Giá sữa giảm phổ biến ở mức vài nghìn đồng/hộp |
Thực hiện yêu cầu của Bộ Tài chính về việc loại bỏ chi phí quảng cáo ra khỏi giá thành sữa, năm hãng sữa lớn đã đăng ký giảm giá 50 sản phẩm sữa với mức giảm phổ biến là 0,4-1%, tức là phổ biến chỉ giảm hơn 1 nghìn đồng/hộp sữa có giá vài trăm ngàn đồng.
Giảm hơn 1.000 đồng/hộp sữa
Hôm nay (ngày 20/4), Công ty TNHH Mead Johnson Nutrition Việt Nam chính thức giảm giá bán 25 mẫu sản phẩm sữa trên thị trường với mức giảm từ 1.697-6.994 đồng/hộp. Đây là hãng sữa có số lượng sản phẩm đã đăng ký giảm giá nhiều nhất sau ngày 15/4. Tuy nhiên, hầu hết các sản phẩm chỉ giảm giá khoảng 1%, như Enfamil A+1 360 độ Brain Plus giá bán lẻ 255 nghìn đồng/hộp thì hãng giảm giá 2.250 đồng/hộp; Enfagrow A+3 360 độ Brain Plus 1.800 g, giá bán buôn cũ 699.435 đồng/hộp, nay giảm 6.994 đồng/hộp… Giảm giá từ 2-4% chỉ có Enfamil A+1, A+2…
Chị Diệu Hồng, chủ đại lý bánh kẹo, đường sữa trên đường Giải Phóng (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay, hãng đưa ra mức giảm giá bán buôn không nhiều, nên có lẽ đại lý cũng không cần điều chỉnh lại giá bán lẻ sản phẩm. “Chúng tôi vẫn thường bán thấp hơn giá bán tối đa mà hãng đề nghị. Như sản phẩm Enfalac LactoFree Power 400 g, tôi đang bán với giá 190 nghìn đồng, thấp hơn 5.202 đồng so với giá hãng đề nghị. Nay hãng giảm giá đổ buôn chỉ 1.697 đồng/hộp, tôi chả cần điều chỉnh thì giá bán lẻ vẫn thấp hơn trần tối đa nhiều”, chị Hồng nói.
"Một kết quả thanh tra do Bộ Tài chính tiến hành cách đây một năm cũng cho thấy, chi phí quảng cáo, khuyến mãi, tiếp thị đã làm giá sữa tăng từ 2,18-16,39%. Khi tách bỏ chi phí quảng cáo, lẽ ra mức giảm giá sữa phải tương ứng mức tăng trên”. TS. Ngô Trí Long |
Thông tin từ Công ty TNHH Dinh dưỡng 3A, từ ngày 22/4 tới, sẽ có 8 mẫu sản phẩm của Abbott giảm giá và hầu hết các sản phẩm chỉ giảm 1-1,5%. Như sản phẩm Similac Total Comfor 3 loại 360 g có giá bán buôn mới là 240 nghìn đồng, giảm đúng 1 nghìn đồng so với giá bán cũ, còn lại những sản phẩm có giá bán trên 200 nghìn đồng đều giảm giá chỉ 2.500 đồng.
Công ty TNHH Nestle Việt Nam chỉ đăng ký ba sản phẩm giảm giá, nhưng mức giảm cũng rất “khiêm tốn”. Điển hình sản phẩm S26 Progress Gold 900g có giá bán lẻ khuyến nghị đến người tiêu dùng là 455 nghìn đồng/hộp, nhưng giá bán buôn sau khi tách chi phí quảng cáo chỉ giảm 1 nghìn đồng/hộp. Hai sản phẩm giảm giá còn lại là Nan Pro 3 và Lactogen 3 cũng chỉ giảm 2.310-2.750 đồng/hộp.
Có mức giảm giá nhỉnh hơn là Friesland Campina với 14 sản phẩm. Mức giảm thấp nhất là 4.125 đồng cho sản phẩm mới ra mắt Dutch Lady Tò mò Gold 1-2 loại 900g, còn sản phẩm giảm giá nhiều nhất là Dutch Lady 123 Gold BIB loại 2000g, giá bán lẻ chỉ 490 nghìn đồng/hộp nhưng được hãng giảm giá bán buôn 16.450 đồng/hộp.
Mức giảm 0,4-4% có phù hợp?
Theo Cục trưởng cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Anh Tuấn, năm công ty thực hiện kê khai lại giá sữa tại Bộ Tài chính đã chiếm tới 70% thị phần thị trường sữa, do đó tác động kéo giảm giá sữa trên thị trường sẽ nhanh chóng được lan rộng.
“Theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12, mức trần chi phí quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị... năm 2013 bằng 10% tổng chi phí được trừ của doanh nghiệp. Riêng đối với các doanh nghiệp mới thành lập, tỷ lệ này là 15% trong ba năm đầu. Quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp số 32/2013/QH13 cũng quy định mức trần chi phí quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị... năm 2014 bằng 15% tổng chi phí được trừ của doanh nghiệp. Vì thế, mức giảm từ 0,4-4% là tương đối phù hợp”, ông Tuấn phân tích.
Tuy nhiên, TS. Kinh tế Ngô Trí Long cho biết, theo tính toán, quảng cáo chiếm khoảng 20% giá thành, nên khi loại bỏ chi phí quảng cáo, mức giảm giá sữa tối đa tới 4% vẫn được cho là chưa tương xứng, chưa kể yếu tố giá nguyên liệu giảm từ đầu năm đến nay.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cũng cho rằng, bỏ trần quảng cáo đương nhiên sẽ có một phần chi phí cấu thành giá sữa bị loại, song khó để giá sữa giảm được. “Bởi chi phí quảng cáo từ trước đến nay đều được doanh nghiệp tính vào giá. Nếu chúng ta kiểm toán tốt, bóc tách ra được thì có thể bắt giá sữa giảm nhưng điều này là rất khó. Do vậy, Nhà nước phải tạo ra được sự cạnh tranh thực sự, dẹp bỏ sự độc quyền, thao túng, dẫn dắt của một vài “ông lớn” trên thị trường sữa.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận