Tập trung vào 4 nội dung giám sát chính
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 36, sáng 20/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo Một số nội dung của dự thảo Kế hoạch giám sát và các Đề cương báo cáo của Đoàn giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao".
Trình bày báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh (cơ quan được giao chủ trì tham mưu giúp Đoàn Giám sát về nội dung) cho biết, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là chủ trương nhất quán và xuyên suốt thời kỳ đổi mới do Đảng ta khởi xướng từ Đại hội XI trở lại đây.
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao là một trong ba đột phá chiến lược.
Các chủ trương, định hướng về phát triển nhân lực, nhân lực chất lượng cao được quy định ở rất nhiều văn bản của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan; phạm vi nội dung rộng, liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của các ngành, lĩnh vực khác nhau.
Đoàn Giám sát đề xuất phạm vi nội dung giám sát tập trung hai nhóm vấn đề cơ bản là: phát triển nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao; sử dụng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao.
Dự thảo Kế hoạch giám sát của Đoàn Giám sát gồm 6 phần, xác định rõ mục đích, yêu cầu; nội dung, đối tượng, phạm vi giám sát; phương thức hoạt động của Đoàn Giám sát; phân công nhiệm vụ thành viên Đoàn Giám sát; tiến độ triển khai thực hiện và việc tổ chức thực hiện.
Nội dung giám sát tập trung vào 4 nội dung chính. Một là, đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo và việc thể chế hóa chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Hai là, đánh giá thực trạng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao; Ba là, đánh giá kết quả đạt được, tồn tại hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao.
Bốn là, đề xuất kiến nghị, giải pháp để tiếp tục thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Về đối tượng giám sát, gồm: Chính phủ; các Bộ gồm: Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Nội vụ; Bộ Kế hoạch và Đầu tư và một số bộ, ngành liên quan (Bộ Tài chính; Bộ Y tế; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Công thương; Bộ Thông tin và Truyền thông...); Ủy ban nhân dân 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Muốn phát triển phải coi giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ là quốc sách hàng đầu
Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm đến vấn đề phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Theo Chủ tịch Quốc hội, đất nước muốn phát triển thì phải thực sự quan tâm đến giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, coi những nhiệm vụ này là quốc sách hàng đầu.
Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, kế hoạch của Đoàn Giám sát cần tập trung phát hiện các mặt tích cực đã đạt được cũng như những hạn chế, tồn tại trong việc đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực, từ đó đưa ra được các giải pháp nhằm phát triển hơn nữa, góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.
Góp ý về đề cương giám sát, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu, Đoàn Giám sát cần có phân tích, dự báo cụ thể về nhu cầu đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực cho phù hợp.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dẫn chứng, đã có thời gian tồn tại thực trạng học theo phong trào, chọn ngành học dễ... dẫn đến hệ quả là người học ra trường không có việc làm, thầy nhiều hơn thợ... Nhiều kỳ họp trước đây, Quốc hội đã chất vấn về vấn đề này, trong đó có chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội…
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn gợi mở, Đoàn Giám sát cần nghiên cứu kỹ phạm vi giám sát, nhất là việc thực hiện các văn bản của Đảng, Nhà nước, các Nghị quyết của Quốc hội… đã ban hành liên quan đến lĩnh vực này, xem nhiệm vụ nào đã thực hiện, nhiệm vụ nào đang thực hiện, nhiệm vụ nào chưa thực hiện, tại sao chưa thực hiện để tìm ra nguyên nhân, giải pháp khắc phục.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, vấn đề giáo dục, đào tạo nhân lực, việc làm được đông đảo cử tri và nhân dân rất quan tâm bởi gia đình nào cũng mong muốn con em mình học xong ra trường sẽ có việc làm.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng gợi mở, Đoàn giám sát cần có khảo sát và có số liệu so sánh, ví dụ như so sánh trong các nước ASEAN thì Việt Nam đứng thứ bao nhiêu về chất lượng đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực để chúng ta biết, từ đó có các kế hoạch và giải pháp để phát triển và đạt chất lượng cao hơn nữa trong lĩnh vực này.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý, Đoàn giám sát cần đi thực tế nhiều, giám sát nhiều nhưng phải có sản phẩm tham gia góp ý, đề xuất chất lượng đối với kết luận giám sát. Từ đó, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu, cần tuyển chọn kỹ thành viên Đoàn giám sát. Thành viên Đoàn giám sát phải thực sự là những người có trách nhiệm cao, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ được giao.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận