Hướng dẫn phương tiện thủy qua cầu Đuống |
“Nhất cầu Đuống, nhì Long Biên, thứ ba cầu Bình” là câu truyền khẩu của dân chạy tàu phía Bắc khi nói về mức độ khó khăn của các luồng tàu qua cầu vượt sông. Cầu Đuống được coi là nơi có luồng tàu phức tạp nhất khu vực phía Bắc, với dòng chảy 3x (xiên - xiết - xoáy), rất nguy hiểm cho tàu thuyền qua lại.
Đội giải cứu gác "thác nước ngầm"
Mỗi khi có phương tiện đi gần nhau để chuẩn bị qua cầu Đuống và đi về sông Hồng, chiếc ca nô nhỏ của đội điều tiết đường thủy (thuộc Công ty CP Quản lý đường sông số 6) lại rời mạn tàu mẹ đậu, chạy ngược xuôi để phát loa thông báo, ra cờ hiệu hướng dẫn phương tiện từ phía hạ lưu không đi song song hoặc quá gần nhau.
“Đội điều tiết giao thông cầu Đuống (Hà Nội) thông báo, để đảm bảo an toàn trong mùa lũ, các thuyền trưởng cần tự giác chấp hành báo hiệu. Đề nghị thuyền trưởng tàu NB – 7548 giữ khoảng cách với tàu phía trước. Tàu HD - 6376 không vượt tàu NB- 7548, các tàu chỉ đi theo hàng một khi qua cầu…” - Những tiếng loa vang liên tục khiến kíp thuyền viên trên tàu chú ý hơn, những tàu đi sau giảm tốc và tuần tự lưu thông hàng một qua cầu.
Ở phía bên kia cầu, phía thượng lưu để đi ngã ba Cửa Dâu và rẽ sang sông Hồng, một chốt khác gồm tàu 250CV, một chiếc tàu nữa nhỏ hơn, xuồng máy và lực lượng của Công ty CP Quản lý đường sông số 6 cũng thường trực tại đây nhưng nhiệm vụ chính là giải cứu các tàu thuyền mất lái, nguy cơ đâm va vào trụ cầu Đuống.
"Công ty CP Quản lý đường sông số 6 thực hiện quản lý bảo trì 120km sông Hồng, 20 km sông Đuống qua địa bàn Thủ đô, trong đó có 10 cầu vượt sông trọng điểm như cầu: Đuống, Long Biên, Thăng Long, Chương Dương, Thanh Trì, Nhật Tân... Trong nhiều năm qua, đơn vị luôn cố gắng ở mức cao nhất và không để xảy ra sự cố mất an toàn cầu vượt sông nào do phương tiện thủy gây ra”. Ông Cao Văn Định |
Ngay mũi tàu có đống dây chão to cỡ cổ tay, cùng đủ loại thiết bị chuyên dụng cho công tác cứu hộ như: Các loại dây, rìu chặt dây, ống nhòm, phao cứu sinh, bình cứu hỏa…
Trong kíp trực trên tàu luôn có người làm nhiệm vụ quan sát phương tiện lưu thông, không để lọt phương tiện gặp sự cố. Họ cho biết, trung bình mỗi ngày đêm có 300 - 400 tàu qua lại, các sự cố cần ứng cứu khi phương tiện mất lái, sức máy không thắng được dòng nước ngược không phải là hiếm. Khi phương tiện cần ứng cứu sẽ phát âm thanh, tín hiệu hoặc nhận được sự chủ động giúp đỡ từ đội chống va trôi.
Ông Phan Quốc Hùng, Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty CP Quản lý đường sông số 6 chia sẻ, dòng nước qua cầu Đuống vào mùa mưa lũ rất nguy hiểm, nhất là cho phương tiện đi từ hạ lưu lên thượng lưu, nên năm nào Bộ GTVT cũng huy động thiết bị, nhân lực, ứng phó sự cố thiên tai để đảm bảo an toàn cho tàu thuyền và cầu Đuống.
Đây cũng là cây cầu đi chung đường bộ, đường sắt và là tuyến cửa ngõ của Hà Nội. Năm nay, lực lượng của đơn vị được huy động thực hiện nhiệm vụ từ 15/6 - 31/10.
“Các trụ cầu của cầu Đuống nằm xiên làm cho dòng chảy qua đây bị thắt nút cổ chai và trở nên quẩn, xoáy theo nhiều hướng và xiết mạnh. Mực nước giữa sát gầm cầu phía hạ lưu chênh nhau đến 40-50cm, biến nơi này tựa thác nước ngầm, gây nguy hiểm cho các tàu bị đuối máy, mất lái. Nói dễ hiểu là dòng chảy xiên - xiết - xoáy”, ông Hùng lý giải.
Người đàn ông dạn dày kinh nghiệm trị dòng xoáy cho biết thêm, mức độ nguy hiểm gia tăng khi nước sông dâng ngập bệ trụ cầu, thu hẹp chiều rộng, chiều cao khoang thông thuyền và dòng nước chảy xiết hơn.
Tay lái cứng "trực chiến" mùa lũ
Ông Bùi Quyết Thắng, Phó giám đốc kiêm Chủ tịch Công đoàn công ty tâm sự, cầu Đuống luôn được ngành đường thủy coi là trọng điểm trong công tác bảo đảm ATGT và kết cấu công trình cầu vượt sông trong mùa bão lũ. Sau những vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra trong những năm trước đây, anh em càng ý thức hơn, nỗ lực không để tai nạn cướp đi tàu, người.
“Việc bảo đảm an toàn cầu và phương tiện qua cầu Đuống có ý nghĩa quan trọng nên những người được giao "trực chiến" đều là thuyền, máy trưởng, công nhân có kinh nghiệm lâu năm, tay nghề cao”, ông Thắng nói và cho biết, Công đoàn công ty cũng xác định đây là công trình thi đua chào mừng 60 năm truyền thống ngành Đường thủy nội địa Việt Nam (11/8/1956 - 11/8/2016)”.
Kể về chuyện nghề, Chỉ huy trưởng trạm chống va trôi cầu Đuống Nguyễn Đức Hải, người chốt trực ở điểm nóng hai năm liền cho biết, hầu như tất cả tàu thường xuyên qua đây đều đã được cung cấp số điện thoại, phổ biến quy chế đi lại.
“Mùa lũ năm nay chưa có đợt nước nào dâng cao nên chưa phải ứng cứu khẩn cấp tàu, sà lan qua lại, nhưng trong hai mùa trước, năm nào cũng có những tình thế nguy hiểm ngàn cân treo sợi tóc”, ông Hải kể.
Ông Hải và mọi người vẫn nhớ mùa lũ năm 2014, nước sông ở mức báo động II. Khi phát hiện một tàu chở hàng có biểu hiện không ăn lái, tiến không tiến, lui cũng chẳng lui ngay trước cầu, lập tức tàu công tác được đưa đến. Người lái tàu, người quăng dây sang phương tiện gặp nạn, người khác dùng loa hướng dẫn thuyền viên cách xử lý để thoát nạn… Mất gần nửa giờ mới lai dắt được chiếc tàu bị đuối máy trên cập bờ an toàn.
Lần khác, đội chống va trôi phải huy động tàu công suất lớn đi dọc tuyến áp mạn để kéo chiếc tàu bị gãy bánh lái ra khỏi vùng nước xoáy trước cầu, tránh được thảm họa tàu va vào trụ cầu.
“Hai mùa lũ vừa qua và từ đầu mùa lũ năm 2016 đến nay, các phương tiện thủy qua đây đều được đảm bảo an toàn. Bám sông, bám tàu ngày đêm, nhiều khi ngủ nghỉ cũng trên sông nước, chúng tôi chỉ mong không có chuyến tàu nào gặp nạn, không anh em nào gặp hiểm nguy", ông Hải nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận