 5 phường thuộc 2 quận là Ba Đình và Đống Đa nên phường phải thành lập tới 49 vùng, điểm xanh để chốt chặn.
Vì thế, ngoài lực lượng cán bộ phường, công an, dân phòng, tổ dân phố… phường còn huy động tới 450 người dân tự nguyện thực hiện các công việc phòng, chống dịch, không hưởng bất cứ một phụ cấp gì.
Hàng loạt các công việc phòng, chống dịch đồng loạt đều được triển khai và chưa hề có tiền lệ nên ở cấp phường không tránh khỏi bối rối.
Vì thế, các cán bộ phường, rồi người dân, cứ thấy cái gì chưa hiểu, chưa rõ lại… đi tìm chủ tịch phường!
Anh Lâm vẫn nhớ, ngày 30/7, anh nhận được thông tin từ Ban chỉ đạo quận về trường hợp một công dân ở phố Đê La Thành nhiễm Covid-19 từ chùm ca Bệnh viện Phổi Hà Nội.
“Thông tin được phường kiểm tra rất nhanh. Bệnh nhân sống trong một gia đình 3 thế hệ với 15 người, gia đình họ làm nghề bán phở nhưng rất may là trước thời điểm đó phường đã thực hiện biện pháp cách ly, giãn cách nên quán phở dừng hoạt động. Chỉ 15 phút sau, các biện pháp cách ly, truy vết được thực hiện ngay lập tức”, anh Lâm cho biết.
Chị Đinh Thu Hương, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Thành Công kể về trường hợp này: “Thời điểm đó ai cũng sợ tiếp xúc gần với người nhiễm Covid-19 nên đều e dè. Anh Lâm phải đến tận nhà người bệnh để động viên họ, để cán bộ y tế lấy thông tin truy vết rồi chuẩn bị phương án đi cách ly”.
Ngay trong đêm đó, phường Thành Công phải huy động mọi mối quan hệ, điều động được 5 xe cấp cứu đưa F0 và các F1 đi cách ly theo quy định. Rất may, ca nhiễm Covid-19 đó được cách ly kịp thời nên từ đó tới nay trên địa bàn không phát sinh thêm ca nhiễm mới nào.
“Dịch Covid-19 là phép thử với cán bộ phường”
Anh Ngô Ngọc Lâm (thứ 2 từ phải), Chủ tịch phường Thành Công, tiếp nhận nhu yếu phẩm ủng hộ người dân
Cũng giống như các phường, xã khác trên địa bàn Hà Nội, đợt xét nghiệm Covid-19 diện rộng diễn ra từ ngày 10 - 15/9 là những ngày mệt mỏi, căng thẳng nhất.
Phường Thành Công được giao chỉ tiêu lấy mẫu cho 9.000 người. Trong thời gian gấp rút đó, bộ máy của phường làm việc hết công suất và chủ tịch phường không phải ngủ một mình ở cơ quan vì rất nhiều cán bộ phải làm việc đến 3h sáng.
Rồi những ngày giãn cách xã hội, hàng nghìn gia đình ở phường Thành Công sống trong các khu tập thể, chung cư cũ. Yêu cầu đưa ra là “không để dân thiếu cái ăn”.
Anh Lâm kể: “Lúc đó tất cả cán bộ phường được huy động, tận dụng mọi mối quan hệ quen biết để vận động, hỗ trợ người dân. Phường vận động được một doanh nghiệp ở Lào Cai tặng người dân 4 tấn gạo, 3 tấn rau, củ, quả. Tuy vậy lái xe của họ chỉ có thể đến điểm đầu của TP Hà Nội chứ không thể vào thành phố. Rối. Quay ra hỏi thì cả phường không cán bộ nào biết lái xe tải. Rối hơn. Thế là chạy đi tìm nhờ một người dân biết lái xe đi cùng lên Đông Anh đánh xe chở về, hạ hàng rồi đem xe quay lại Đông Anh để trả”.
Trong những ngày dịch bệnh căng thẳng, phường Thành Công vận động ủng hộ được 10 tấn gạo, 10 tấn rau, củ quả để hỗ trợ người dân. Số gạo, rau quả đó được đóng bao, cán bộ phường phát tới từng tổ dân phố, chuyển tới người dân.
“Những ngày đó, sân UBND phường như sân kho. Chủ tịch phường cũng như chúng tôi đều ra bốc gạo, xách rau”, chị Hương cho hay.
“Dịch Covid-19 cũng là một “phép thử” đối với chúng tôi - những cán bộ công chức về sức ép công việc, buộc chúng tôi cũng phải thay đổi, nỗ lực nhiều hơn nữa trong công tác để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới”, chị Nguyễn Thị Minh Khuê, Chủ tịch MTTQ Việt Nam phường Thành Công tâm sự.
Kỳ 1: Trăm dâu đổ đầu... Chủ tịch
Kỳ 2: Hai tháng không về nhà, chưa lần ngủ đủ giấc
Áp lực khi tham dự các cuộc họp do Thủ tướng chủ trì
Một trong những công việc gần đây chủ tịch xã, phường như anh Lâm phải tham gia - mà theo anh nói là “không tránh khỏi căng thẳng” - đó là tham dự các cuộc họp trực tuyến của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì.
Ngồi trước máy tính tham gia cuộc họp lớn như vậy, anh Lâm cũng như các chủ tịch xã, phường khác luôn trong tâm thế phải chuẩn bị thật kỹ vì Thủ tướng có thể hỏi đến phường, xã mình bất cứ lúc nào. Có những cuộc họp trực tuyến với Thủ tướng kéo dài đến 1h sáng mới kết thúc.
Tuy nhiên, từ đó anh Lâm cũng nắm được thêm nhiều thông tin, kinh nghiệm quý về phòng, chống dịch, được nghe những chỉ đạo trực tiếp, quyết liệt từ người đứng đầu Chính phủ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận