Kinh tế

Chúng ta không còn sự lựa chọn nào khác ngoài kinh tế xanh

10/04/2024, 18:47

Theo Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, thế giới đang đứng trước thách thức phải chuyển đổi, mà trong đó kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là xu thế tất yếu không thể đảo ngược.

Kinh tế xanh là xu thế không thể đảo ngược 

Phát biểu tại Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2024 và Lễ vinh danh các doanh nghiệp FDI tiêu biểu năm 2023 nhận Giải thưởng Rồng Vàng do Bộ Ngoại giao, Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy và UBND thành phố Hải Phòng phối hợp tổ chức chiều 10/4, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao Ban Tổ chức trong việc lựa chọn chủ đề hướng tới kinh tế xanh, bền vững cho diễn đàn hôm nay.

Nhìn lại những giai đoạn phát triển vừa qua, Phó Thủ tướng nhận định thế giới đã ở trong giai đoạn đứng trước thách thức lớn về sự chuyển đổi. Sau hàng trăm năm phát triển dựa vào tài nguyên thiên nhiên, thế giới đang đối mặt với vấn đề biến đổi khí hậu. Để giải quyết thách thức này thì không một nước phát triển, hay đang phát triển có thể giải quyết riêng lẻ mà đòi hỏi sự chung tay để giải quyết trên toàn cầu.

Chúng ta không còn sự lựa chọn nào khác ngoài kinh tế xanh- Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại Diễn đàn.

Từ phía Việt Nam, Phó Thủ tướng cho biết Việt Nam đã tham gia từ sớm các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu. Tại các Nghị quyết của Đảng, Việt Nam cũng đã xác định lựa chọn phát triển mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Tại COP26, Việt Nam đã ký cam kết Net-Zero vào năm 2050, một mục tiêu hết sức thách thức cả với nhiều nước phát triển. Triển khai các mục tiêu này, Việt Nam đã có các chiến lược về tăng trưởng xanh, chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường... Bên cạnh đó, môi trường pháp lý về chuyển đổi xanh, phát triển năng lượng tái tạo cũng đang được khẩn trương hoàn thiện.

“Chúng ta không còn sự lựa chọn nào khác, kinh tế xanh là con đường chắc chắn phải chọn”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Phó Thủ tướng khẳng định, trong chặng đường phát triển kinh tế xanh, Chính phủ cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp, lắng nghe các tiếng nói của doanh nghiệp để từ đó có các giải pháp, chính sách hỗ trợ cần thiết ở phạm vi trong nước cũng như thể hiện tiếng nói trên toàn cầu.

“Cùng nhau, tư nhân kết nối với Chính phủ, với đối tác quốc tế, các địa phương, tổ chức tài chính…, chúng ta sẽ tìm ra giải pháp, vấn đề là ngồi lại với nhau để tìm ra cơ chế hợp tác hữu hiệu”, Phó Thủ tướng nói và cho biết, Việt Nam đã có khung pháp lý căn bản và Chính phủ cam kết sẽ tiếp tục hoàn thiện, thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế xanh, trong đó có lĩnh vực năng lượng tái tạo…

Khơi thông dòng vốn tín dụng xanh 

Theo ông LIM Dyi Chang, Giám đốc Cấp cao Khối Khách hàng doanh nghiệp - Ngân hàng UOB Việt Nam, tài chính xanh sẽ góp phần là chất xúc tác cho tương lai bền vững của Việt Nam.

“Trọng tâm của tài chính xanh là các tổ chức thúc đẩy dòng vốn - ngân hàng. Bằng cách khuyến khích đầu tư xanh và tích hợp đánh giá rủi ro môi trường vào hoạt động cho vay, các ngân hàng đóng vai trò then chốt trong việc chuyển nguồn vốn cho các dự án bền vững”, ông LIM Dyi Chang cho biết.

Chúng ta không còn sự lựa chọn nào khác ngoài kinh tế xanh- Ảnh 2.

Mục tiêu Diễn đàn nhằm nâng cao hiệu quả kết nối, tăng cường cơ hội hợp tác đầu tư, thương mại giữa các địa phương, đối tác quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp.

Theo Giám đốc Cấp cao Khối Khách hàng doanh nghiệp - Ngân hàng UOB Việt Nam, UOB cam kết sẽ đạt mức phát thải ròng bằng 0 trong toàn bộ hoạt động kinh doanh vào năm 2050 và tính đến cuối năm 2023, danh mục tài chính xanh của UOB đã đạt quy mô 44,5 tỷ đô la Singapore.

“Về mặt khử cacbon trong danh mục cho vay, chúng tôi đang đạt được những kết quả tích cực, trong đó cường độ phát thải thấp hơn 7-14% so với lộ trình tham chiếu mục tiêu trên 6 lĩnh vực sử dụng nhiều carbon chính, đóng góp gần 60% trong toàn bộ danh mục cho vay”, lãnh đạo UOB chia sẻ.

Theo ông LIM Dyi Chang, UOB Việt Nam đang tích cực triển khai các hoạt động tín dụng được thiết kế đặc biệt để hỗ trợ các dự án quốc gia của Việt Nam như: Kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch và phát triển thị trường carbon.

Theo đánh giá gần đây của Ủy ban châu Âu (EC) về quy mô thị trường toàn cầu hiện nay cho thấy, các sản phẩm và dịch vụ xanh ước tính đạt trên 5.000 tỷ USD và có thể tốc độ tăng trưởng cao hơn nhiều so với các thị trường truyền thống. Dự báo đến năm 2030, nền kinh tế xanh sẽ tạo ra khoảng 24 triệu việc làm mới trên toàn cầu.

Kinh tế xanh còn tạo ra cơ hội để thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư vào nhiều lĩnh vực mới như: Năng lượng tái tạo, giao thông thông minh, nông nghiệp thông minh, đô thị xanh, công trình xanh, tài chính xanh.

Theo đó, việc nắm bắt xu hướng chuyển đổi xanh, thúc đẩy chuyển đổi xanh nhằm tạo không gian mới, động lực mới, năng lực cạnh tranh mới cho doanh nghiệp, cho các ngành, lĩnh vực kinh tế có ý nghĩa cấp thiết và sống còn. Trên bình diện quốc gia, chiến lược về tăng trưởng xanh còn thể hiện quyết tâm và khát vọng phát triển đất nước hùng cường thịnh vượng và bền vững.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.