Đô thị

Phản cảm ô tô leo vỉa hè thoát ùn tắc

01/11/2020, 06:33

Người phụ nữ bất ngờ đánh lái với ý định cho xe đi trên vỉa hè để thoát cảnh ùn tắc bị một bảo vệ trường học ngăn cản quyết liệt...

img
Xe Mazda CX-5 màu trắng ngang nhiên “trèo” lên vỉa hè để thoát tắc trên đường Tố Hữu. (Ảnh cắt từ clip)

Ngày 28/10, một clip ngắn quay lại cảnh người phụ nữ điều khiển chiếc xe 4 chỗ màu trắng bị ngăn cản khi cho xe “trèo” lên vỉa hè trên tuyến đường Hồ Tùng Mậu (Hà Nội) gây chú ý nhiều diễn đàn mạng xã hội.

Theo hình ảnh ghi lại, quá trình di chuyển trên đường Hồ Tùng Mậu, đoạn qua cổng trường liên cấp quốc tế Newton, do dòng phương tiện phủ kín mặt đường, gây ùn tắc kéo dài, người phụ nữ trên bất ngờ đánh lái với ý định cho xe đi trên vỉa hè để thoát cảnh ùn tắc.

Tuy nhiên, hành động này bị một bảo vệ trường học ngăn cản quyết liệt, bất chấp người phụ nữ hạ kính xe nói lớn: “Bây giờ em muộn giờ rồi, cụ để cho em đi nốt lần này!”.

Chứng kiến đoạn clip, nhiều cư dân mạng lên án gay gắt kiểu lưu thông bất chấp của người phụ nữ và dành vô số lời tán dương cho người bảo vệ.

Trước đó, 7h30 sáng ngày 27/10, đường Tố Hữu (hướng Lê Văn Lương, Hà Nội) ùn tắc nghiêm trọng, các phương tiện gần như phải nối đuôi nhau nhích từng mét. Giữa lúc đó, tài xế xe ô tô 5 chỗ BKS 29LD-059.85 ngang nhiên điều khiển cho một nửa xe dưới lòng đường, một nửa trên vỉa hè để vượt lên trên, chắn toàn bộ phần đường ít ỏi những ô tô khác chừa ra cho người đi xe máy.

Hành động thiếu ý thức này nhanh chóng vấp phải sự bất bình của những người cùng đi trên cung đường và sự lên án của cộng đồng mạng với những lời lẽ gay gắt: “Mất tiền mua ô tô nhưng không mua được ý thức”…

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ ATGT (Bộ GTVT) cho rằng, những hành động trên vừa thể hiện văn hóa giao thông kém cỏi, vừa là minh chứng cho sự ích kỷ của các tài xế.

Theo ông Thạch, nhằm tạo sự răn đe, Nghị định 100/2019 đã tăng nặng mức xử phạt hành vi tài xế điều khiển xe đi trên hè phố (trừ trường hợp điều khiển xe đi qua hè phố để vào nhà) với mức phạt từ 3 - 5 triệu đồng (trước đây chỉ phạt từ 800.000 - 1.200.000 đồng).

“Thời gian tới, lực lượng chức năng cần bố trí các tổ chốt trực cả trong giờ cao điểm; đồng thời, theo dõi sát sao những phản ánh của người dân trên các diễn đàn, mạng xã hội, kết hợp cả xử phạt “nguội” và xử phạt tại chỗ để chấn chỉnh lại ý thức tham gia giao thông của lái xe ô tô. Nếu những vi phạm này không được xử nghiêm, các tuyến đường đô thị dù có rộng đến cỡ nào cũng không thể hết tắc”, ông Thạch nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.