- Nhìn lại năm 2021, những tổn thất kinh tế rõ nhất ở điểm nào, thưa bà?
Thứ nhất, dịch đánh vào các đầu tàu tăng trưởng cả nước như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu là những khu công nghiệp lớn, vùng kinh tế trọng điểm.
Thứ hai, thời gian kéo dài quá lâu. Giãn cách xã hội ở TP.HCM tới 4 tháng. Các ngành như: Dịch vụ, xuất nhập khẩu, nông nghiệp… của TP.HCM và các tỉnh phía Nam bị đứt gãy kết nối trong vùng với cả nước.
Thứ ba, đứt gãy chuỗi cung ứng. Thị trường trong nước là nguồn sống, chỗ dựa phát triển của 70% doanh nghiệp, nên đứt gãy sẽ gây tác động ghê gớm cho kinh tế nội địa, tác động mạnh đến số đông doanh nghiệp và nông dân, người tiêu dùng. Người làm ra hàng hóa không bán được, người mua lại không mua được.
Bà Phạm Chi Lan
Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phục hồi và phát triển kinh tế. Theo bà, chúng ta nên bắt đầu từ đâu?
Phải rà lại xem lĩnh vực nào Việt Nam thực sự có thế mạnh và lợi thế phát triển tiếp trong tương lai. Phần dễ bị mất nhất là lao động giá rẻ, vì nhiều nước khác họ cũng có mà năng suất lao động của họ đang tăng dần lên.
Điều đó khiến thu hút FDI của họ tăng lên và nhận được nhiều cơ chế ưu đãi đặt hàng. Vì vậy, nếu không lưu ý Việt Nam có thể mất đơn hàng lâu dài đối với một số sản phẩm.
Chúng ta đã nhắc rất nhiều đến đổi mới mô hình tăng trưởng. Theo bà, thực tiễn 2 năm qua đặt ra yêu cầu gì trong vấn đề này?
Nếu vẫn “vương vấn” với mô hình tăng trưởng cũ, dựa vào lợi thế lao động giá rẻ, tài nguyên thiên nhiên, dựa vào doanh nghiệp Nhà nước... thì không còn phù hợp nữa.
Cần thấy rõ là lao động giá rẻ không còn là lợi thế, tài nguyên cũng không thể khai thác mãi, trong khi cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước những năm gần đây quá chậm.
Vốn đầu tư cũng phải có dự án tốt mới thu hút được, trong khi lạm phát cao đe dọa toàn cầu, bong bóng bất động sản diễn ra ở nhiều nước…
Vốn Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp không nhiều, chính vì vậy thì càng phải dùng vốn hiệu quả nhất, trong bối cảnh nợ công vẫn tăng dần và từ năm 2022 bắt đầu phải trả các khoản nợ lớn. Điều đó bắt buộc chúng ta phải thay đổi mô hình tăng trưởng.
Vậy theo bà, việc thay đổi nên như thế nào, tập trung vào đâu?
Mô hình mới là lao động có kỹ năng, liên tục được đào tạo, nâng cấp tay nghề. Việc này không quá khó vì các nhà đầu tư nước ngoài cũng thừa nhận lao động của Việt Nam dồi dào, giá rẻ và học hỏi nhanh.
Trong đó, cần sớm đào tạo để có được đội ngũ lao động có tay nghề cao trong các lĩnh vực công nghệ, chế biến, đóng gói, marketing…
Về tài nguyên thì phải ứng dụng công nghệ, sử dụng hiệu quả cao nhất tài nguyên. Đừng bắt doanh nghiệp chờ đợi cơ chế, điển hình như câu chuyện của điện mặt trời, điện gió vừa rồi… Các tài nguyên khác như đất đai cũng vậy, cần được khai thác theo cách bền vững nhất, hiệu quả cao nhất.
Với các doanh nghiệp thì sao, thưa bà?
Chúng ta cần tiếp tục cải cách hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước; hướng đầu tư nước ngoài vào những ngành thực sự cần công nghệ nhưng phải kết nối với đầu tư trong nước.
Đây cũng là điều quan trọng của mô hình tăng trưởng mới, cơ cấu lại vị thế của các loại hình doanh nghiệp khác nhau và thế mạnh từng loại hình doanh nghiệp một.
Vai trò của doanh nghiệp Nhà nước vẫn rất quan trọng, song hiệu quả hoạt động phải tương xứng với những nguồn lực họ đang nắm giữ.
Về vốn đầu tư, chúng ta có vốn trong nước, vốn ngoài nước, song quan trọng nhất vẫn là vốn con người, nguồn lực con người. Ở đâu, nơi nào có nguồn lực con người tốt thì chắc chắn ở đó sẽ phát triển tốt, sử dụng hiệu quả nhất mọi đồng vốn đầu tư.
Hai năm qua, khá nhiều gói hỗ trợ đã được ban hành, một gói hỗ trợ kích thích kinh tế mới cũng đang được xây dựng. Vậy gói hỗ trợ tới đây nên tập trung vào những gì để đạt được hiệu quả cao nhất?
Có ý kiến nói nên hỗ trợ tiền mặt, có ý kiến nói nên hỗ trợ bằng chính sách, nhưng theo tôi nên kết hợp cả hai.
Cách tích cực hơn vẫn là phi tiền mặt. Chẳng hạn với doanh nghiệp, có thể tạo cơ chế cho họ tuyển dụng lao động lâu dài, có đất để họ xây nhà ở cho người lao động. Đất ấy có thể không lấy tiền thuế hay có thu thì cũng ở mức rất thấp trong nhiều năm.
Nhìn rộng ra, gói hỗ trợ nên tập trung vào các chính sách giảm thuế, phí, đây là những thứ mà doanh nghiệp cần nhất. Tuy nhiên, chính sách này phải làm sao để nhiều doanh nghiệp tiếp cận được nhất và không chỉ trong thời điểm dịch dã mới có các chính sách này.
Những loại thuế, phí gì có thể giảm được để bớt gánh nặng cho doanh nghiệp thì phải giảm ngay, chẳng hạn giá điện, phí môi trường thu qua xăng dầu... Ngoài ra, hỗ trợ thì phải kịp thời, bởi để đến khi các doanh nghiệp không còn sức chịu đừng nữa thì hỗ trợ ấy cũng không còn ý nghĩa.
Cảm ơn bà!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận