Các chuyên gia của Đại học GTVT đã chỉ rõ các nguyên nhân và đưa ra nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng hàn lún vệt bánh xe |
Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Đinh La Thăng, Trường Đại học GTVT đã thành lập các nhóm chuyên gia nghiên cứu về vấn đề vật liệu, tiêu chuẩn thiết kế, thi công bê tông nhựa.
Qua công tác nghiên cứu, khảo sát thực tế một số tuyến đường QL1 đoạn Vinh-Hà Tĩnh, QL18, đường cao tốc Hà Nội-Lào Cai, mặt cầu Thăng Long, Thanh Trì, Bãi Cháy, các tuyến đường vành đai TP HCM,… các chuyên gia của Đại học GTVT đã chỉ ra một số nguyên nhân gây nên hiện tượng hằn lún vệt bánh xe.
Cụ thể, trong quá trình thi công lớp vật liệu bêtông nhựa (BTN) việc giám sát, tuân thủ quy trình sản xuất, tổ chức thi công, nghiệm thu lớp BTN chưa chặt chẽ trong các khâu thiết kế và sản xuất, nhiệt độ trộn, nhiệt độ rải, nhiệt độ lu lèn dẫn đến mặt đường không đảm bảo các chỉ tiêu kỹ thuật, gây hằn lún. Đây được coi là nguyên nhân quan trọng nhất dẫn tới tình trạng hằn lún vệt bánh xe.
“Sau khi Bộ GTVT có một loạt các văn bản chỉ đạo quyết liệt về vấn đề này đã có tác dụng rất tích cực tới các nhà thầu, đơn vị tư vấn giám sát thì hiện tượng hằn lún vệt bánh xe đã được hạn chế tương đối có hiệu quả”, PGS.TS. Trần Đắc Sử, Hiệu trưởng Trường Đại học GTVT cho biết.
Bên cạnh đó, việc thiết kế kết cầu mặt đường và lớp bê tông nhựa và sử dụng vật liệu chưa xét đến các vùng miền, khu vực khí hậu khác nhau. Với các vùng miền khác nhau sẽ có các điều kiện về nhiệt độ, độ ẩm, gió, bức xạ nhiệt khác nhau dẫn đến mặt đường có nhiệt độ khác nhau. Vì vậy, phải xem xét đến vấn đề này trong thiết kế.
“Trên thực tế trong quá trình kiểm tra tại một số địa điểm trên QL1, đoàn chuyên gia đã trực tiếp kiểm tra và xác định được nhiều vùng, mặt đường có nhiệt độ lớn hơn 60 độ C, với nhiệt độ không khí là 36 độ C. Như vậy nhiệt độ dưới chiều sâu 2cm còn lớn hơn nữa, dù đây chưa phải là nhiệt độ cao nhất của các đợt nắng nóng vừa qua”, ông Sử cho hay.
Tiếp đó, kết cấu mặt đường thiết kế chưa đảm bảo về công năng và thoát nước tốt cho móng và mặt cũng là nguyên nhân gây ra hiện tượng hằn lún vệt bánh xe được các chuyên gia chỉ ra. Nhiều đoạn tuyến thiết kế và giải pháp thi công không đảm bảo việc thoát nước cho lớp móng bên dưới dẫn đến dễ bị ẩm ướt, giảm dính bám, giảm cường độ là tác nhân gây hư hỏng biến dạng lớp bê tông nhựa bên trên.
Để khắc phục hiện tượng hằn lún vệt bánh xe, các chuyên gia Trường Đại học GTVT kiến nghị Bộ GTVT, trước mắt cần hoàn thiện và tăng cường hệ thống quản lý, giám sát quá trình thi công, nghiệm thu cả móng và lớp bê tông nhựa, đặc biệt là tăng cường khâu giám sát thi công theo hướng nâng cao và quy trách nhiệm cá nhân của tư vấn giám sát, nhà thầu thi công công trình; nghiên cứu đề xuất loại BTN nhiều đá dăm và tăng kích cơ cốt liệu; nghiên cứu kết cấu áo đường phù hợp vùng miền khí hậu khác nhau và chú ý tăng cường móng gia cố; cải thiện tính chất BTN bằng phụ gia nhằm khai thác, sử dụng nhiều nguồn vật liệu đá khác nhau.
Về giải pháp lâu dài, các chuyên gia của Trường Đại học GTVT kiến nghị Bộ GTVT thiết lập trung tâm quan trắc, theo dõi mặt đường, dòng phương tiện lưu hành phục vụ cho công tác đành giá trong thiết kế và khai thác; ứng dụng vật liệu mới, phụ gia mới có tại Việt Nam; xây dựng catalo kết cấu áo đường điển hình phù hợp điều kiện Việt Nam;…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận