“Em có mặt được tại đây là nhờ các bác sĩ”
Bất ngờ gặp lại Lê Thị Quyên, nữ tiếp viên hàng không đầu tiên của Việt Nam nhiễm Covid-19 tại Lễ tri ân bác sĩ tuyến đầu chống dịch, với nụ cười tươi rói trên môi, Quyên thông báo: “Em đã đi bay trở lại từ ngày 1/7. Cuối cùng thì cũng đã đến ngày em được trở lại bầu trời. Em đã luôn hy vọng, luôn tin tưởng là mình sẽ chiến thắng được virus Corona và em đã thực sự chiến thắng. Tất cả là nhờ ơn các bác sĩ. Cùng đó là bố mẹ em, người thân, bạn bề và cả lãnh đạo Tổng công ty, đồng nghiệp đã luôn ở bên cạnh, động viên giúp đỡ em".
Nữ tiếp viên cho biết đến nay cô đã phục vụ khai thác trên 2 chuyến bay. “Em vỡ òa vui sướng vì được đi làm trở lại sau 3 tháng điều trị khỏi bệnh, cảm giác đó có lẽ rất giống với cảm giác ngày đầu tới trường của các em học sinh sau thời gian cách ly xã hội. Một cảm giác khác cũng len lỏi trong tâm trí em là lo lắng đồng nghiệp, hành khách e ngại khi tiếp xúc với mình. Tuy nhiên, mọi thứ đều tan biến khi em bước lên máy bay làm việc, không có khoảng cách nào và mọi thứ đều ổn.
Cùng có mặt tại Lễ tri ân bác sĩ tuyến đầu chống dịch lần này còn có Nguyễn Thuỳ Dung - nữ tiếp viên thứ hai của Vietnam Airlines bị nhiễm Covid-19.
Dung cho biết: “Khi nhận nhiệm vụ lên đường sang Anh đưa người Việt về nước, em đã gửi lại con nhỏ cho ông bà, chấp nhận cả trường hợp bị nhiễm dịch bệnh với quyết tâm hoàn thành thật tốt chuyến bay, thực hiện sứ mệnh của hãng hàng không quốc gia”.
“Sau chuyến bay, em đã xin nghỉ phép ngay. Lo lắng những rủi ro dịch bệnh có thể xảy ra với con nhỏ nên em không về nhà mà ở lại Đoàn tiếp viên tại quận Long Biên - Hà Nội. Do đặc thù công việc nên em tính tới việc lưu trú lâu dài, em đã tìm được một khách sạn có giá cả vừa phải để thuê ở trong suốt đợt dịch và mang theo nhiều đồ dùng cá nhân, xe máy, giấy tờ tùy thân” - Dung cho biết.
Thu xếp xong chỗ ở, nữ tiếp viên cảm thấy có những dấu hiệu về sức khỏe nên đã chủ động gọi tới đường dây nóng về phòng chống dịch Covid-19 của Sở Y tế Hà Nội để thông tin, sau đó thực hiện nghiêm túc theo hướng dẫn của cơ quan y tế và tới Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương để làm các xét nghiệm dịch tễ theo quy định.
“Đã có rất nhiều thông tin trên mạng đưa sai lệch về em, trong đó đặc biệt có những người chỉ trích cho rằng em biết mình bị nhiễm Covid-19 nhưng giấu giếm, ý thức kém khi cố tình đi lại nhiều nơi gây nguy cơ lây nhiễm bệnh… Điều này là hoàn toàn không đúng và khiến em bị tổn thương nặng nề nhưng không ai hiểu cho mình.” - nữ tiếp viên chia sẻ.
Sau khi xác định bị nhiễm Covid-19, tiếp viên Nguyễn Thuỳ Dung bị cách ly và điều trị tận tâm bởi các bác sĩ tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. Tuy nhiên, ở bên ngoài, những thông tin chỉ trích cô vẫn đầy rẫy trên mạng xã hội, gia đình cô, người thân của cô cũng bị “phân biệt đối xử”.
“Mẹ em đi chợ nhưng bị từ chối bán hàng, họ nói rằng nhà có người bị nhiễm Covid-19 nên không bán cho. Những lúc như thế mẹ em đã rất khổ tâm và càng thương con gái đang bị nhiễm Covid và phải ở trong viện 1 mình để điều trị” - chị Dung cho biết.
Đáng nói, sau khi hoàn toàn khỏi bệnh, nữ tiếp viên trở lại khách sạn đã thuê trước khi phát hiện nhiễm bệnh để lấy đồ đạc của mình, nhưng chủ khách sạn không đồng ý trả và yêu cầu cô phải bồi thường, thậm chí khách sạn này còn tự ý giữ giấy tờ bay, hộ chiếu của tiếp viên Nguyễn Thuỳ Dung.
