Liên quan đến vụ lừa vay vốn hơn 600 tỷ đồng của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - VCB) chi nhánh An Giang, ngày 28/10, theo nguồn tin của Báo Giao thông, sau thời gian trả hồ sơ điều tra bổ sung, Viện KSND tỉnh An Giang đã ban hành cáo trạng mới truy tố 11 bị can là lãnh đạo, kế toán của các công ty về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Các bị can Ngô Văn Thu, Nguyễn Thanh Hùng, Nguyễn Viết Tuyên, Lưu Bá Phúc, Trương Minh Giàu (thứ tự từ trái qua phải, trên xuống dưới). Ảnh C.A
Các bị can gồm: Ngô Văn Thu, Tổng Giám đốc Công ty Việt An; Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Công ty Bình Minh; Trương Minh Giàu, Giám đốc Công ty Minh Giàu; Nguyễn Viết Tuyên, Giám đốc Công ty Việt Hưng; Lưu Bá Phúc, Giám đốc Công ty TNHH Bách Phúc; Nguyễn Thị Huyền, nguyên Kế toán trưởng Công ty Việt An.
Những người còn lại là Huỳnh Thị Minh Trâm, nguyên kế toán Công ty Bình Minh; Nguyễn Thị Thu Hằng, nguyên Kế toán trưởng Công ty Bách Phúc; Huỳnh Thị Thơ Đào, nguyên Kế toán trưởng Công ty Việt Hưng; Tống Duy Khương, nguyên kế toán Công ty Việt Hưng.
Riêng Lưu Bách Thảo, đối tượng được xác định giữ vai trò chính trong vụ án đã bỏ trốn. Cơ quan điều tra đã khởi tố, truy nã, tạm đình chỉ điều tra đối với bị can. Khi nào bắt được sẽ xử lý sau.
Trước đó, hồi tháng 3/2022, Viện KSND tỉnh An Giang đã ban hành cáo trạng số 19 và chuyển hồ sơ sang TAND tỉnh An Giang. Sau đó, tòa đã trả hồ sơ, đề nghị điều tra bổ sung làm rõ một số vấn đề liên quan đến vụ án.
Sau khi điều tra bổ sung, số tiền còn dư nợ tại VCB An Giang của Công ty Việt An được nâng từ hơn 375 tỷ lên hơn 402,6 tỷ.
Cụ thể, theo cáo trạng mới nhất, từ năm 2010 đến 2014, cùng với Lưu Bách Thảo, Ngô Văn Thu giữ vai trò chính trong việc điều hành, chỉ đạo toàn bộ hoạt động của Công ty Việt An. Đồng thời, chi phối hoạt động của các công ty còn lại và chỉ đạo các bị can thuộc “nhóm công ty gia đình” lập nhiều hồ sơ khống để được vay vốn tại VCB An Giang, chiếm đoạt hơn 601 tỷ.
Kết quả điều tra xác định, chứng từ thể hiện tại 100 bộ hồ sơ vay vốn còn dư nợ đều là chứng từ giả mạo, ghi doanh số mua bán cá tra, thức ăn thủy sản không có thật để sử dụng làm điều kiện vay vốn.
Trong đó, Thu đã trực tiếp ký 19 hợp đồng khống mua bán cá tra với các nhân viên công ty và các hộ dân, 48 giấy nhận nợ, chiếm đoạt hơn 402,6 tỷ.
Còn Nguyễn Dương Phượng Trang, nguyên kế toán Công ty Minh Giàu, có tham gia lập 10 hồ sơ khống vay vốn tại VCB An Giang. Tuy nhiên, người này đã xuất cảnh ra nước ngoài, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục xác minh làm rõ, xử lý sau.
Đối với các hợp đồng tín dụng được ký kết giữa Công ty Việt An, Công ty Bình Minh, Công ty Minh Giàu với VCB An Giang, cáo trạng của Viện KSND tỉnh An Giang vẫn giữ nguyên quan điểm trước đó.
Cụ thể, cơ quan tố tụng nhận định, nhóm cán bộ ngân hàng đã thiếu kiểm tra, thẩm định hồ sơ rút vốn sơ sài, có dấu hiệu lỏng lẻo để cho khách hàng sử dụng hồ sơ bản pho tô vay vốn rút tiền rồi chiếm đoạt. Mặt khác không đăng ký giao dịch bảo đảm tài sản thế chấp là sai trái.
Tuy nhiên, kết quả điều tra chưa đủ căn cứ xác định những người này vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động tín dụng, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục điều tra xử lý sau.
Liên quan đến vụ án, năm 2015, nhóm cán bộ ngân hàng trong đó có Nguyễn Văn Lập, Giám đốc, Trương Thị Thanh Xuân, Nguyễn Hữu Tính, Phó Giám đốc, Liệt Lâm, Trưởng Phòng Khách hàng, Quách Bảo Nguyên, Phó trưởng Phòng Khách hàng của VCB An Giang đã bị cách chức. Trừ Nguyễn Văn Lập, những người còn lại còn bị cảnh cáo về mặt Đảng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận