Báo Giao thông trao đổi với ông Tô Nam Toàn, Trưởng phòng Khoa học Công nghệ Môi trường và Hợp tác quốc tế, Cục Đường bộ VN xung quanh vấn đề này.
Chủ phương tiện có 1 năm chuyển đổi tài khoản
Theo quy định tại Nghị định 119/2024, tài khoản thu phí không dừng (ETC) hiện nay sẽ được tách thành tài khoản giao thông và kết nối với phương tiện thanh toán. Ông có thể nói cụ thể về quy định này?
Nghị định 119/2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2024 quy định: Tài khoản thu phí không dừng hiện nay của chủ phương tiện sẽ được tách thành tài khoản giao thông và phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt (ví điện tử, tài khoản ngân hàng).
Trường hợp VETC hay VDTC muốn mở rộng cung cấp dịch vụ phải có 2 sự đồng ý là Bộ GTVT và các chủ điểm thu. Lý do phải được sự đồng ý của Bộ GTVT là do hệ thống của 2 nhà cung cấp do Bộ chấp thuận đầu tư và tài sản này do Bộ quản lý.
Ông Tô Nam Toàn
Tài khoản thu phí như hiện nay bao gồm 3 thông tin: Phương tiện, chủ phương tiện và tiền.
Trong khi đó, tài khoản giao thông là tài khoản không có tiền, chỉ bao gồm các thông tin để xác định đối tượng thanh toán, số tiền phải thanh toán. Để thực hiện thanh toán, tài khoản giao thông phải được kết nối với phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.
Hai nhà cung cấp dịch vụ thu phí đường bộ là Công ty TNHH Thu phí tự động VTEC và Công ty cổ phần Giao thông số (VDTC) vẫn quản lý trực tiếp tài khoản giao thông. Tài khoản giao thông sẽ được đồng bộ lên trung tâm dữ liệu thanh toán điện tử đường bộ của Bộ GTVT.
Các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử khác cũng sẽ được chia sẻ thông tin tài khoản giao thông từ trung tâm dữ liệu để cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử đường bộ.
Hiện cả nước đã có 5 triệu phương tiện sử dụng dịch vụ ETC và số này phải chuyển tài khoản thu phí sang tài khoản giao thông. Vậy chủ phương tiện phải làm những gì, thưa ông?
Tài khoản giao thông là tài khoản thu phí không có tiền. Để có thể thanh toán điện tử trong giao thông, trước hết chủ phương tiện cần khai báo với nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử một phương tiện thanh toán như ví điện tử, tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng. Thông thường sẽ chỉ kết nối với ví điện tử hoặc thẻ tín dụng.
Khi phương tiện thanh toán được kết nối, tiền trong tài khoản thu phí sẽ được chuyển sang phương tiện thanh toán. Khi đó, tài khoản thu phí sẽ thành tài khoản giao thông.
Theo Luật chia sẻ dữ liệu cá nhân, thông tin tài khoản giao thông do Bộ GTVT quản lý sẽ chỉ được chia sẻ cho nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử khi có sự đồng ý của chủ phương tiện.
Khi chủ phương tiện muốn sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử trả phí đỗ xe tại nhà chung cư, sân bay… sẽ yêu cầu Bộ GTVT cung cấp thông tin tài khoản giao thông cho nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử. Yêu cầu cung cấp được thực hiện trên cổng thông tin của Bộ GTVT.
Theo lộ trình tại Nghị định 119, việc chuyển đổi từ tài thu phí sang khoản giao thông được thực hiện trong vòng 1 năm, từ 1/10/2024 - 1/10/2025.
Không ảnh hưởng tốc độ xe qua trạm
Ông vừa nói đến việc tài khoản giao thông chỉ kết nối với ví điện tử hoặc thẻ tín dụng, còn tài khoản ngân hàng thì sao?
Theo quy định, tài khoản ngân hàng không phải là phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt mà là một ủy nhiệm chi.
Kết nối giữa tài khoản giao thông với tài khoản ngân hàng sẽ thông qua một ủy nhiệm chi. Ngân hàng sẽ thanh toán từ tài khoản ngân hàng của chủ phương tiện cho nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử.
Trên phần mềm của nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử sẽ cho phép chủ xe được lựa chọn trả tiền từ nhiều phương tiện thanh toán như ví điện tử, ủy nhiệm chi từ ngân hàng hay thẻ tín dụng.
Như vậy, quy trình thanh toán sẽ có thêm bên thứ 3 là trung gian thanh toán. Việc này có ảnh hưởng đến tốc độ xe lưu thông qua trạm thu phí?
