Ở tuổi ngoài 70, nữ phát thanh viên lừng lẫy một thời vẫn say mê với công việc thuyết minh và truyền nghề cho thế hệ trẻ. Trong căn phòng dạy học của mình tại Mỹ Đình (Hà Nội), nghệ sĩ Kim Tiến say mê trò chuyện về những năm tháng làm nghề và trăn trở của mình về nghề báo.
Cả đời phấn đấu vì sự nghiệp
Trong ký ức nhiều người, thập niên 90 là thời kỳ kinh tế mới bắt đầu phát triển nhưng còn nhiều khó khăn. Thời điểm ấy, nhà nào có chiếc tivi đen trắng là oai lắm. Kinh tế mới, truyền hình cũng bắt đầu phát triển với nhiều chương trình hơn nhưng khi đó, chẳng nhà nào bỏ qua chương trình Thời sự 19h với những tin tức nóng hổi. “Giữ sóng” thời sự khi ấy đều là những tên tuổi phát thanh viên như: Minh Trí, Thanh Hùng và nghệ sĩ Kim Tiến.
Thuở ấy, Kim Tiến đã là cái tên nổi tiếng của Đài Truyền hình Việt Nam. Giọng đọc của bà gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ với chương trình thời sự, cùng hàng loạt bộ phim tài liệu, phim truyền hình. Ít ai biết, để có được chỗ đứng vững chắc trong đài và trong lòng khán giả là cả một quá trình phấn đấu nỗ lực không mệt mỏi của người phụ nữ Hà Thành.
Thuộc thế hệ đầu của đài truyền hình, vào đã khó, thực hành còn khó gấp trăm, gấp vạn lần. Bởi không có ai để “tầm sư học đạo”, Kim Tiến cùng các phát thanh viên thời kỳ đó như: Minh Trí, Hồng Trang, Bích Ngọc, Mạnh Tường… phải tự tìm tòi, nghiên cứu những cách đọc sao cho ở mỗi thể loại chương trình sẽ có những cách đọc khác nhau, từ đọc tin thời sự tới thuyết minh phim truyện, đọc lời bình phim tài liệu.
Cái khó của người phát thanh viên như bà thời ấy là phải dẫn chương trình trực tiếp, thuyết minh cũng phải trực tiếp. Suốt 10 năm đầu, đài truyền hình chỉ có máy quay phim “ngựa trời” (máy quay phim của kỹ sư đài tự lắp) chứ không có máy ghi hình như hiện nay. Thế nên, khi làm việc không được phép có bất cứ sai sót nào dù là nhỏ nhất. “Lỡ có sai sót gì là lên thẳng sóng luôn. Đội múa đang múa mà ngã là cũng lên luôn”, nữ nghệ sĩ nhớ lại.
Để làm được điều ấy, bà phải ngày đêm nghiên cứu, tập luyện từng cách phát âm, cách đọc mỗi loại văn bản. Thời ấy, bà cùng các đồng nghiệp chỉ cố gắng làm việc với tâm thế hoàn thành tốt công việc của mình. Thời gian đầu chưa có kỹ thuật nên giọng đọc bị yếu, cột hơi ngắn, bà phải học cách lấy hơi và giữ hơi của thanh nhạc. Sau này, bà hiểu ra phải có thể lực tốt mới có thể đáp ứng khối lượng công việc “khổng lồ”. Thế là, bà chăm chỉ tập thể dục, rèn luyện sức khỏe để giọng đọc khỏe hơn. Hiện tại, dù đã ngoài 70 tuổi, bà vẫn dành thời gian rèn luyện sức khỏe.
Hỏi nghệ sĩ Kim Tiến, phải phấn đấu mất bao lâu để bà có được thành công trong sự nghiệp, bà không suy nghĩ nhiều mà trả lời ngay: “Cả cuộc đời”. Có thể nói, vì đặt yêu cầu cao trong công việc nên suốt sự nghiệp của mình, rất hiếm khi bà để xảy ra sai sót. Vừa làm, vừa nghiên cứu, bà hiểu phải có hai yếu tố quan trọng trong khi đọc: Kỹ thuật và tình yêu của mình với người nghe. Cứ thế theo thời gian, giọng đọc có hồn và đi sâu vào lòng người khiến bà trở thành “Kim Tiến - giọng đọc huyền thoại” trong chương trình tin tức của Đài Truyền hình Việt Nam.
Không chỉ đảm nhận vai trò dẫn chương trình Thời sự, Kim Tiến còn là thuyết minh cho nhiều bộ phim truyền hình, trong đó có Tây Du Ký (1986) để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng các thế hệ khán giả. Đây cũng là bộ phim mà bà tâm đắc nhất trong sự nghiệp thuyết minh phim truyện của mình, bởi nam nghệ sĩ Lục Tiểu Linh Đồng chính là người bà ngưỡng mộ nhất. Màn hóa thân xuất sắc thành Tôn Ngộ Không của Lục Tiểu Linh Đồng là cảm hứng cho bà mỗi lần ngồi vào phòng thuyết minh, nhân vật ông đóng khiến bà không thể rời mắt.
Cũng vì thế, cuộc gặp mà bà mãn nguyện nhất cho tới nay chính là cuộc gặp gỡ với Lục Tiểu Linh Đồng vào năm 2010, khi ông có chuyến công tác sang Việt Nam.
Nhà báo, nghệ sĩ tâm huyết
Năm 1993, Kim Tiến được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT. Trong cuộc trò chuyện cùng người viết, mỗi khi nhắc tới danh xưng “giọng đọc huyền thoại” mà khán giả ưu ái dành tặng, cựu phát thanh viên lại bật cười. Bà bảo: “Có lẽ mọi người yêu quý quá nên mới đặt cho danh xưng này, chứ mình thấy nó hơi quá cao”. Bà tự nhận, giọng của mình không hay đến mức “huyền thoại”, chắc mọi người đang khen cách thể hiện truyền được cảm xúc và khiến người nghe dễ rung động.
Dù đã nghỉ hưu, cựu phát thanh viên Kim Tiến vẫn hàng ngày giảng dạy, đào tạo cho những thế hệ MC thời sự. Nhiều thế hệ học trò của bà đã và đang công tác tại các đài truyền hình VTV, VTC, đài truyền hình địa phương… Bà cũng bận rộn với công việc đọc lời bình phim tài liệu cho nhiều đài truyền hình, các đơn vị, cơ quan. Thậm chí, Kim Tiến đắt show tới nỗi phải “vác” cả một phòng thu riêng về nhà để đỡ phải đi lại.
Suốt năm tháng tuổi trẻ, với bà, công việc chính là niềm đam mê và hạnh phúc. Bà tự hào là mình đã thành công trong nghề nghiệp, tự hào vì bản thân đã có đóng góp công sức, làm tròn nghĩa vụ của công dân với Nhà nước, với nhân dân ở lĩnh vực của mình. Bà tin, nếu mỗi người đều làm tốt công việc của mình với xã hội thì đất nước sẽ tốt đẹp hơn.
Có thể nói, nhiệt huyết của nghệ sĩ Kim Tiến dành cho nghề báo vẫn chưa bao giờ vơi cạn. Bà vẫn say mê hai công việc là thuyết minh phim tài liệu và đào tạo các phát thanh viên đọc bản tin thời sự. Lớp MC của bà luôn chú trọng dạy đầy đủ các kỹ năng để có thể đọc được một bản tin thời sự chuẩn. Để từ đó, mọi người có khả năng phát âm chuẩn tiếng Việt, cũng như nói một ngữ điệu chuẩn của tiếng Việt.
Theo nghệ sĩ Kim Tiến, hiện nay có nhiều người dẫn chương trình và người nói trên sóng đang có những lệch chuẩn trong cách phát âm và ngữ điệu tiếng Việt. Bà dẫn ví dụ, có người đọc số của năm không đúng. “Năm 2019 đọc thành hai-không-mười-chín. Đọc số này có nghĩa gì? Xin mọi người giải thích. Còn nếu đọc hai-nghìn-mười-chín thì lại có nghĩa là năm thứ hai nghìn không trăm mười chín SCN”, bà nêu quan điểm.
Kim Tiến cũng nhận định, ngày nay việc tăng số lượng kênh lại không đồng với chất lượng, chức năng giáo dục cũng chưa được coi trọng. Trên truyền hình xuất hiện không ít chương trình, gameshow nhạt nhẽo, phản cảm, không bổ ích mà chỉ làm thỏa mãn những hiếu kỳ, giải trí hời hợt. Yêu cầu không cao với tiêu chuẩn của một người được xuất hiện trước công chúng. Tuy nhiên, bà vẫn đánh giá thế hệ trẻ bây giờ giỏi hơn các phát thanh viên ngày trước rất nhiều. Họ nhanh nhẹn, đa năng và hiểu biết hơn, mặc dù mục tiêu của họ đã khác.
Trong suốt cuộc trò chuyện, nghệ sĩ Kim Tiến khá linh hoạt và minh mẫn dù đã ở tuổi thất thập. Ít ai biết, để có được điều ấy, cả tuổi thơ và thời niên thiếu của bà đã gắn liền với hoạt động thể chất. Lần đầu tiên Kim Tiến tiết lộ, bà từng suýt trở thành vận động viên bơi lội. Từ năm 7 tuổi, Kim Tiến đã biết bơi và đến 12 tuổi tham gia đội bơi chuyên nghiệp. Nhưng vì không được bố cho theo thể thao chuyên nghiệp, bà đã thi vào trường múa Việt Nam năm 13 tuổi. Cũng từ đây, chính là cơ duyên để bà tới với truyền hình khi được tuyển vào đội múa của Đài Truyền hình Trung ương và tiến bước vào nghề phát thanh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận