Dù đã thi công được 50% khối lượng công việc nhưng đến nay, Dự án Thủy điện Suối Mu (tại xã Tự Do, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình) vẫn chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) theo đúng quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường. |
Bẻ gãy "cần câu cơm" của người dân
Dự án Thủy điện Suối Mu (Thủy điện Suối Mu) do Công ty TNHH Văn Hồng (Công ty Văn Hồng) làm chủ đầu tư có công suất thiết kế 9MW được xây dựng trên thác Mu (thuộc địa phận xã Tự Do, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình). Dự án được UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt quy hoạch vào tháng 11/2015, có tổng diện tích19.580m2. Để có đất sử dụng cho dự án, hàng trăm hộ dân địa phương sẽ rơi vào cảnh mất đất. Ông Bùi Văn Dưng (xóm Mu, xã Tự Do, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình) cho biết: “Nhà tôi mất 500m2 đất ruộng và một chiếc ao cá cho Thủy điện Suối Mu. Đổi lại tôi chỉ nhận được 30 triệu đồng. Với số tiền ấy thử hỏi chúng tôi làm được gì khi ruộng đất không còn. Sau này chúng tôi biết lấy gì để sống”.
Bà Quách Thị Quảng (xóm Khướng, xã Tự Do, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình) “tố” Thủy điện Suối Mu khiến 100m2 đất của gia đình bà bị ảnh hưởng và thiệt hại đó được “bù đắp” bằng 20 triệu đồng. “Đấy là mới tính diện tích đất ở và đất ruộng thôi. Còn bao nhiêu đất khai hoang của chúng tôi cũng bị ảnh hưởng bởi dự án nhưng tất cả đều không được đền bù”, bà Quảng bức xúc. Người phụ nữ này cho biết thêm, ngoài ruộng đất của gia đình, Thủy điện Suối Mu còn gây thiệt hại cho một công trình thủy lợi có ý nghĩa rất quan trọng đối với sinh kế của người dân địa phương, đó là đập ngăn nước. Trước kia, để làm được con đập đó, bà Quảng và những người dân địa phương đã phải chung tay góp 100 con trâu. “Cả cái đập lớn của chúng tôi họ chỉ đền bù có 100 triệu đồng. Nhưng cũng chỉ là lời hứa chứ đến bây giờ họ đang xây nhà máy rồi mà có thấy tiền đâu”, bà Quảng nói.
Ông Bùi Đình Thiên, Chủ tịch UBND xã Tự Do cho biết, trước khi có thủy điện, quỹ đất nông nghiệp của địa phương đã ít, giờ thủy điện lại lấy thêm khoảng 2ha đất nữa, trong đó tập trung chủ yếu ở xóm Mu và xóm Khướng. “Lúc nhận được chủ trương, địa phương rất băn khoăn. Vì nơi làm thủy điện có Thác Mu. Nếu làm thủy điện, ngoài quỹ đất nông nghiệp của bà con, Thác Mu chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng, ông Thiên cho hay.
Từ năm 2016, Bộ TN&MT đã ra Văn bản số 5657/BTNMT-TCMT ngày 1/12/2016 về việc thẩm quyền thẩm định và phê duyệt báo cáo ĐTM của các dự án thủy điện gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đối chiếu những nội dung trong văn bản này với tính chất dự án Nhà máy Thủy điện Suối Mu thì với công suất 9MW, Thủy điện Suối Mu là đối tượng cần phải làm báo cáo ĐTM trình Bộ TN&MT thẩm định, phê duyệt. Thế nhưng, hiện nay, đã là tháng 7/2017, báo cáo ĐTM của Thủy điện Suối Mu vẫn ở thì tương lai!? |
Tiền trảm hậu tấu?
Tháng 1/2016, theo đúng quy định về tiến độ dự án được đề ra trong Quyết định số 495 của UBND tỉnh Hòa Bình, chủ đầu tư bắt đầu triển khai việc xây dựng, lắp đặt máy móc thiết bị tại Thủy điện Suối Mu. Hiện nay, khối lượng công việc hoàn thành được 50%. Tuy nhiên, kết quả điều tra của PV Báo Giao thông cho thấy, đến tận ngày 18/7/2016, chủ đầu tư là Công ty Văn Hồng mới có Công văn số 05/VH-MT gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình đề nghị đơn vị này xem xét và cấp giấy xác nhận đăng ký Kế hoạch Bảo vệ môi trường. Đến ngày 15/8/2016, trong Văn bản số 284/XN-STNMT, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình chấp thuận Giấy xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường cho Công ty Văn Hồng. Như vậy, chủ đầu tư đã “tiền trảm hậu tấu”, cho tiến hành khởi công xây dựng các hạng mục trong Dự án Thủy điện Suối Mu từ trước khi được chấp thuận Giấy xác nhận Đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường đến hơn nửa năm mà không bị bất cứ cơ quan có trách nhiệm nào của tỉnh Hòa Bình kiểm tra, xử lý.
Để làm rõ những vấn đề liên quan đến Dự án Thủy điện Suối Mu, PV Báo Giao thông đã liên hệ làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình. Ông Phạm Duy Đức, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Hòa Bình tỏ ra rất ngỡ ngàng trước những thông tin về Dự án Thủy điện Suối Mu. Ông Đức khẳng định, chưa nghe đến tên dự án này bao giờ và hỏi lại “thủy điện này mấy MW, xây từ bao giờ?”. Chỉ sau khi bốc điện thoại gọi cho cấp dưới hỏi lại, ông Đức mới biết sự tồn tại của Dự án Thủy điện Suối Mu. Lý giải cho việc không nắm được thông tin về Thủy điện Suối Mu, ông Đức cho biết, công suất của dự án này là 9MW, theo quy định Bộ TN&MT là đơn vị thẩm định hồ sơ ĐTM. “Khi quy mô dự án do bộ thẩm định, sở chỉ là thành phần được tham dự thôi. Gần đây những buổi dự thẩm định như thế tôi thường giao cho cấp phó đi dự”, ông Đức nói.
Tiếp tục làm việc với ông Nguyễn Khắc Long, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Hòa Bình, PV lại nhận được câu trả lời: Dự án Thủy điện Suối Mu không có ĐTM mà chỉ có Giấy xác nhận Đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường. Lý giải sự việc này, ông Long cho biết, Công ty Văn Hồng làm như thế là đúng quy định (?!). Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013, những dự án thủy điện có công suất từ 2MW trở lên thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ TN&MT. Những dự án này phải thực hiện báo cáo ĐTM và thẩm quyền tổ chức thẩm định, phê duyệt báo cáo ĐTM là của Bộ TN&MT. Thủy điện Suối Mu có công suất 9MW đương nhiên thuộc đối tượng trên.
Ông Long cho biết, căn cứ theo Mục 27, Phụ lục II của Nghị định 18/2015/NĐ-CP (quy định các dự án thủy điện có dung tích hồ chứa từ 100.000m3 trở lên hoặc công suất từ 10MW trở lên phải làm báo cáo ĐTM), Dự án Thủy điện Suối Mu không phải làm báo cáo ĐTM mà chỉ cần Giấy xác nhận Đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường do công suất chỉ có 9MW. Ngoài ra, ông Long cho rằng, hiện nay, một số điểm trong Nghị định 18/2015/NĐ-CP còn có nhiều điểm chưa thống nhất (?!). “Chúng tôi sẽ hỏi lại Bộ TN&MT. Nếu như bộ có ý kiến chúng tôi sẽ điều chỉnh và yêu cầu dự án Thủy điện Suối Mu phải dừng lại để hoàn thiện hồ sơ, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định”, ông Long nói.
Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận