Hai hầm dài 245m xuyên qua dãy núi Tam Điệp để nối vào gói thầu xây lắp số 11 phía tỉnh Thanh Hóa
Ngày 28/6, ông Đỗ Mạnh Hà, Chỉ huy gói xây lắp số 10, thuộc Ban QLDA Thăng Long cho biết, sau 4 tháng thi công, đúng 6h00 ngày 26/6/2021, hầm trái tuyến dài 245m đã được đào xuyên thông qua dãy núi Tam Điệp (đèo Tam Điệp). Còn lại hầm phải tuyến đang cố gắng sẽ xuyên thông qua núi vào ngày 15/7 tới đây.
Theo Quyết định số 1500 của Bộ GTVT về việc phê duyệt thiết kế kỹ thuật và dự toán gói thầu số 10-XL (từ Km274+111,86 +Km289+500) thuộc dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Mai Sơn - QL45 (nằm trong dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017-2020), gói thầu thi công trên chiều dài tuyến là 15,4km, đi qua các huyện: Hoa Lư, Yên Mô, TP Tam Điệp (thuộc tỉnh Ninh Bình) và huyện Hà Trung (thuộc tỉnh Thanh Hóa).
Đơn vị thi công là Tập đoàn Sơn Hải và Doanh nghiệp Xuân Trường.
Cửa hầm được đào thông
Ròng rã 4 tháng, hơn 120 cán bộ công nhân viên ngày đêm túc trực thay nhau thi công hầm xuyên núi đá
Trong đó, phần hầm có chiều dài 245m và 1,7km đường do Tập đoàn Sơn Hải thi công.
Theo thiết kế, hầm có 2 ống hầm, mỗi ống gồm 1 hầm đơn hoàn chỉnh lưu thông một chiều đảm bảo tĩnh không đứng tối thiểu H=5m; diện tích mặt cắt mỗi ống hầm ~ 99m2; tim hai hầm đơn cách nhau 45m; bề rộng mặt cắt ngang mỗi hầm 14,05m, gồm 3 làn xe cơ giới.
Đường chính hai bên đầu hầm có dải dừng xe khẩn cấp với bề rộng 2m, dài 30m (không kể chiều dài đoạn chuyển làn) bố trí không liên tục, so le nhau khoảng cách 4-5 km/điểm.
Đại diện Ban QLDA Thăng Long cùng cán bộ tư vấn giám sát kiểm tra kỹ thuật trong đường hầm
Ông Đỗ Quốc Tuấn, Chỉ huy trưởng của Tập đoàn Sơn Hải cho biết: "Đơn vị chúng tôi nhận thi công 2 đầu đường và hầm chui, được khởi công xây dựng từ 15/12/2020. Riêng phần hầm khoảng tháng 2/2021 mới triển khai. Để đảm bảo đúng tiến độ được giao, chúng tôi bố trí 4 mũi thi công với hơn 120 cán bộ, công nhân viên bám trụ trong đường hầm. Toàn bộ công nhân đều phải thay nhau, ngày đêm ra sức để khoan hầm. Ca này ăn cơm, ca khác làm, rồi cứ luân phiên nhau đến khi thông hầm".
Công nhân vào ca
Việc thi công được tính toán cẩn trọng từng chi tiết nhỏ
Các ca kíp thay phiên nhau liên tục làm không ngừng nghỉ, sau 4 tháng thi công, nhà thầu Sơn Hải đã vượt tiến độ 3%
Công nhân miệt mài thi công trong đường hầm
Còn ông Phạm Xuân Ước, cán bộ tư vấn giám sát của Công ty CP Tư vấn xây dựng giao thông 2 cho hay: Khó khăn nhất khi thi công là cấu tạo địa chất ở đây đá lẫn đất. Nếu tính toán không kỹ sẽ dẫn tới sạt lở đường hầm.
"Vì vậy, tại công trường, lúc nào chúng tôi cũng cùng với đại diện Ban QLDA Thăng Long, nhà thầu thi công túc trực 24/24, không rời mắt", ông Ước nói.