“Không có giấy tờ bay thì em không thể đi làm được, cuối cùng em đã phải đưa cho chủ khách sạn 15 triệu đồng thì họ mới chịu trả giấy tờ và hộ chiếu cho em” - nữ tiếp viên cho hay và nói đi làm trở lại từ đầu tháng 6.
Vỡ oà cảm xúc
Khi những bệnh như nhân như Quyên, như Dung dần khỏi bệnh, các y, bác sĩ tuyến đầu chống dịch mới bắt đầu có được những phút giây thư giãn. Từng khoảnh khắc thư thái, những tiếng cười đoàn viên, sự thảnh thơi quý giá tràn ngập trong kỳ nghỉ tri ân đặc biệt xứng đáng dành cho các y bác sĩ sau khoảng thời gian dài chiến đấu kiên cường, góp phần giúp Việt Nam kiểm soát đại dịch Covid-19.
Phát biểu tại Lễ tri ân bác sĩ tuyến đầu chống dịch Covid-19, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế không giấu nổi sự xúc động: Đây chỉ là một phần trong số hàng trăm, hàng nghìn y, bác sĩ, điều dưỡng cả nước trên tuyến đầu, những người đã không ngại hiểm nguy, dám đương đầu với cuộc chiến giữa hoà bình.
Trung Quốc đã có hơn 4.000 bác sĩ nhiễm bệnh, Giám đốc Bệnh viện Vũ Hán cũng đã hy sinh. Tại Việt Nam, ngành y tế đã hoàn thành nhiệm vụ được giao là không có bệnh nhân nào tử vong. Các bác sĩ không có ngày nghỉ nhưng đến nay đã 80 ngày trôi qua, không có bệnh nhân trong cộng đồng. Bệnh nhân nặng nhất là nam phi công người Anh hiện đã bình phục và sẽ về nước ngày 12/7 tới ”, ông Khuê tự hào.
Chia sẻ về một một quyết định mang tính lịch sử trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh nói: Thời điểm có hơn 10.000 người nhiễm ở Vũ Hán (Trung Quốc) và những ca bệnh đầu tiên xảy ra tại xã Sơn Lôi (H.Bình Xuyên, Vĩnh Phúc), ngành y tế đã quyết định để các bệnh viện tuyến huyện có thể tự điều trị cho các bệnh nhân không có diễn biến nặng, với sự hỗ trợ của các bệnh viện lớn như Bệnh viện Bạch Mai.
“Quyết định này đã giúp các bệnh viện tuyến huyện làm được những điều phi thường trong cuộc chiến chống Covid-19 thành công của Việt Nam”, ông Khuê tự hào.
Nhớ lại những ngày “giông bão”, bác sĩ Nguyễn Tuấn Minh, Giám đốc Trung tâm Y tế H.Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) không quên kỷ niệm “trực chiến” chờ trước cửa nhà người dân đến 10h đêm để thuyết phục.
“Thời điểm đó, rất nhiều người chưa hiểu hết về dịch bệnh, cộng thêm tâm lý lo sợ, thậm chí có phần kỳ thị nên khi thấy chúng tôi trong những bộ bảo hộ kín mít thì nhiều người không muốn tiếp. Chúng tôi phải tìm mọi cách, nhờ người quen thuyết phục, có trường hợp ngồi đợi đến 10 giờ người dân mới mở cửa gặp”, bác sĩ Minh kể lại và xúc động nói: Sau rất nhiều nỗ lực, nhiều đêm không ngủ, chúng tôi đã chiến thắng được con virus đó.
Cùng chung tâm trạng, Điều dưỡng trưởng Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư Doãn Thị Nguyệt chia sẻ: Các điều dưỡng phải chăm sóc bệnh nhân nặng 24/24 giờ, luôn đối mặt với nguy cơ lây nhiễm. Có người ải xa gia đình và người thân vài tuần đến vài tháng.
“Thời điểm bệnh nhân nhiều, tất cả chúng tôi không ai nghĩ tới ngày nghỉ. Có người thậm chí còn ở bệnh viện 3 tháng. Giờ đây, được ngồi đây như thế này, tôi thực sự cảm thấy hạnh phúc. Chúng tôi đã chiến đấu và đã chiến thắng. Đó là điều quý giá nhất”, chị Nguyệt chia sẻ.
Tại lễ tri ân, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và Công đoàn Y tế Việt Nam đã công bố quyết định và trao tặng bằng khen cho 63 tập thể và 149 cá nhân có thành tích tiêu biểu trong phòng chống dịch Covid-19 của toàn ngành y tế.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận