Thị trường

Nhiều thách thức tạo nên áp lực lạm phát năm 2023

04/01/2023, 17:35
image

Mặc dù bức tranh kinh tế Việt Nam 2022 nhiều điểm sáng nhưng áp lực lạm phát trong năm 2023 vẫn rất lớn đặt ra nhiều thách thức.

Bức tranh kinh tế Việt Nam

Bức tranh kinh tế Việt Nam 2022 nhiều điểm sáng, đặc biệt là GDP bình quân đầu người năm 2022 ước đạt 95,6 triệu đồng/người, tương đương 4.110 USD, tăng 393 USD so với năm trước.

Năng suất lao động của toàn nền kinh tế năm 2022 ước tính đạt tăng 4,8%. Về sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản duy trì tăng trưởng ổn định, giữ vững vai trò trụ đỡ của nền kinh tế. Sản lượng một số cây lâu năm chủ yếu tăng so với năm trước; Dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được kiểm soát; Hoạt động khai thác gỗ triển khai tích cực. Nuôi trồng thủy sản phát triển khá do nhu cầu và giá xuất khẩu các sản phẩm thủy sản trọng điểm như cá tra, tôm nuôi tăng...

img

Tốc độ tăng trưởng GDP và các ngành năm 2022

Xét về chỉ số giá của từng nhóm hàng trong CPI bình quân năm 2022 so với năm 2021, tăng mạnh nhất nhóm Giao thông (tăng 11,27%); tiếp sau đó nhóm Đồ uống và thuốc lá (tăng 3,15%). Nhóm giảm giá hoặc tăng thấp hơn tốc độ tăng giá chung nhóm Bưu chính viễn thông (giảm 0,37%); nhóm Thuốc và dịch vụ y tế (cả nhóm tăng 0,40%, riêng dịch vụ y tế tăng 0,04%); May mặc, mũ nón, giày dép (tăng 1,63%); Giáo dục (cả nhóm tăng 1,68%, riêng dịch vụ giáo dục tăng 1,44%); Thiết bị và đồ dùng gia đình (tăng 2,03%); Hàng hóa và dịch vụ khác (tăng 2,36%),…

Sản xuất công nghiệp quý IV năm 2022 có xu hướng tăng chậm lại, tốc độ tăng giá trị tăng thêm ước đạt 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2022, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 7,69% so với năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,10%.

Tổng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường đạt 208.300, tăng 30,3% so với năm 2021. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa chính thức đạt kỷ lục mới với 732,5 tỷ USD cho cả năm 2022; xuất siêu 11,2 tỷ USD.

Đây là con số kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây. Trong đó xuất khẩu tăng 10,6%; nhập khẩu tăng 8,4%. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2022 ước tính xuất siêu 11,2 tỷ USD đồng thời là năm thứ 7 liên tiếp xuất siêu.

Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/12/2022 (bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài) ước đạt gần 27,72 tỷ USD.

Lạm phát 2023 nằm trong tầm kiểm soát

Chia sẻ tại Hội thảo Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2022 và dự báo năm 2023 do Viện Kinh tế Tài chính - Học viện Tài chính diễn ra sáng 4/1, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, một số nền kinh tế lớn trên thế giới từng bước phục hồi trong năm 2021, nhưng năm 2022 đã có sự giảm sút đáng kể do lạm phát tăng cao và giá cả xăng dầu, các vật tư nguyên liệu, lương thực, thực phẩm tăng cao.

Tình hình giá cả ở Việt Nam chưa bị tác động nhiều trong quý I, do sức cầu còn yếu bởi nhiều ngành dịch vụ chỉ được mở cửa từ 01/04/2022 nên CPI của một số tháng chưa tăng mạnh. Đồng thời, từ tháng cuối tháng 6/2022 giá xăng dầu và nhiều mặt hàng có chiều hướng giảm giá và duy trì đến cuối năm.

Nguyên nhân lạm phát cơ bản tăng, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh đã chỉ ra, ngoài cuộc xung đột Ucraine và chính sách trừng phạt kinh tế tăng dần của các nước phương Tây đối với Nga. Các cân đối vĩ mô lớn của nền kinh tế (nợ công, nợ nước ngoài, thâm hụt ngân sách, cán cân thương mại, quan hệ cung - cầu ngoại tệ ...) tiếp tục được kiểm soát và giữ ở trạng thái tốt hơn so với giai đoạn trước. Tính chung cả năm 2022, hoạt động xuất nhập khẩu đạt 732,5 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2021 cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 11,2 tỷ USD. Điều này tạo điều kiện làm giảm áp lực tỷ giá và lạm phát.

Tuy nhiên, từ một góc nhìn khác, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính cho rằng, lạm phát tại Việt Nam hiện nay vẫn thấp hơn khá nhiều so với mức mục tiêu 4%.

Nền kinh tế Việt nam chưa phục hồi hoàn toàn. Mặc dù tốc độ tăng trưởng GDP trong năm 2022 đạt mức 8,02%, nhưng tính trung bình giai đoạn 2020-2022 chỉ ở mức 4,52%. Chính phủ đã thực hiện kiểm soát giá một số mặt hàng như giá dịch vụ y tế, giáo dục và điển hình là giá điện, Trong 6 tháng đầu năm 2022, tỷ giá USD/VND cũng được kiểm soát với mức mất giá khoảng 2,2%, thấp hơn nhiều so với các đồng tiền khác trên thế giới và trong khu vực.

PGS. TS Đinh Trọng Thịnh: Cần tìm cách ổn định thị trường tài chính tiền tệ để hạ thấp tỷ lệ lạm phát.

Dự báo lạm phát năm 2023, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, Năm 2023 nền kinh tế thế giới được dự báo sẽ có không ít khó khăn do một số quốc gia và khu vực kinh tế trên thế giới có nguy cơ suy thoái.

Ông Thịnh chỉ ra một số nguyên nhân chính, năm 2023 lạm phát của nền kinh tế thế giới dù có xu hướng hạ nhiệt nhưng được dự báo vẫn ở mức cao khoảng 6,5; Các ngân hàng trung ương các nước trên thế giới đã có hơn 340 lần tăng lãi suất điều hành, trong năm 2022 FED đã nâng lãi suất lên 5% - 5,25%.

Do ảnh hưởng của các yếu tố đầu vào và lạm phát, các tổ chức quốc tế dự báo năm 2023 nền kinh tế thế giới chỉ tăng trưởng khoảng 2,2% - 2,5% (so với mức 3,1% của năm 2022); Việc Chính phủ Trung Quốc dần dỡ bỏ lệnh phong tỏa để phòng chống đại dịch Covid-19 có thể làm sản xuất tăng trưởng, tăng sức ép về giá cả xăng dầu, nguyên liệu đàu vào cho sản xuất của thế giới và gia tăng áp lực lạm phát.

Đáng chú ý, trong năm 2022 chỉ số VNIndex của thị trường chứng khoán Việt Nam đã có sự giảm sút mạnh, giảm 33,68% so với cuối năm 2021; thị trường trái phiếu DN phát hành riêng lẻ cũng sụt giảm hơn 28,5% so với cùng kỳ 2021 đang gây khó khăn cho nguồn cung vốn cho sản xuất và tạo áp lực tăng lãi suất vay nợ, tăng áp lực lạm phát.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.