Nhà thầu áp dụng công nghệ của Áo và phương pháp đào hầm qua núi của Nhật Bản
"Mặc dù áp dụng công nghệ khoan hầm của Áo, biện pháp thi công đào hầm qua núi của Nhật Bản nhưng chúng tôi luôn bám sát ngày đêm để khi có sự cố phải xử lý lập tức. Đường có thể để 1-2 hôm sau làm nhưng hầm đã đào rồi thì phải làm liên tục, không ngừng nghỉ. Trong quá trình giám sát, nếu phát hiện ra lỗi kỹ thuật phải yêu cầu đơn vị thi công lập tức xử lý ngay", ông Ước cho biết thêm.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Đỗ Mạnh Hà nhận định: "Tuyến cao tốc Bắc - Nam là tuyến đường trọng điểm của Quốc gia nên sau khi khởi công, chúng tôi dốc toàn lực để triển khai. Yêu cầu các nhà thầu huy động nhân, vật lực, trang thiết bị để đưa vào thi công liên tục 3 ca, 4 kíp, mỗi ca 6 tiếng".
Đơn vị thi công phấn đấu sẽ thông hầm phải vào ngày 15/7 tới
"Trong quá trình đào hầm, nếu có sự cố gì xảy ra thì sẽ xử lý tại chỗ, tư vấn lúc nào cũng phải túc trực. Vấn đề nào vượt thẩm quyền thì xin ý kiến của Bộ GTVT. Đã đào ra thì phải làm ngay nên mọi tình huống chúng tôi phải nắm bắt, xử lý kịp thời ngay tại chỗ", ông Hà nói.
Theo ông Hà, trong quá trình khoan hai ống hầm qua đèo Tam Điệp, ở hai bên đầu hầm, các mũi thi công cũng đang lu lèn mặt đường, xây dựng hệ thống thoát nước trước mùa mưa bão. Tính đến thời điểm hiện tại, phần thi công đường của Tập đoàn Sơn Hải vượt tiến độ 3%.
Dãy núi Tam Điệp còn được gọi với những cái tên như: đèoTam Điệp, đèo Ba Dội, ải Cửu Chân Quan
Theo tìm hiểu qua các dữ liệu lịch sử, đèo Tam Điệp là tên gọi chính thức trong sử sách và địa lý cổ Việt Nam, chỉ con đường thiên lý cổ thời phong kiến từ Thăng Long vào Nam, đi qua 3 đoạn đèo giữa hai tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa. Nó là một tổ hợp đèo trên núi Tam Điệp, chạy ra biển theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, có 3 ngọn.
Đèo có tên gọi dân gian là đèo Ba Dội. Thời thuộc Nhà Hán, đèo Tam Điệp còn được gọi là Cửu Chân Quan, là cửa ải giữa quận Cửu Chân (Thanh Hóa ngày nay) và quận Giao Chỉ (Bắc Bộ ngày nay).
Clip công trình thi công hầm Tam Điệp
Thời phong kiến, con đường Thiên lý, hay có nơi còn gọi là đường "dịch trạm", đường Cái Quan, đường "triều chính" chạy xuyên qua đèo Tam Điệp. QL1A ngày nay qua Tam Điệp có đoạn không trùng với đường Thiên lý cổ, mà vượt qua núi Tam Điệp ở Dốc Xây, ranh giới giữa Ninh Bình và Thanh Hóa.
Năm 1998-1999, Nhà nước đục xuyên núi để làm một đường hầm ở Dốc Xây để đi lại hai chiều thuận lợi. Trước kia, do không đủ điều kiện, phương tiện, để bạt được quả núi hiểm trở ở Dốc Xây và một số đồi núi khuất khúc phía trong, nên phải đi vòng qua đèo Tam Điệp.
Đến nay, khi Nhà nước đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, 2 đường hầm dài 245m được đào, xây dựng với tổng 6 làn xe chạy.
Tiến độ toàn dự án được đảm bảo dù thi công trong mùa dịch
Toàn cảnh thi công hầm xuyên đèo Tam Điệp. Xử lý ảnh: Nguyễn Dung
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận