Hồ sơ tài liệu

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Philippines chia tay với Mỹ?

07/10/2016, 20:08
image

Tính đến tháng 10, ông Rodrigo Duterte nhậm chức Tổng thống Philippines được hơn 100 ngày.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte rủa To

Nếu lời đe doạ bỏ Mỹ, thân Trung của Tổng thống Rodrigo Duterte thành sự thực, cán cân thế giới sẽ ra sao?

Rạn nứt thực sự trong quan hệ Mỹ-Philippines?

Tính đến tháng 10, ông Rodrigo Duterte nhậm chức Tổng thống Philippines được hơn 100 ngày. 100 ngày đầy sóng gió, biến động tại không chỉ ở Philippines mà trong quan hệ với các đồng minh như Mỹ, EU và rộng hơn là trên trường quốc tế.

Gần như hằng ngày, ông Duterte đều đưa ra những phát ngôn bạo miệng, nhanh chóng được giật lên tít và thu sự chú ý, tranh cãi trái chiều dư luận. Mới đây nhất, ông Duterte tuyên bố sẽ “chia tay với Mỹ” nếu Washington từ chối bán vũ khí cho Philippines. Ông khẳng định, chỉ cần Philippines mở lời, Nga và Trung Quốc đều sẵn sàng cung cấp các loại vũ khí Philippines cần.

Cũng trong quan hệ với Mỹ, ông Duterte lăng mạ Đại sứ Mỹ tại Manila Philip Goldberg là “tên đồng tính chó chết”. Trước đó, vị Tổng thống không ngại ngần dùng từ “chó chết” để mắng thẳng Tổng thống Mỹ Barack Obama và mới đây rủa “đi chết đi”.

Mặc dù Thư ký Báo chí Nhà Trắng Josh Earnest khẳng định, mối quan hệ đồng minh giữa Mỹ - Philippines vẫn bền chắc nhưng việc ông Duterte liên tiếp có những hành động và phát ngôn khiêu khích khiến người ta nghi ngại, mối quan hệ giữa Mỹ và nước Đông Nam Á này đang tiềm ẩn một nguy cơ rạn nứt thực sự và ngày càng lan rộng.

Ông Mathew Davies – Trưởng khoa Quan hệ Quốc tế Đại học Quốc gia Australia, chuyên về chính trị Đông Nam Á có bài viết trên CNN nhận định rằng, cần phải xem xét kỹ mức độ đáng tin cậy của Philippines trong vai trò là đồng minh và đối tác thúc đẩy các giá trị dân chủ và sức ảnh hưởng sâu rộng mà Mỹ đang tìm kiếm và bảo vệ trong khu vực Đông Nam Á. Tuy vậy, nếu Philippines thực sự biến lời đe doạ thân Trung và Nga thành hiện thực thì nó sẽ mang lại nguy hiểm thực sự cho Mỹ.

Lung lay vị thế Mỹ trên Biển Đông

Nếu viễn cảnh đó diễn ra, vị thế an ninh của Mỹ trong khu vực Đông Á sẽ bị suy yếu nghiêm trọng. Dù Philippines đi vào quỹ đạo của Bắc Kinh hay Moscow đều làm suy yếu khả năng của Mỹ trong việc bảo vệ tự do hàng hải trên Biển Đông. Tại thời điểm này, Mỹ và Philippines đang cùng nhau thực hiện nhiều cuộc tuần tra chung trên Biển Đông. Gần đây nhất, tháng 4/2016, trước khi ông Duterte nhậm chức Tổng thống, hai nước đã ký thoả thuận tăng cường liên minh trong đó cho phép máy bay Mỹ đồn trú tại căn cứ quân sự Clark Air, cùng thực hiện các cuộc tập trận chung, Mỹ cấp tài chính để tăng cường cơ sở hạ tầng quân sự cho Philippines. Nhưng bản thân ông Duterte lại muốn đánh giá lại tất cả các thoả thuận này.

Cũng theo ông Mathew, một khi ông Duterte rời xa Mỹ sẽ tạo động lực cho Trung Quốc gia tăng những động thái táo bạo hơn. Hiện nay Trung Quốc đang gia tăng tuyên bố chủ quyền bao trùm tới 90% diện tích Biển Đông, chồng lấn với các tuyên bố chủ quyền của nhiều nước khác trong đó có Philippines. Trong đó, Trung Quốc nhiều lần có những hành động được thế giới nhận định là khiêu khích trên Biển Đông. Mặc dù, hồi tháng Bảy, Toà trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Quốc tế về Luật biển 1982 ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc trên Biển Đông, chỉ trích một số hành động khiêu khích của Trung Quốc tại khu vực này. Song, khi lên nhậm chức ông Duterte gần như không quan tâm tới phán quyết lần đầu tiên được đưa ra về tranh chấp trên Biển Đông. Thay vì nhắm vào Trung Quốc, ông Duterte lại coi Mỹ là mối đe doạ tới lợi ích của Philippines.

Kịch bản tương lai Mỹ-Philippines

Theo ông Mathew, chúng ta có thể phác thảo ra 2 tương lai cho quan hệ Mỹ- Philippines tuỳ thuộc vào kết quả bầu cử Mỹ.

Thứ nhất, nếu ứng viên Donald Trump chiến thắng, triển vọng hợp tác giữa hai nước khả năng sẽ “tuột dốc không phanh” mặc dù hai ông được đánh giá có tính cách, phong thái điều hành đất nước “bất cần đời” tương đương nhau. Hoàn toàn có thể tin chắc, ông Trump sẽ không có phản ứng bình tĩnh, làm dịu sức nóng trước những chỉ trích gay gắt và thoá mạ của vị Tổng thống nước đồng minh về mình như ông Obama đang làm. Hơn nữa, ứng viên Trump vốn hoài nghi giá trị mối liên minh với Philippines sẽ chẳng giúp gì cho lợi ích của Mỹ.  Hai cái đầu lạnh đối nhau hẳn sẽ không mang đến tin tốt để xây dựng quan hệ ngoại giao ổn định.

Trong khi đó, nếu ứng viên Hillary Clinton giành chiến thắng, bà chắc chắn sẽ thực hiện những biện pháp khá truyền thống để duy trì quan hệ hai nước. Bà sẽ tiếp tục nỗ lực mà Washington vốn thực hiện dưới thời ông Obama trong đó nhấn mạnh mối liên minh dài lâu, chia sẻ lợi ích chung và xây dựng quan hệ nồng ấm, sâu sắc giữa hai nước.

Mặc dù, bà Clinton có vẻ hiếu chiến hơn ông Obama nhưng bà cũng là một nhà ngoại giao dày dặn kinh nghiệm, đủ khả năng để gạt bỏ tức giận nhất thời khi bị chỉ trích lăng mạ vì một tầm nhìn dài hạn.

Mới chỉ 3 tháng kể từ khi ông Duterte lên nhậm chức vì vậy, khó có thể nói, ông có kiên quyết hành động như những gì đã tuyên bố hay đó chỉ là lời đe doạ nhất thời. Do đó, các chuyên gia cũng chưa thể đoán chắc chiến lược ngoại giao cuối cùng của ông là gì.

>>> Xem thêm video Tổng thống Philippines mắng Tổng thống Mỹ

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.