Đô thị

Chùm ảnh: Quy trình lát đá tự nhiên khiến Hà Nội "hễ mưa là ngập nặng"

18/05/2021, 18:59
image

Trước khi lát đá tự nhiên, đơn vị thi công đổ lớp bê tông dày, điều này làm triệt tiêu khả năng thấm nước, khiến Hà Nội ngập nặng hơn...

img

Từ đầu tháng 3/2021 đến nay, Hà Nội chỉ có 4 trận mưa với cường độ không lớn, chỉ từ 10 đến 100mm nhưng có đến 2 trận mưa khiến hàng loạt các tuyến đường bị ngập nặng, phương tiện phải "bơi" trên đường. Nguyên nhân chính được nhiều chuyên gia chỉ ra là Hà Nội chỉnh trang đô thị không khoa học, dùng đá tự nhiên lát vỉa hè tại hơn 900 tuyến phố, từ đó làm triệt tiêu khả năng thấm nước…

img

Những tuyến đường lát đá tự nhiên thường xuyên bị ngập nặng. Trong ảnh là đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân) là một trong những tuyến đường đầu tiên Hà Nội lát đá tự nhiên, song "hễ mưa là ngập nặng".

img

Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư TP Hà Nội thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân lớn nhất khiến Hà Nội "hễ mưa là ngập nặng" là do thành phố thực hiện chương trình chỉnh trang đô thị, với việc dùng đá tự nhiên lát vỉa hè. Loại đá này không có khả năng thấm nước như nhiều loại gạch trước đó Hà Nội đã sử dụng. Tuy nhiên, những ngày gần đây, ghi nhận của PV Báo Giao thông, trên nhiều tuyến đường, Hà Nội vẫn tiếp tục thi công lát vỉa hè bằng đá tự nhiên, nhiều nhất là các quận Ba Đình,Thanh Xuân.

img

Ghi nhận của PV, trước khi lát đá, đơn vị thi công đổ một lớp bê tông dày, sau đó mới lát đá lên trên. Điều này vô tình bịt kín, không cho nước mưa thấm xuống đất. Anh Nguyễn Văn Tuấn, một công nhân đang thi công ở đoạn đường Nguyễn Chí Thanh (Ba Đình) chia sẻ: “Để cốt vỉa hè không bị cập kênh, hạn chế tối đa tình trạng đá bị vỡ, chúng tôi được giao thực hiện phủ thêm lớp bê tông dày khoảng 8cm”.

img

Sau khi phủ lớp bê tông khoảng 8cm, công nhân tiếp tục dùng lớp bê tông xi măng để độn và ghép các miếng đá tự nhiên với nhau. GS. Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, việc này khiến nước mưa không còn đường thoát.

img

Quy trình thi công lát đá vỉa hè tương tự cũng được thực hiện tại ngã ba Lê Văn Lương - Lê Văn Thiêm. Công nhân sau khi đổ lớp bê tông, chờ cho khô mới lát những viên đá có diện tích mỏng hơn khoảng 4cm lên phía trên.

img

Đá tự nhiên được tập kết để đơn vị thi công thực hiện lát thay thế lớp gạch trước đó. PGS. TS cao cấp Nguyễn Thị Thu Thủy (Giảng viên Trường Đại học GTVT) - người có kinh nghiệm 30 năm nghiên cứu lĩnh vực giao thông bức xúc: "Tôi nhiều lần đi xem việc lát đá vỉa hè và nhận thấy việc đổ lớp bê tông dày như vậy sẽ cản trở nước mưa tiếp cận để thấm xuống lòng đất. Từ nhà, lòng đường và nay vỉa hè cũng được bê tông hết, nước mưa thoát đi đâu?"

img

Theo một lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội, hơn 900 tuyến đường tại 12 quận nội thành, vỉa hè đã và đang được thay thế từ gạch truyền thống sang đá tự nhiên. Kinh phí dự kiến lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

img

Vỉa hè trên đường Nguyễn Chí Thanh đoạn gần ngã ba Nguyễn Chí Thanh - Nguyễn Công Hoan cũng đang được lát đá tự nhiên.

img

Trong khi đó, ghi nhận của PV, rất nhiều vỉa hè trên địa bàn Hà Nội đang có dấu hiệu xuống cấp chỉ sau vài năm năm lát đá tự nhiên được giới thiệu có tuổi thọ 70 năm. KTS Trần Huy Ánh bày tỏ rất bức xúc khi nhiều chuyên gia, người dân đã lên tiếng về những bất cập, thậm chí cả sai phạm liên quan đến các dự án lát đá tự nhiên, nhưng Hà Nội vẫn phớt lờ và vẫn cho làm đồng loạt. Giờ không thể đào lên để thay thế bằng các loại vật liệu khác vì sẽ gây lãng phí cả nghìn tỷ. Hà Nội phải quy rõ trách nhiệm cả người đề xuất và quyết định thực hiện cải tạo vỉa hè bằng đá tự nhiên gây lãng phí và khiến Hà Nội ngập nặng hơn.

Clip công nhân thi công lát đá tự nhiên trên đường Nguyễn Chí Thanh:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.