Nhiều đề xuất, mô hình hoạt động số trong lĩnh vực GTVT đã được nêu ra tại hội thảo chuyển đổi số trong lĩnh vực GTVT do Phân hiệu Trường ĐH GTVT tại TP.HCM tổ chức sáng 3/11.
Động lực để phát triển GTVT
Tại hội thảo, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Bùi Hòa An, nói: “Chuyển đối số là động lực trong phát triển lĩnh vực GTVT, là nhiệm vụ cấp bách, vừa lâu dài. Vì thế phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục với những bước đi vững chắc, tích cực, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm; kế thừa những thành tựu phát triển công nghệ, ứng dụng và dữ liệu số đã có, đi đôi với đổi mới, sáng tạo
Áp dụng chuyển đổi số trong hoạt động thu phí tại các trạm thu phí đường bộ. (Trong ảnh: Ô tô lưu thông qua các làn ETC trật tự không xảy ra ùn tắc giao thông - chụp sáng 27/7 tại trạm thu phí Long Phước, cao tốc Long Thành)
Ông An cho rằng đối với lĩnh vực GTVT, Sở GTVT TP.HCM xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu nhằm thực hiện có hiệu quả các mục tiêu chiến lược của ngành. Lĩnh vực GTVT đã ứng dụng công nghệ số và sử dụng dữ liệu số một cách sâu rộng trong toàn bộ các hoạt động quản lý để phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, hoạt động vận tải hành khách công cộng hiện đại, tiên tiến, bảo vệ môi trường và đảm bảo ATGT phục vụ nhân dân.
Tại TP.HCM nhiều mô hình, đơn vị đã áp dụng chuyển đổi số để phục vụ nhân dân như: Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị, mô hình thí điểm thanh toán điện tử tự động cho hoạt động vận tải công cộng bằng xe buýt, triển khai thu phí tự động ETC tại các trạm thu phí, thanh toán phí đỗ xe thông qua ứng dụng di động…
Đồng quan điểm trên, PGS.TS. Nguyễn Văn Hùng, Phó hiệu trưởng, Giám đốc Phân hiệu Trường ĐH GTVT tại TP.HCM, nói: Chuyển đổi số đã và đang trở thành xu thế tất yếu và là vấn đề sống còn của mọi quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân, nhất là trong bối cảnh hậu đại dịch Covid-19 hiện nay. Công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực GTVT còn rất nhiều vấn đề mới và khó. Trong từng lĩnh vực cụ thể: quy hoạch, xây dựng và quản lý cơ sở hạ tầng giao thông, quản lý phương tiện vận tải và người lái, logistics… lại có những đặc điểm riêng, khó khăn riêng dù sử dụng chung các nền tảng cốt lõi là trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, dữ liệu lớn, internet vạn vật.
Số hóa quản lý GTVT để thay thế con người
Trước thực trạng việc chuyển đổi số trong lĩnh vực GTVT còn nhiều điều mới, ông Bùi Hòa An đề nghị trong thời gian tới cần nghiên cứu đề xuất ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong các lĩnh vực giám sát giao thông tự động, phát hiện xử lý vi phạm giao thông, điều khiển tối ưu mạng lưới giao thông đặc thù dòng giao thông hỗn hợp của TP.HCM; Ứng dụng AI trong công tác bảo trì đường bộ, giám sát, chẩn đoán và dự báo hư hỏng của công trình đường bộ, cầu đường bộ, hầm đường bộ.
Mô hình cầu Red Star do sinh viên Phân hiệu Trường ĐH GTVT tại TP.HCM thực hiện được trưng bày tại hội thảo. Ảnh: Quang Phương
Bên cạnh đó, Phó Giám đốc Sở cũng đề nghị nghiên cứu mô hình mô phỏng dự báo giao thông theo nhiều cấp độ, theo thời gian sử dụng dữ liệu thu thập trực tuyến từ hệ thống cảm biến được lắp đặt trên đường; Thanh toán điện tử không dùng tiền mặt trong GTVT, sử dụng thẻ thông minh, thẻ tiêu dùng, QRCode, nhận dạng ID khuôn mặt…để thanh toán.
Trong khi đó, ông Nguyễn Nhật Minh Trị (Phân hiệu Trường ĐH GTVT tại TP.HCM) đề xuất về mặt quản lý vận hạnh tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) nên áp dụng tích hợp mô hình BIM - GIS (tích hợp mô hình thông tin xây dựng - hệ thống thông tin địa lý). Việc áp dụng mô hình đó sẽ giúp đơn giản hóa công tác quản lý hạ tầng giao thông và nhất là đảm bảo tính đồng bộ, chính xác của dữ liệu hạ tầng kỹ thuật từ các khu quản lý giao thông đô thị đến Sở GTVT, giúp hỗ trợ công tác quản lý và quy hoạch phát triển hệ thống hạ tầng giao thông TP.HCM.
“Các dữ liệu thu thập từ hệ thống quan trắc sẽ được tích hợp vào hô mình BIM-GIS. Từ đó sẽ có những dự đoán và đưa ra các quyết định hợp lý phục vụ công tác bải trì góp phần tối ưu hóa vấn đề khai thác vận hành cho tuyến đường sắt”, ông Trị cho hay.
Còn ông Lâm Quang Thái (Phân hiệu Trường ĐH GTVT tại TP.HCM) đưa ra đề xuất ứng dụng công nghệ IOT (internet vạn vật) trong việc giám sát và điều khiển hệ thống điện mặt trời áp dụng trong lĩnh vực giao thông.
Theo ông Thái, hệ thống gồm một bộ điều khiển có chức năng theo dõi tự động phát hiện hướng tối ưu để điều khiển tấm quang điện vuông góc với đường đi của bức xạ mặt trời để hệ thống thu được năng lượng tối ưu. Mặt khác, hệ thống có khả năng giám sát liên tục tấm quang điện nhằm phát hiện hư hỏng trong quá trình hoạt động và các thông số điện năng từ các tâm quang điện để thông báo về trung tâm điều khiển thông qua mạng không dây.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận