Cầu Đình Vũ - Cát Hải là cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam với yêu cầu kỹ thuật rất khắt khe.
Từ khi đưa vào sử dụng tới nay, hàng ngày, không kể nắng mưa, gió bão, những cán bộ, công nhân thầm lặng làm nhiệm vụ bảo vệ, bảo dưỡng, bảo đảm ATGT trên cây cầu đặc biệt này.
Công nhân kiểm tra mặt cầu Đình Vũ - Cát Hải
24/24h giờ ăn, nghỉ cùng công việc
Giữa cái nắng chang chang của những ngày cuối tháng 8/2021, những người công nhân Xí nghiệp Quản lý, bảo dưỡng thường xuyên dự án Tân Vũ - Lạch Huyện vẫn miệt mài với công việc của mình.
Đó là bảo vệ tuyến đường, bảo vệ cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam an toàn, sạch đẹp hơn.
Khuôn mặt sạm nắng, ông Phạm Quang Rực, Giám đốc Xí nghiệp Quản lý, bảo dưỡng thường xuyên dự án Tân Vũ - Lạch Huyện chia sẻ: “Từ lúc dịch bệnh bùng phát trở lại, đã mấy tháng nay, gần chục người chúng tôi chưa về nhà thăm gia đình, vợ con được. Tất cả đều ở tại xí nghiệp trên đảo Cát Hải và hết mình với công việc duy tu, bảo dưỡng tuyến đường cùng cây cầu Đình Vũ - Cát Hải”.
Theo ông Rực, cả xí nghiệp có gần 100 cán bộ, công nhân viên trong đó có gần 20 cán bộ kỹ thuật là người Hà Nội và các tỉnh, thành khác nhau, số còn lại khoảng 80 công nhân viên thực hiện nhiệm vụ duy tu, chủ yếu là người địa phương trên đảo Cát Hải và trong nội thành Hải Phòng.
“Tuy làm việc cùng nhau nhưng những công nhân ở Hải Phòng thì may mắn, thuận lợi hơn chúng tôi một chút bởi hàng ngày hết ca là họ được về với gia đình. Còn như tôi và các cán bộ kỹ thuật thì gần như 24/24h làm việc, ăn nghỉ ở tại đơn vị, hễ có việc là lên đường ngay. Xa nhà nhiều cũng thành quen, biết là vợ con thiệt thòi nhưng cái nghề nó là vậy, đã yêu và gắn bó với cái nghề cầu đường này thì biết làm sao”, ông Rực chia sẻ.
Theo ông Rực, công việc hàng ngày của đơn vị là duy trì công tác bảo dưỡng thường xuyên đường tuyến đường Tân Vũ - Lạch Huyện dài hơn 15,6km, trong đó riêng phần cầu Đình Vũ - Cát Hải khoảng 5,5km.
Các cán bộ công nhân ở đây phải trực 24/24h mỗi ngày, do đó xí nghiệp đã chia làm 3 ca, mỗi ca trực gồm 4 người, đảm bảo lực lượng sẵn sàng khi có sự cố xảy ra.
Bên cạnh đó, các tổ chuyên môn như Tổ tuần đường, Tổ tuần cầu (tuần tra trên cầu, dưới cầu), Tổ ứng cứu đảm bảo giao thông và gác cầu ứng cứu đảm bảo giao thông 24/24h.
Riêng Tổ sửa chữa xe, máy, thiết bị; Tổ điện; Tổ bảo dưỡng thường xuyên đường… có nhiệm vụ phối hợp nhằm đảm bảo an toàn, thông suốt, tiện nghi cho tuyến đường và cây cầu hiện đại này.
Cũng theo ông Rực, ngoài công việc chuyên môn, từ lúc dịch bùng phát đến nay, xí nghiệp còn phối hợp với lực lượng chức năng địa phương lập 3 chốt kiểm soát dịch Covid-19 trên tuyến đường Tân Vũ - Lạch Huyện, nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh cũng như đảm bảo lưu thông an toàn.
“Mọi công việc đều được thực hiện một cách trơn tru, các cán bộ không quản ngại thời gian, đảm bảo cho tuyến đường hoạt động an toàn, đồng thời cùng chung tay với chính quyền địa phương phòng chống dịch Covid-19”, ông Rực nói.
An toàn cầu, đường là trên hết
Cán bộ kỹ thuật xí nghiệp đo vận tốc gió, theo dõi thời tiết để các phương tiện lưu thông qua cầu an toàn
Theo vị giám đốc, cầu Đình Vũ - Cát Hải là cây cầu hiện đại với chiều dài vượt biển dài nhất Việt Nam nên công tác duy tu bảo dưỡng cũng như đảm bảo an toàn là hết sức quan trọng.
Hàng ngày, các kỹ sư, công nhân viên của Xí nghiệp thường xuyên kiểm tra các yếu tố kỹ thuật bên trong, bên ngoài cầu, từ trụ, mố… để phát hiện sớm những hư hỏng từ đó có biện pháp xử lý kịp thời.
