Ngày 29/10, tại TP Cần Thơ đã diễn ra “Hội thảo Thúc đẩy chuyển đổi số khu vực ĐBSCL” do báo Tiền Phong phối hợp với UBND TP Cần Thơ và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) tổ chức.
Ông Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ TTTT phát biểu tại hội thảo.
Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Cần Thơ nhấn mạnh, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mở ra cho chúng ta nhiều cơ hội thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ. Và chuyển đổi số là hoạt động tất yếu cần được ưu tiên triển khai.
Hiện nay TP Cần Thơ đã cơ bản xây dựng đầy đủ khung pháp lý về chuyển đổi số. Trong đó xác định chuyển đổi số đảm bảo trên 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Cần Thơ cũng đã thành lập Ban chỉ đạo về Chuyển đổi số cấp TP.
Các ngành, địa phương cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ công tác, thành lập Tổ Công nghệ số cộng đồng tại các địa phương để triển khai thực hiện...
Ông Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ TTTT cho rằng, ĐBSCL với trung tâm vùng là TP Cần Thơ, thường gắn với những cụm từ trù phú, lợi thế tài nguyên, thiên nhiên ưu đãi, nguồn lao động dồi dào….
Trên thực tế, vùng ĐBSCL có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển: là một trong những đồng bằng lớn nhất, phì nhiêu nhất ở Đông Nam Á và thế giới. Đây là vùng sản xuất và xuất khẩu lương thực, thực phẩm, thuỷ hải sản và trái cây lớn nhất của cả nước.
ĐBSCL đóng góp khoảng 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, gần 65% sản lượng thuỷ sản nuôi trồng, 60% lượng cá xuất khẩu và gần 70% các loại trái cây của cả nước.
Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL.
Tuy nhiên, nhìn chung, sự phát triển của vùng còn những hạn chế, bất cập và gặp nhiều khó khăn, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Xuất khẩu chủ yếu các sản phẩm nông thuỷ sản giá trị gia tăng thấp…
Bên cạnh đó vùng ĐBSCL đang phải đối mặt với biến đổi khí hậu, xâm nhập mận, thay đổi dòng chảy Mê Kông ảnh hưởng ngày càng nặng nề.
Theo Thứ trưởng Phan Tâm, để người dân ĐBSCL được nâng cao chất lượng cuộc sống, phải giúp người dân thoát nghèo, giúp người nông dân tránh được thực tế được mùa mất giá, phụ thuộc vào thương lái trung gian.
Muốn vậy cần chuyển đổi số để tạo thương hiệu gia đình cho sản phẩm bằng cách cá thể hoá sản vật với mảnh vườn nhà mình.
Chuyên gia tư vấn độc lập về chuyển đổi số Nguyễn Tuấn Hoa cho biết: Trong nông nghiệp, trọng tâm của chuyển đổi số cần hướng đến là thông minh hóa quy trình sản xuất và thông minh hóa quy trình quản lý.
Riêng vấn đề để thông minh hóa quy trình quản lý, cần đưa máy móc vào để quy trình diễn ra chính xác, giảm thiểu can thiệp của con người, từ đó tạo ra quy trình mới.
"Nếu chuyển đổi số, nông nghiệp ở ĐBSCL sẽ có nhiều điều kiện hơn để phát triển. Nếu nông nghiệp phát triển, nhiều yếu tố sẽ phát triển theo", ông Hoa nói.
Hội thảo lần này là dịp để giới thiệu những mô hình hay, kinh nghiệm tốt trong triển khai chuyển đổi số tại các địa phương ĐBSCL. Từ đó có thể lan tỏa, nhân rộng nhằm thúc đẩy chuyển đổi số tại khu vực.
Bên cạnh đó, đại diện các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp cũng đề xuất, kiến nghị các giải pháp để thúc đẩy chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số tại ĐBSCL nói riêng…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận