Nhận diện tội phạm cướp ngân hàng thế nào?
Vụ cướp nhà băng xảy ra chiều 22/11 tại chi nhánh Ngân hàng BIDV trên đường Ngũ Hành Sơn (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) khiến một nhân viên bảo vệ tử vong trong quá trình truy bắt cướp.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, đại tá Lê Khắc Sơn (Trưởng phòng Trọng án, Cục Cảnh sát hình sự - C02) Bộ Công an bày tỏ, hành động của nhân viên bảo vệ chi nhánh ngân hàng nói trên thể hiện sự dũng cảm.
"Đó là một hình ảnh đáng biểu dương trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, nhất là tội phạm cướp ngân hàng mang theo vũ khí, thể hiện ý thức và trách nhiệm trong bảo vệ, giữ gìn tài sản", đại tá Sơn nhìn nhận.
Chỉ ra thủ đoạn của loại tội phạm này, Trưởng phòng Trọng án của Cục C02 phân tích, ngoài các phương thức, thủ đoạn có tính truyền thống, thời gian qua xuất hiện các đối tượng thông qua không gian mạng lập những nhóm kín, kết bạn với nhau để gây án.
Các đối tượng thường gây án khi phòng giao dịch ngân hàng, cửa hàng tiện ích vắng khách, nhân viên và bảo vệ thiếu sự cảnh giác.
Theo đại tá Sơn, việc nhận diện tội phạm cướp ngân hàng cũng không quá khó. các đối tượng thường xuất hiện trong trang phục kín đáo, đội mũ, đeo khẩu trang và mang theo ba lô, túi... Sau khi vào quầy giao dịch, họ sử dụng vũ khí, hung khí (có thể là vũ khí giả, bom giả...) đe dọa nhân viên và bảo vệ yêu cầu đưa tiền.
Vì sao tội phạm cướp ngân hàng sớm bị bắt?
Đại diện Cục C02 nhìn nhận, hầu hết ngân hàng và chi nhánh là những nơi được bảo vệ ở mức tối đa, hệ thống camera an ninh trang bị dày đặc, hệ thống báo động cũng kết nối 24/24h đến cơ quan công an nơi gần nhất.
Do đó, kẻ cướp ngân hàng sẽ bị ghi lại đặc điểm nhận dạng, phương tiện di chuyển và quá trình tẩu thoát.
Cùng với đó, lãnh đạo Bộ Công an và công an các đơn vị, địa phương cũng chỉ đạo tất cả lực lượng sử dụng đồng bộ nhiều biện pháp nghiệp vụ xác minh, truy tìm bắt giữ đối tượng, đảm bảo ổn định an ninh trật tự ở địa phương.
"Đó là lý do hầu hết tội phạm cướp ngân hàng đều bị bắt giữ trong thời gian sớm nhất, không ai bỏ trốn được lâu", đại tá Lê Khắc Sơn khẳng định.
Như trong vụ án cướp ngân hàng ở Đà Nẵng, Ban giám đốc Công an TP Đà Nẵng đã chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ, trong đó có cảnh sát hình sự nhanh chóng vào cuộc điều tra. Sau hơn một giờ xảy ra vụ án, kẻ phạm tội đã bị bắt.
Lập nhóm rủ nhau gây án càng gây ra nhiều hệ lụy
Một tình tiết đáng chú ý trong vụ cướp ở Chi nhánh Ngân hàng BIDV nêu trên là các đối tượng gây án khai không quen biết nhau, chỉ gặp, trao đổi với nhau trên mạng xã hội thông qua hội nhóm liên quan đến việc xù nợ, làm liều.
Nói về tình tiết này, thượng tá - tiến sĩ Đào Trung Hiếu (chuyên gia nghiên cứu tội phạm học) phân tích việc xuất hiện các nhóm kín trên mạng xã hội rất nguy hiểm, kiểu như nhóm "vỡ nợ muốn làm liều".
Ở những nhóm này, thành viên tham gia thường là người không có công ăn việc làm, thu nhập không ổn định, đang gặp khó khăn, túng quẫn, ngập trong nợ nần, hoặc các đối tượng nghiện ma túy, cờ bạc cần tiền cho nhu cầu của mình.
"Bần cùng sinh đạo tặc là vậy, và khi đã 'vô kế khả thi' thì con người rất dễ nảy sinh ý định phạm pháp, hoặc bị lôi kéo vào những hoạt động trái phép để giải quyết các vấn đề cá nhân", ông Hiếu nhấn mạnh.
Khi tham gia vào các nhóm kín trên mạng, các thành viên kết bạn và tương tác với nhau. Trong quá trình đó, những ý tưởng phạm tội từ trộm cắp, lừa đảo, đặc biệt là rủ nhau đi cướp tài sản tại các ngân hàng, cửa hàng tiện ích...
Theo chuyên gia, nếu chỉ có một mình, đối tượng còn do dự khi thực hiện hành vi phạm tội. Nhưng khi có từ hai người trở lên, quá trình tương tác, chia sẻ ý định phạm tội, sự có mặt của đồng phạm khiến đối tượng củng cố quyết tâm thực hiện tội phạm.
Bên cạnh đó, khi có hội nhóm, việc chuẩn bị công cụ phương tiện, lên kế hoạch gây án, phân công vai trò, trách nhiệm cho từng người, hoạt động thăm dò, khảo sát địa hình, chuẩn bị gây án và che giấu tội phạm... càng bài bản. Do đó, tính chất nguy hiểm của tội phạm tăng lên gấp bội, đe dọa gây ra những hậu quả, thiệt hại lớn hơn.
Ngân hàng làm gì để phòng, chống tội phạm cướp?
Cũng theo thượng tá Đào Trung Hiếu, để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm cướp ngân hàng, trước tiên, lãnh đạo và nhân viên nhà băng phải thường xuyên cập nhật tình hình, nắm được những phương thức, thủ đoạn của tội phạm cướp.
Đồng thời, đề cao cảnh giác, chuẩn bị sẵn phương án đối phó, phối hợp với ngành chức năng xây dựng phương án và diễn tập bảo vệ chống đột nhập, cướp tiền, tài sản.
"Tổ chức tập dượt thường xuyên các phương án, sao cho tất cả nhân viên ngân hàng và bảo vệ đều làm chủ được các kỹ năng ứng phó trong các tình huống phức tạp", ông Hiếu khuyến cáo.
Clip: Khoảnh khắc hai tên cướp gây án trong ngân hàng ở TP Đà Nẵng.
Tiếp theo, phải chủ động rà soát lại lực lượng bảo vệ chuyên trách, đảm bảo đủ về số lượng, có sức khỏe, nhanh nhạy và phải thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ, chú trọng kỹ năng phát hiện dấu hiệu bất thường, kỹ năng xử lý tình huống cướp xảy ra.
Đồng thời, trang bị vũ khí được pháp luật cho phép sử dụng để đội ngũ nhân viên bảo vệ có khả năng phòng vệ, ngăn chặn các vụ cướp. Duy trì việc thường xuyên bảo dưỡng hệ thống thiết bị an ninh như cảm biến nhiệt, cảm biến hồng ngoại, camera, báo động, báo cháy... kịp thời bổ sung, sửa chữa, đảm bảo thiết bị hoạt động hiệu quả 24/24h.
Còn theo đại diện Cục C02, Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng cảnh sát hình sự và công an các đơn vị, địa phương tập trung xây dựng, triển khai thực hiện chuyên đề, phương án, kế hoạch để phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm cướp tài sản, nhất là cướp tài sản tại các phòng giao dịch, chi nhánh ngân hàng, cửa hàng vàng bạc, cửa hàng tiện ích…
Đồng thời, tăng cường kiểm soát trên không gian mạng, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các kế hoạch phạm tội.
Cục Cảnh sát hình sự đang tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và công an địa phương tổ chức khảo sát công tác phòng ngừa tội phạm tại các phòng giao dịch, chi nhánh ngân hàng để có kiến nghị giải pháp tăng cường phòng, chống.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận