Tàu Hải quân của Trung Quốc trên Biển Đông |
Truyền hình Trung Quốc (CCTV) cho biết, cuộc tập trận bắt đầu vào lúc 8 giờ sáng theo giờ Bắc Kinh ngày 5/7. Trung Quốc triển khai nhiều tàu thuyền ra khu vực này trong đó có ít nhất 2 tàu khu trục tên lửa dẫn đường Shenyang, Ningbo và một tàu khu trục nhỏ Chaozhou.
Việt Nam kiên quyết phản đối cuộc tập trận này từ phía Trung Quốc. Trước khi diễn ra tập trận trái phép, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ: “Hành động tập trận tại Hoàng Sa của phía Trung Quốc một lần nữa xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đi ngược lại nhận thức chung của Lãnh đạo Cấp cao hai nước, vi phạm luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Việt Nam phản đối mạnh mẽ và yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, hành xử có trách nhiệm, chấm dứt ngay và không có những hành động đe dọa đến an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông hay làm gia tăng căng thẳng tại khu vực này”.
Ông Ashley Townshend, học giả tại Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại Đại học Sydney đánh giá: "Các cuộc tập trận phần nào là phản ứng trước những động thái gần đây của Mỹ trên Biển Đông và thể hiện sự cứng rắn của Trung Quốc trước phán quyết sắp tới của Tòa Trọng tài Thường trực".
Còn chuyên gia nghiên cứu về chính trị Trung Quốc và chính sách ngoại giao đến từ Đại học Colombia Andrew Nathan cho rằng, thái độ ngày càng huênh hoang và nổi lên của Trung Quốc cho thấy nước này cố tình "giả điếc" trước những lời chỉ trích giữ dội từ cộng đồng quốc tế. Học giả Andrew Nathan cho rằng: Dựa trên những gì ông quan sát, Trung Quốc đang thể hiện thái độ: Các ông thích nói gì thì nói, thích kiện gì thì kiện nhưng nó chẳng ảnh hưởng gì vì chúng tôi là nước lớn và kinh tế của chúng tôi đang phát triển.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận