Giữa bối cảnh dịch virus Corona chủng mới (nCoV) bùng phát mạnh, việc hạn chế đi lại bằng các phương tiện giao thông đông đúc, đặc biệt là máy bay rất cần thiết. Nhưng nếu việc di chuyển là bắt buộc, hành khách hàng không cần làm gì để bảo vệ bản thân?
Vì sao nguy cơ lây nhiễm không cao như tàu?
Theo phân tích của chuyên gia Scott McCartney trên tờ The Wall Street Journal, nguy cơ lây nhiễm virus Corona chủng mới qua tàu bay không cao như trên các phương tiện vận tải khác như tàu cao tốc nhưng do điều kiện không gian của máy bay chật hẹp hơn nên khả năng người dùng phải tiếp xúc gần với người khác cao hơn.
Sở dĩ ông Scott McCartney đã nhấn mạnh điều này vì hầu hết máy bay thời nay lọc không khí theo cơ chế tuần hoàn, thông qua một chuỗi bộ lọc không khí từ 20 - 30 lần/h.
Những bộ lọc này được gọi là hệ thống High Efficiency Particulate Air (bộ lọc không khí hiệu xuất cao - HEPA) có thể loại bỏ tới 99,9% vi khuẩn, các virus lớn, nấm, cụm virus. “Môi trường không khí trong cabin không có lợi cho virus phát tán và gây bệnh”, Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết trong thông báo ngắn gọn về vận tải hàng không.
Nhiều nghiên cứu về khả năng lây nhiễm bệnh trong các dịch virus trước đó cho thấy, hành khách hàng không có nguy cơ bị nhiễm cảm lạnh thông thường ở khoảng 20%.
Nghiên cứu được thực hiện năm 2009, theo dõi tình hình truyền nhiễm dịch cúm H1N1 trên một chuyến bay chỉ ra, 2% hành khách nhiễm bệnh trong chuyến bay và 5% hành khách có nguy cơ bị bệnh trong vòng 1 tuần sau khi hạ cánh.
Hành khách hạng thường có nguy cơ nhiễm H1N1 cao hơn 3,6% nếu trong phạm vi người này ngồi có người xuất hiện những triệu chứng bị cúm khi máy bay đang hành trình.
Nguy cơ mắc bệnh sau chuyến bay tăng lên gấp đôi, tới 7,7% nếu hành khách ngồi cách người mắc bệnh 2 ghế, tính ở mọi hướng.
Hiện tại, các tổ chức y tế trên thế giới chưa đưa ra cảnh báo nào với riêng ngành vận tải hàng không, trừ việc hạn chế qua lại với Trung Quốc. Các hãng hàng không đều ít phải hủy chuyến nội địa.
Vấn đề đáng ngại về vận tải hàng không đó là máy bay có thể đưa những người bị nhiễm bệnh đi tới khắp nơi trên toàn cầu. Vì vậy, nhiều nước đã cấm bay tới Trung Quốc và kiểm tra những hành khách nhập cảnh vừa trở về từ Trung Quốc.
Rửa tay là quan trọng nhất
Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, khuyến cáo chung dành cho những hành khách để tránh bị nhiễm virus Corona đó là thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước hoặc dùng gel, dung dịch xịt rửa tay nhanh; Khi hắt hơi hoặc ho thì phải dùng khuỷu tay hoặc khăn giấy che miệng, vứt giấy vào sọt rác ngay lập tức và rửa tay. Tránh tiếp xúc gần với bất cứ ai có biểu hiện ho và sốt; Nếu bạn bị sốt, ho và khó thở, lập tức tìm tới trung tâm y tế gần nhất và thông báo lịch trình đi lại trước đó.
Trong số các biện pháp trên, ông David Powell, dược sĩ và tư vấn viên y tế cho Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế đánh giá, trong số những biện pháp trên, việc rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch (hoặc nếu không có thì dùng nước sát khuẩn) và hạn chế chạm tay lên mặt là quan trọng hơn cả. Thậm chí, việc đeo khẩu trang và găng tay không đúng cách, để lâu ẩm ướt còn tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus sinh sôi thay vì ngăn chặn.
Trong bài viết trên Wall Street Journal, chuyên gia Mỹ Scott McCartney đưa ra một số khuyến cáo cho hành khách ngồi ghế khu vực giữa máy bay đó là bạn nên mang theo đồ khử trùng cá nhân nhỏ gọn để lau các bề mặt công cộng như khay bàn ăn trên máy bay, khu vực để tay. Nếu bạn muốn sử dụng mặt nạ, nên chọn loại mặt nạ N95.
Ngoài ra, do các sân bay đều áp dụng các phương thức kiểm soát, phòng tránh dịch bệnh nên để đảm bảo lịch trình đi lại diễn ra suôn sẻ, hành khách nên đi sớm, phòng trường hợp quá trình kiểm tra y tế và làm thủ tục bị lâu.
Tại Mỹ, chính quyền Tổng thống Donald Trump yêu cầu các hãng hàng không phải kiểm tra xem hành khách có tới Trung Quốc trong 14 ngày trước đó hay không trước khi lên máy bay.
Những người đã từng tới Trung Quốc trong 2 tuần trước chỉ được phép tới Mỹ qua 1 trong 11 sân bay lớn được trang bị các thiết bị sẵn sàng cho phép kiểm dịch và nếu cần thì cách ly ngay khi hành khách xuống sân bay. Nếu không tới các điểm đó, họ sẽ buộc phải trả lại vé mà không được miễn phí.
Ngồi hàng ghế giữa rủi ro nhất
Tạp chí Địa Lý Quốc Gia của Mỹ dẫn kết quả nghiên cứu của tổ chức “FlyHealthy Research Team” cho biết, sau khi tiến hành quan sát hoạt động đi lại cũng như cách thức giao tiếp của các tiếp viên hàng không và hành khách trên 10 chuyến bay xuyên lục địa xuất phát từ Mỹ trong khoảng thời gian từ 3,5 - 5 giờ đồng hồ, họ đã đưa ra một con số dự tính đáng chú ý về tỷ lệ lây nhiễm virus trên một chuyến bay thương mại.
Theo ước tính, trên một chuyến bay có 162 người, nếu có một hành khách nhiễm virus Corona chủng mới thì số người có khả năng bị nhiễm bệnh vì lây có thể lên đến 12 trong điều kiện tất cả không có biện pháp bảo hộ cơ bản (đeo khẩu trang) và tiếp xúc không kiểm soát.
Con số này được đưa ra sau khi các chuyên gia được dẫn đầu bởi hai giáo sư Vicki Stover Hertzberg và Howard Weiss của Đại học Emory University thực hiện các bài đánh giá trong đó chủ yếu là quan sát tổng thể các hoạt động, hướng di chuyển của tất cả những người có mặt trên một chuyên bay xuyên Đại Tây Dương.
Giáo sư toán chuyên ngành thống kê và sinh học Weiss kết luận rằng, các hành khách ngồi ở hàng ghế giữa máy bay (những hàng ghế sát lối đi) là những chỗ ngồi có nhiều rủi ro nhất vì có thời gian tiếp xúc với rất nhiều hành khách khác, đặc biệt là khi họ đi vệ sinh, thậm chí là tiếp xúc với cả các tiếp viên hàng không khi họ di chuyển, phục vụ hành khách khi phi cơ đang bay.
Tại các vị trí ngồi này, nếu một người bị nhiễm bệnh, trong vòng bán kính 1m, vị hành khách đó có nguy cơ lây nhiễm căn bệnh do virus Corona mới mà mình đang mang ra cho nhiều người xung quanh.
Trong khi đó, Giáo sư Vicki Stover Hertzberg nói rằng, chỗ ngồi ít có nguy cơ bị lây nhiễm nhất là các vị trí gần cửa sổ máy bay, tất nhiên, điều này chỉ đúng trong trường hợp bên cạnh họ không có người bị nhiễm bệnh.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, những người ngồi gần cửa sổ máy bay có 43% rủi ro mắc bệnh liên quan đến chuyển động của người xung quanh, trong khi đó, những hành khách ngồi ở hàng ghế giữa lối đi thì hứng chịu đến 80% các hoạt động nói trên.
Hòa Bình
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận