Trong trường hợp cơ sở thuộc diện phải mua BHCNBB mà không mua, sẽ bị phạt tiền từ 30 - 50 triệu đồng đối với cá nhân và từ 60 - 100 triệu đồng đối với tổ chức. Hình minh họa |
Ngày 5/4, ông Nguyễn Quang Huyền, Phó cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết: Nghị định số 23/2018/NĐ-CP quy định về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc (BHCNBB) sẽ có hiệu lực chính thức từ ngày 15/4.
Theo đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhà chung cư cao từ 5 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 5.000m3 trở lên và doanh nghiệp bảo hiểm phải thực hiện BHCNBB theo điều kiện, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu quy định tại nghị định này. Trong trường hợp cơ sở thuộc diện phải mua BHCNBB mà không mua, sẽ bị phạt tiền từ 30 - 50 triệu đồng đối với cá nhân và từ 60 - 100 triệu đồng đối với tổ chức.
“Ngoài việc tham gia BHCNBB theo điều kiện, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu quy định tại Nghị định 23, cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhà chung cư và doanh nghiệp bảo hiểm có thể thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm về mở rộng điều kiện bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tăng thêm và mức phí bảo hiểm bổ sung tương ứng”, ông Huyền nói.
Đối với doanh nghiệp bảo hiểm, trong trường hợp từ chối bán BHCNBB cho cá nhân, tổ chức (trừ trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm được từ chối bán BHCNBB theo quy định tại Khoản 3, Điều 3, Nghị định số 23/2018/NĐ-CP) sẽ bị phạt tiền từ 40 - 50 triệu đồng.
Thống kê của Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an), hiện nay, trên toàn quốc có 43.693 cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ đã tham gia bảo hiểm (chiếm 56% tổng số cơ sở thuộc diện phải mua BHCNBB).
Theo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, thời gian qua, nhiều vụ cháy nổ của các tổ chức tham gia bảo hiểm được các doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường nhanh chóng, kịp thời, điển hình như: Vụ cháy ở Công ty Meiko Electrics Việt Nam tại Hà Nội năm 2012 đã bồi thường khoảng 520 tỷ đồng; các tổn thất xảy ra ngày 13-14/5/2014 do một số đối tượng gây rối tại Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh được bồi thường 1.080,5 tỷ đồng; vụ cháy ở Công ty THACO Trường Hải tại Quảng Nam năm 2016 đã bồi thường khoảng 340 tỷ đồng; vụ cháy ở Công ty Kwong Lung Meko đầu năm 2017 tại Cần Thơ bồi thường khoảng 396 tỷ đồng...
Trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện Bảo hiểm PVI cho biết, sở dĩ sản phẩm bảo hiểm cháy nổ chung cư vẫn chưa được khách hàng cá nhân và chủ đầu tư quan tâm, bởi một phần do tâm lý cho rằng tỷ lệ xảy ra rủi ro là rất thấp, phần khác cũng do chưa thực sự hiểu hết sản phẩm. “Thực tế, sản phẩm bảo hiểm cháy nổ không quá phức tạp. Thị trường hiện có hai loại hình bảo hiểm liên quan đến rủi ro cháy, nổ cho tài sản nói chung và cho các tòa nhà chung cư nói riêng đó là: BHCNBB và Bảo hiểm tự nguyện (gồm có Bảo hiểm cháy và các rủi ro đặc biệt, Bảo hiểm mọi rủi ro tài sản). Trong đó, đối với BHCNBB, mọi doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam được phép triển khai đều phải tuân thủ đúng quy tắc bảo hiểm, biểu phí… theo các quy định của pháp luật. Riêng đối với sản phẩm Bảo hiểm cháy, nổ tự nguyện và Bảo hiểm mọi rủi ro tài sản, các điều kiện điều khoản bảo hiểm của mỗi doanh nghiệp có thể có sự khác biệt do phụ thuộc vào năng lực thu xếp tái bảo hiểm của các doanh nghiệp bảo hiểm”, đại diện Bảo hiểm PVI cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận