Bất động sản

Chuyển đất lúa sang làm công nghiệp, giá trị sản xuất tăng trăm lần

23/07/2024, 07:30

Nhiều địa phương chuyển đổi đất lúa sang làm công nghiệp. Chuyên gia nhìn nhận, đây là hoạt động cần thiết để nâng cao thu nhập kinh tế từ sản xuất.

Địa phương chuyển đổi sản xuất nông nghiệp sang công nghiệp

Cụm Công nghiệp Toàn Thắng (xã Toàn Thắng, Hồng Hưng và Đoàn Thượng, huyện Gia Lộc, Hải Dương) là một trong số đó. Dự án có tổng diện tích dự án là 75,8ha, vốn đầu gần 843 tỷ đồng. Phương án quy hoạch Cụm công nghiệp Toàn Thắng được xác định gồm các loại đất nhà máy, xí nghiệp; dịch vụ - điều hành; hạ tầng kỹ thuật; cây xanh, bãi đỗ xe... Để thực hiện dự án, Chính phủ chấp thuận cho UBND tỉnh Hải Dương chuyển mục đích sử dụng 63,55ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp theo thẩm định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Chuyển đất lúa sang làm công nghiệp, giá trị sản xuất tăng trăm lần- Ảnh 1.

Chuyển từ sản xuất nông nghiệp, trồng lúa sản xuất công nghiệp giúp gia tăng giá trị sản xuất. Ảnh: Internet.

Chính phủ cũng vừa chấp thuận UBND tỉnh Long An chuyển mục đích sử dụng 35,3ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp để thực hiện dự án Cụm công nghiệp Đông Quang trên địa bàn huyện Cần Giuộc. Dự án này chỉ là một phần trong mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, toàn tỉnh Long An có 51 khu công nghiệp với tổng diện tích 12,4ha.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư (Quyết định số 256/QĐ-TTg, ngày 04/4/2022) dự án Khu công nghiệp Nhuận Trạch quy mô dự án là 200ha; tổng mức kinh phí đầu tư gần 2.400 tỷ đồng, do Công ty TNHH Hòa Phú - Hòa Bình làm chủ đầu tư. Tỉnh Hòa Bình sau đó ban hành quyết định chuyển mục đích sử dụng đất cho Công ty TNHH Hòa Phú - Hòa Bình thuê đất (đợt 1) để thực hiện dự án. Theo đó, tổng số diện tích được chuyển mục đích sử dụng là hơn 322,4ha đất các loại, đất chuyên trồng lúa nước 148,6ha; đất trồng lúa nước còn lại 157,7ha; đất giao thông 9,6ha; đất thủy lợi 2,5ha...

Công nghiệp giúp gia tăng giá trị sản xuất

Ngoài ba tỉnh trên, nhiều địa phương khác cũng rốt ráo xây dựng, phát triển các cụm công nghiệp như Hà Nội, TP.HCM... Chuyên gia bất động sản cho rằng việc chuyển đổi đất lúa sang làm công nghiệp sẽ giúp gia tăng giá trị sản xuất.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) nhìn nhận chuyển đổi đất nông nghiệp để có thể hình thành các khu công nghiệp, khu công nghệ cao quy mô lớn, nhằm đón đầu dòng vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao.

Theo ông Châu, 1ha đất nông nghiệp làm ra khoảng 500 triệu đồng/năm, trong khi đó 1ha đất sản xuất, công nghiệp, thương mại dịch vụ, đô thị làm ra giá trị khoảng 55 tỷ đồng/năm, gấp 100 lần so với sản xuất nông nghiệp.

Dẫn chứng tại quận 7, TP.HCM, ông Châu cho biết, khi mới tách ra từ huyện Nhà Bè là huyện nông nghiệp vào năm 1997, khi đó thu ngân sách khoảng 100 tỷ đồng, nhưng nay thu ngân sách quận 7 gần 10.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, một chủ đầu tư dự án công nghiệp cho biết, công ty xác định xây dựng hạ tầng kỹ thuật KCN đồng bộ, hiện đại, tạo điểm nhấn về cảnh quan, môi trường, tập trung thu hút các nhà đầu tư thứ phát thực hiện các dự án ít gây ô nhiễm môi trường như gia công cơ khí; sợi, dệt, nhuộm, may mặc; điện, điện tử; dược phẩm; chế biến lương thực, thực phẩm; gia công, chế biến gỗ… đảm bảo hài hòa lợi ích giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Ông Lê Huy Đông, quản lý bộ phận Dịch vụ Công nghiệp, Savills Hà Nội đồng thuận rằng, ngày càng nhiều đơn vị phát triển bất động sản công nghiệp chú trọng vào yếu tố về môi trường. Đầu tiên, mô hình xanh sẽ giúp họ kiểm soát và duy trì được hệ thống kỹ thuật trong khu công nghiệp.

Cũng theo ông Đông, một khu công nghiệp sạch và hiện đại là một trong những phương án nhằm thu hút nguồn lao động chất lượng cao. Nhiều doanh nghiệp đang chú ý hơn đến việc phát triển đồng bộ hạ tầng nội khu và cải thiện môi trường làm việc nhằm giữ chân người lao động. Đầu tư vào hệ thống xử lý chất thải, cùng việc xanh hóa cảnh quan khu công nghiệp sẽ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống trong dự án. Đây cũng là yếu tố thuyết phục các chuyên gia nước ngoài đến và làm việc tại Việt Nam.

Theo mục tiêu Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được ban hành ngày 22/3/2018, đến năm 2030, Việt Nam hoàn thành mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá, cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực ASEAN về công nghiệp, trong đó một số ngành công nghiệp có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển hiện đại.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.