“Là cây cầu được xây dựng ở vùng cửa biển quanh năm có mưa bão, cứ đến mùa mưa bão, trong quá trình đo tốc độ gió nếu phát hiện tốc độ gió 15m/s thì chúng tôi sẽ thông báo, tham mưu cho cơ quan chức năng cấm xe máy qua cầu; còn hơn 20m/s sẽ cấm tất cả phương tiện lưu thông. Đây có lẽ cũng là cây cầu đầu tiên của Việt Nam thực hiện việc đo đạc và cấm phương tiện khi phát hiện tốc độ gió, thời tiết nguy hiểm”, ông Rực nói.
Quan sát trên suốt đoạn đường Tân Vũ - Lạch Huyện, hệ thống cây cỏ trên dải phân cách cứng luôn được cắt tỉa, tuyến đường luôn sạch sẽ, đảm bảo cho các phương tiện lưu thông an toàn.
Bên phía đầu cầu thuộc địa bàn quận Hải An (Hải Phòng), đơn vị bố trí một số container loại 40 feet… ngoài việc để đựng một số dụng cụ thì đây cũng nơi tránh trú cho người đi đường mỗi khi gặp mưa to, gió lớn bất chợt.
Cán bộ kỹ thuật, công nhân kiểm tra kết cấu mố trụ cầu và bên ngoài hộp dầm
Theo một công nhân trực chốt hai bên cầu, toàn tuyến đường Tân Vũ - Lạch Huyện mỗi ngày có khoảng 7.000 phương tiện lưu thông, thời gian dịch bệnh thì có giảm, nhưng cũng khoảng 4.000 - 5.000 xe các loại.
Để đảm bảo ATGT, Tổ tuần đường, Tổ tuần cầu phải thường xuyên tuần tra nhằm sớm phát hiện sự cố.
“Nhiều lần trong khi làm nhiệm vụ, bắt gặp trường hợp các phương tiện bị hư hỏng ngay trên cầu, các tổ trên đã phối hợp với Tổ ứng cứu hỗ trợ sửa chữa, gọi cứu hộ… Đặc biệt, là khi phát hiện các vụ TNGT trên tuyến đường, lực lượng tuần tra nhanh chóng thông báo cho các lực lượng chức năng như Đội CSGT số 4, Đội CSGT-TT huyện Cát Hải đến hiện trường điều tra, xử lý cũng như điều tiết giao thông và đưa người bị nạn đi cấp cứu”, anh này cho biết .
Do đặc thù công tác quản lý, bảo dưỡng trên tuyến đường này có cả cầu, nên ngoài quản lý đường bộ, Xí nghiệp còn được giao quản lý đường biển. Trong đó có nhiệm vụ vô cùng vất vả, nguy hiểm là kiểm tra phần trụ cầu dưới biển sâu. Hàng tháng, những người thợ phải lặn xuống biển, kiểm tra hệ thống trụ cọc nhằm sớm phát hiện những dấu hiệu bất thường để có biện pháp xử lý.
Ngoài ra, hàng ngày ca nô của Xí nghiệp cũng tuần tra liên tục trên mặt biển để cánh báo, hướng dẫn tàu thuyền đi qua gầm cầu đúng luồng, bảo đảm an toàn cho cây cầu.
Ông Rực cho biết, cầu Đình Vũ - Cát Hải là cây cầu hiện đại với chiều dài vượt biển lớn nhất Việt Nam, kết nối TP Hải Phòng với đảo Cát Hải, nơi phát triển sôi động bậc nhất của thành phố Cảng với nhiều khu công nghiệp, bến cảng, du lịch.
Cây cầu cũng kết nối nhiều nhà máy, xí nghiệp thuộc loại lớn nhất miền Bắc như: Nhà máy sản xuất ô tô Vinfast, Cảng cửa ngõ Quốc tế Lạch Huyện, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cát Bà…
“Do vậy, chúng tôi thấy được ý nghĩa, tầm quan trọng của công việc duy tu bảo dưỡng cầu đường của mình. Đó cũng là động lực giúp những người làm nghề cầu đường vượt qua khó khăn, gian khổ để vững tâm với nghề và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, góp phần vào sự phát triển của ngành giao thông vận tải”, ông Rực chia sẻ.
Dự án đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện nối TP Hải Phòng với đảo Cát Hải (huyện Cát Hải) dài 15,6km trong đó cầu vượt biển Đình Vũ - Cát Hải dài 5,44km, bề mặt 16m, thiết kế 4 làn xe được khánh thành vào ngày 2/9/2017 sau 3 năm xây dựng. Dự án do Ban Quản lý dự án 2 - Bộ GTVT thực hiện với tổng mức đầu tư 8.187 tỷ đồng từ nguồn vốn vay ODA của Nhật Bản.
Sau khi được lựa chọn, Công ty CP Tư vấn đầu tư & Xây dựng công trình Bắc Nam đã thành lập Xí nghiệp Quản lý, bảo dưỡng thường xuyên dự án Tân Vũ - Lạch Huyện để quản lý, bảo trì tuyến đường cùng với cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận