Xã hội

Chủ tịch Quốc hội: Cần "bắt đúng bệnh" trong vấn đề sở hữu nhà chung cư

17/03/2023, 18:12

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh cần phải tìm hiểu rõ liệu vướng mắc trong cải tạo nhà chung cư có phải do quyền sở hữu hay không để "bắt đúng bệnh".

Cần đánh giá rất kỹ lưỡng, thận trọng, toàn diện hơn nữa

Chiều 17/3, tại phiên họp thứ 21, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, dự án Luật nhà ở (Sửa đổi) là dự án khó, nhạy cảm, phức tạp, được rất nhiều đối tượng quan tâm.img

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc họp

Về quyền sở hữu nhà chung cư, Chủ tịch Quốc hội đánh giá: "Đây là vấn đề rất hệ trọng, nhạy cảm được nhân dân, cử tri cũng như các giới, các cấp, các ngành quan tâm. Bản thân Chính phủ, Bộ Xây dựng đến phút cuối vẫn còn phân vân 2 phương án, cuối cùng mới chọn 1 phương án như hiện nay".

Theo Chủ tịch Quốc hội, nhiều ý kiến quan tâm đến quy định quyền sở hữu chung cư như phương án Chính phủ trình về có thời hạn, mục đích bảo vệ lợi ích công cộng, vì sức khỏe, tính mạng người dân chứ không vì mục đích nào khác.

Song, cần cân nhắc kĩ lưỡng thận trọng, với các căn cứ cơ sở chính trị vững chắc, căn cứ của Hiến pháp và các pháp luật có liên quan, trên cơ sở các vướng mắc trong thực tiễn trên tinh thần vướng ở đâu sửa ở đó.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh cần phải "bắt cho đúng bệnh", liệu vướng mắc trong cải tạo nhà ở chung cư có phải nằm ở quyền sở hữu không, từ đó để có đối sách cho phù hợp.

Không thể đồng nhất phạm trù quyền sở hữu và thời hạn sở hữu

Liên quan đến quyền sở hữu nhà chung cư, theo Chủ tịch Quốc hội, hiện đa số Thường trực Uỷ ban Pháp luật, ý kiến phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam rất băn khoăn và không tán thành.

Các ý kiến này cho rằng, không thể đồng nhất 2 phạm trù quyền sở hữu và thời hạn sở hữu.

"Nhiều phân tích cho rằng, theo khoản 1 điều 25 dự thảo Luật này thì sẽ can thiệp đến quyền sở hữu, tác động lớn đền quyền lợi, tâm tư tình cảm, tác động đến thị trường bất động sản. Vì vậy cần đánh giá rất kỹ lưỡng, thận trọng, toàn diện hơn nữa", Chủ tịch Quốc hội cho hay.

img

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận

Theo Chủ tịch Quốc hội, nhóm ý kiến này đề nghị cân nhắc không quy định việc chấm dứt quyền sở hữu chung cư khi hết thời hạn sử dụng hoặc chưa hết thời hạn sử dụng nhưng thuộc trường hợp phải phá dỡ mà giữ như quy định hiện hành.

Tuy nhiên, cần tập trung vào việc quy định chặt chẽ và cụ thể hơn nữa về thời hạn sử dụng nhà chung cư, việc tiêu hủy, phá dỡ, cải tạo nhà chung cư trên cơ sở đánh giá những vướng mắc trong thực tế, luật hóa những nội dung vốn đã gỡ được trong Nghị định 69.

Phải quy định rõ, nhà chung cư đến cấp nguy hiểm, phải đổi thì trách nhiệm Nhà nước phải bảo vệ tính mạng người dân. Do đó, phải di dời người dân, phá dỡ công trình này xây dựng công trình khác. Nếu không thực hiện thì có cưỡng chế, điều này bắt buộc phải tuân theo.

Ông đề nghị, việc cải tạo nhà chung cư cũ nên chia ra nhiều trường hợp khác nhau như trường hợp bất khả kháng (thiên tai, địch hoạ); trường hợp nguy hiểm (chưa hết thời hạn sử dụng đã nguy hiểm); các trường hợp đã hết thời hạn vẫn sử dụng tốt thì không cần cải tạo.

Đồng thời, nên phân biệt việc cải tạo một toà chung cư độc lập (như hiện nay tập trung ở quận Hoàn Kiếm); cải tạo một chung cư cụ thể nhưng nằm trong một khu chung cư hoặc cải tạo hẳn 1 khu chung cư.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến tại phiên họp, ý kiến các cơ quan tổ chức, nhân dân, trong đó lưu ý không quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư, tuy nhiên cần có quy định cụ thể về việc Nhà nước có quyền quyết định, có trách nhiệm trong việc tổ chức di dời, sửa chữa, cải tạo với các nhà chung cư không còn an toàn để đảm bảo sức khỏe, an toàn của người dân.

Nếu Chính phủ có phương án khác thì cần trình hai phương án, nêu rõ ưu điểm, nhược điểm, trình bày một cách toàn diện, lập luận rõ ràng làm cơ sở để các đại biểu Quốc hội xem xét, cho ý kiến, quyết định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.