Về mặt lý thuyết có thể sẽ ảnh hưởng do tăng kết nối. Tuy nhiên, thực tế trong thu phí ETC hiện nay đã hình thành mối liên kết với trung gian thanh toán và vẫn thu phí bình thường nên không lo ảnh hưởng. Ví dụ, ví ViettelPay kết nối với thẻ ePass, ví VETC kết nối với thẻ VETC.
Dễ dàng xử lý nhà cung cấp dịch vụ vi phạm
Khi triển khai thanh toán điện tử, liệu có ảnh hưởng đến doanh thu thu phí các dự án giao thông hiện nay, thưa ông?
Dòng tiền sẽ có hai hình thức là trước và sau khi sử dụng dịch vụ. Trước đây, dù chưa sử dụng, chủ phương tiện vẫn phải nạp tiền vào tài khoản thu phí. Tiền này do nhà cung cấp dịch vụ thu phí như VETC, VDTC quản lý.
Đến nay, tiền sẽ được chủ phương tiện nạp vào ví điện tử và được nhà cung cấp ví quản lý theo pháp luật ngân hàng.
Còn đối với dòng tiền sau khi chủ phương tiện sử dụng dịch vụ đường bộ, ví dụ khi chủ phương tiện đi qua trạm hết 100.000 đồng, số tiền này sẽ được chuyển về cho nhà cung cấp dịch vụ thu phí VETC hay VDTC, sau đó sẽ chuyển cho nhà đầu tư BOT. Quy trình này sẽ do Bộ GTVT quản lý.
Đối với thu phí sử dụng đường bộ, có 2 nhà cung cấp được Bộ GTVT lựa chọn ký hợp đồng là VETC và VDTC.
Trong khi đó, thu phí ra vào sân bay, bến cảng, bãi đỗ xe, thu phí nội đô… có thể có 3-4 nhà cung cấp dịch vụ thu phí điện tử do chủ sân bay, bến cảng, thu phí nội đô quyết định lựa chọn.
Luật Đường bộ cũng quy định về hệ thống cơ sở dữ liệu thanh toán điện tử giao thông đường bộ, trung tâm này có vai trò gì và sẽ được đầu tư thế nào?
Hệ thống cơ sở dữ liệu thanh toán điện tử giao thông đường bộ sẽ do Nhà nước đầu tư bao gồm nhiều dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước của Bộ GTVT như dữ liệu về tài khoản giao thông để chia sẻ cho các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử, quản lý các giao dịch, quản lý lưu lượng xe qua trạm, xử lý vi phạm của nhà cung cấp dịch vụ thu phí.
Cục Đường bộ VN đã trình Bộ GTVT đề xuất chủ trương đầu tư trung tâm bằng vốn ngân sách Nhà nước. Việc đầu tư xây dựng trung tâm trong thời gian hơn 1 năm. Tiến độ xây dựng trung tâm đảm bảo từ 1/1/2026 đưa vào vận hành thử và vận hành chính thức từ 1/7/2026. Sau khi xây dựng xong, Cục Đường bộ VN sẽ tiếp nhận vận hành khai thác.
Ông vừa nói đến dữ liệu từ trung tâm sẽ phục vụ cho xử lý vi phạm của nhà cung cấp dịch vụ thu phí, cụ thể là thế nào?
Ngoài chia sẻ tài khoản cho các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử, khi có trung tâm sẽ dễ dàng xử lý vi phạm của nhà cung cấp dịch vụ thu phí mà từ trước đến nay chưa thực hiện được. Bởi khi nhà cung cấp dịch vụ thu phí ETC vi phạm, sẽ không dừng hoạt động của họ được vì sẽ ảnh hưởng đến lưu thông của chủ phương tiện.
Tuy nhiên khi có trung tâm dữ liệu, bản sao tài khoản giao thông sẽ được lưu trữ. Khi nhà cung cấp dịch vụ thu phí ETC vi phạm sẽ dừng hoạt động. Bản sao tài khoản giao thông sẽ được chuyển cho nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử khác để tiếp tục cung cấp dịch vụ. Đây cũng là ưu điểm của việc mở rộng nhà cung cấp dịch vụ, đảm bảo tính cạnh tranh.
Việc sử dụng dịch vụ của nhà cung cấp dịch vụ khác đó sẽ thuộc quyền quyết định của chủ phương tiện và Bộ GTVT. Thủ tục chuyển đổi tài khoản giao thông của nhà cung cấp dịch vụ sẽ thực hiện rất đơn giản trên hệ thống phần mềm của Bộ GTVT.
Cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận