Doanh thu, lợi nhuận đi lùi
Kết thúc 6 tháng đầu năm 2024, tổng tài sản toàn ngành bảo hiểm nhân thọ ước đạt 819.560 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Tổng số tiền đầu tư ước đạt 721.284 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023; tổng nguồn vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 159.889 tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2023; tổng dự phòng nghiệp vụ ước đạt 600.110 tỷ đồng, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Nửa đầu năm nay, Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam, một trong những tên tuổi lớn trong ngành, đã ghi nhận doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm chỉ đạt 10.968 tỷ đồng, giảm 13,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận giảm sâu 31,8%, chỉ còn 916 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là do chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm của Prudential tăng cao, gây áp lực lớn lên lợi nhuận.
Tương tự, Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam, thuộc Tập đoàn đầu tư Pacific Century Group, chỉ đạt gần 2.000 tỷ đồng doanh thu thuần từ kinh doanh bảo hiểm, giảm gần 23% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi trừ đi hàng loạt chi phí như chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí chi trả bồi thường, và dự phòng, FWD Việt Nam phải chịu lỗ hơn 340 tỷ đồng ở mảng kinh doanh chính. Tuy nhiên, nhờ có khoản thu 430 tỷ đồng từ hoạt động tài chính, công ty đã có thể báo lãi sau thuế 290 tỷ đồng, dù con số này vẫn giảm mạnh 70% so với cùng kỳ năm trước.
Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Sun Life cũng không thoát khỏi xu hướng tiêu cực. Doanh thu từ mảng kinh doanh chính của Sun Life giảm 25%, chỉ còn gần 1.700 tỷ đồng, và sau khi trừ đi các chi phí, công ty đã phải ghi nhận khoản lỗ sau thuế hơn 360 tỷ đồng.
Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ AIA Việt Nam cũng ghi nhận doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm giảm 10%, tương đương khoảng 700 tỷ đồng, chỉ còn hơn 6.859 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của công ty giảm 70%, chỉ đạt hơn 281 tỷ đồng, so với con số 886 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Ngay cả "ông lớn" Manulife Việt Nam, một trong những công ty bảo hiểm nhân thọ lớn nhất trên thị trường, cũng không thể tránh khỏi sự suy giảm. Lợi nhuận sau thuế của Manulife giảm hơn 13%, chỉ còn hơn 1.699 tỷ đồng.
Đáng chú ý, doanh thu thuần từ mảng kinh doanh bảo hiểm của Manulife trong nửa đầu năm 2024 cũng chỉ đạt hơn 8.400 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy rằng ngay cả những công ty có quy mô lớn và vị thế vững chắc cũng phải đối mặt với áp lực lớn từ thị trường và chi phí tăng cao.
"Cứu cánh" từ chứng khoán, trái phiếu
Mặc dù doanh thu từ mảng kinh doanh bảo hiểm suy giảm, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam vẫn ghi nhận những khoản thu đáng kể từ hoạt động đầu tư tài chính, đặc biệt là trong lĩnh vực chứng khoán và trái phiếu.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Prudential đã thu về gần 2.600 tỷ đồng từ lãi trái phiếu. Bên cạnh đó, lãi tiền gửi ngân hàng cũng mang lại cho công ty 1.337 tỷ đồng, trong khi doanh thu từ việc bán chứng khoán đầu tư đạt 719 tỷ đồng. Đặc biệt, lãi từ việc đánh giá lại các khoản đầu tư của quỹ liên kết đơn vị đã đóng góp hơn 1.600 tỷ đồng vào lợi nhuận của Prudential.
Chiến lược đầu tư này được thể hiện rõ ràng qua con số gần 35.000 tỷ đồng mà Prudential đã đầu tư vào các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn tính đến ngày 30/6/2024. Trong đó, 17.338 tỷ đồng được đầu tư vào chứng khoán, tăng 2.422 tỷ đồng so với đầu năm.
Ngoài ra, Prudential còn mang 122.259 tỷ đồng đầu tư vào tài chính dài hạn, tăng hơn 4.700 tỷ đồng so với đầu năm. Phần lớn trong số này được đầu tư vào trái phiếu Chính phủ (66.453 tỷ đồng) và trái phiếu doanh nghiệp (gần 17.700 tỷ đồng, tăng 500 tỷ đồng so với đầu năm), trong đó hơn 17.500 tỷ đồng đến từ quỹ liên kết đơn vị.
Tương tự, Manulife Việt Nam, tính đến ngày 30/6/2024 đã dành hơn 38.250 tỷ đồng cho các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn, tăng hơn 8.700 tỷ đồng so với đầu năm.
Trong đó, hơn 24.200 tỷ đồng là tiền gửi ngắn hạn. Đặc biệt, Manulife đã đầu tư 10.400 tỷ đồng vào cổ phiếu.
Ngoài ra, Manulife còn đầu tư 1.352 tỷ đồng vào trái phiếu doanh nghiệp ngắn hạn. Tổng giá trị các khoản đầu tư tài chính dài hạn của Manulife đạt hơn 68.171 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 600 tỷ đồng so với đầu kỳ.
Không chỉ vậy, công ty còn dùng 10.328 tỷ đồng đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp và gần 57.300 tỷ đồng đầu tư vào trái phiếu Chính phủ và trái phiếu chính quyền địa phương. Phần còn lại được dành cho các khoản tiền gửi ngân hàng dài hạn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận