Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp |
Tại cuộc họp chiều nay (8/3) về tình hình triển khai dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu Vụ PPP và Ban QLDA Thăng Long khẩn trương rà soát các thủ tục hồ sơ mời thầu và công tác chuẩn bị đấu thầu dự án. “Thủ tướng Chính phủ đã hứa trước Quốc hội hoàn thành công trình trước năm 2020. Quá trình thi công dự án này sẽ kéo dài do phải xử lý nền đất yếu, do đó, tinh thần chung là phải khẩn trương để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, triển khai công trình càng nhanh càng tốt”, Bộ trưởng nói.
Đối với cơ chế về vốn chủ sở hữu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo Vụ PPP và Ban QLDA Thăng Long phải bám sát quy định của Nghị định 15/2015 và Nghị định 30/2015 của Chính phủ. “Vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư tham gia vào dự án phải sử dụng khung cao nhất trong các quy định. Trong trường hợp thuận lợi, có thể nâng vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư lên cao hơn so với quy định hiện hành để đảm bảo năng lực tài chính của nhà đầu tư tốt hơn”, Bộ trưởng yêu cầu.
Khẳng định cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ là một dự án khác với dự án cao tốc Bắc - Nam đã trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, Bộ trưởng yêu cầu tư vấn, Ban QLDA Thăng Long, Vụ PPP rà soát, đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật đối với kết cấu mặt đường theo tiêu chuẩn kỹ thuật của đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ. Các đơn vị phải so sánh, lựa chọn phương án kết cấu mặt đường hiệu quả nhất, kinh tế nhất để đưa vào tổ chức đấu thầu.
Liên quan đến cơ chế góp vốn từ quyền thu phí cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Trung Lương để hỗ trợ cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu Vụ PPP khẩn trương tham mưu để Bộ GTVT báo cáo Chính phủ đề xuất phương án xử lý theo quy định của pháp luật. “Cố gắng trong quý II/2018 sẽ tổ chức đấu đầu”, Bộ trưởng nói.
Trước đó, ông Dương Viết Roãn, Giám đốc Ban QLDA Thăng Long cho biết, dự án đã được Bộ GTVT phê duyệt quyết định đầu tư vào tháng 8/2017. “Ban QLDA Thăng Long đã trình hồ sơ mời sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư và Bộ GTVT đã xem xét, lấy ý kiến các đơn vị liên quan. Tuy nhiên, dự án đang có một số vướng mắc khiến công tác triển khai đấu thầu gặp khó khăn”, ông Roãn nói.
Trước hết là việc xác định tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư dự án. Theo quy định, khung tối đa đối với vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư là 15%.
“Tuy nhiên, với các dự án đường cao tốc Bắc - Nam đang chuẩn bị triển khai, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ áp dụng quy định phần vốn chủ sở hữu của các nhà đầu tư là 20% so với tổng mức đầu tư”, ông Roãn nói và chia sẻ thêm, về mặt kết cấu áo đường, dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ cũng đang khác so với yêu cầu dự kiến của các dự án cao tốc Bắc - Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo trong quý 2/2018 phải đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ - (Trong ảnh: Cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Trung Lương đã hoàn thành và đi vào khai thác) |
Cũng theo ông Roãn, vướng mắc nhất của dự án hiện nay là cách thức sử dụng quyền thu phí cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Trung Lương (khoảng 4 năm 11 tháng) để hỗ trợ cho dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ. Cụ thể, ngày 21/3/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Văn bản 463 đồng ý chủ trương đầu tư dự án Mỹ Thuận - Cần Thơ theo hình thức BOT và hỗ trợ bằng quyền thu phí cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Trung Lương.
Tuy nhiên, theo quy định của Luật Đầu tư công, quyền thu phí dự án TP.Hồ Chí Minh - Trung Lương sẽ phải đem ra đấu giá chứ không được góp thẳng để hỗ trợ cho cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.
Ông Vũ Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ PPP nói thêm: “Luật Quản lý, sử dụng tài sản công vừa có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 quy định, kết cấu hạ tầng là tài sản công và việc sử dụng tài sản công phải tuân theo các quy định của pháp luật về đấu giá. Tổ chức đấu giá quyền thu phí cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Trung Lương có thể tiến hành được ngay, nhưng vướng mắc là toàn bộ tiền đấu giá thu được sau khi trừ chi phí phải nộp vào ngân sách và việc sử dụng phải tuân theo kế hoạch đầu tư công”.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết: Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc họp về vấn đề này và đã kết luận tiếp tục thực hiện theo Công văn chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là dùng quyền thu phí của cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Trung Lương để hỗ trợ cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và áp dụng nguyên tắc không hồi tố.
Về việc xác định phần vốn chủ sở đối với nhà đầu tư của dự án, Thứ trưởng Nguyễn Nhật nói: “Chúng ta đang thực hiện theo quy định của Nghị định 15/2015 và Nghị định 30/2015, khi Nghị định chưa thay đổi thì các quy định pháp luật vẫn có giá trị. Bộ GTVT đề xuất Chính phủ nâng tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư đối với các dự án cao tốc Bắc - Nam chuẩn bị triển khai chứ không phải đề xuất cho cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ”.
Cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ dài 23,6km, điểm đầu tại nút giao với QL80 (TP.Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long), điểm cuối tại nút giao Chà Và với QL1 (tỉnh Vĩnh Long). Giai đoạn 1 phân kỳ đầu tư với quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 17m, vận tốc thiết kế 100km/h. Dự án được thực hiện theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT, tổng mức đầu tư khoảng 5.408 tỷ đồng. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận