Khách qua sân bay Tân Sơn Nhất tăng gần 12%, qua Nội Bài tăng hơn 17%
Báo cáo tình hình vận tải phục vụ Tết Nguyên đán 2020 tại buổi giao ban công tác tháng 1 của Bộ GTVT diễn ra sáng nay (31/1), Vụ trưởng Vụ Vận tải Trần Bảo Ngọc cho hay dịp Tết năm nay, các phương tiện hoạt động vận chuyển hành khách tuyến cố định, xe buýt, taxi được duy trì hoạt động ổn định, bảo đảm đáp ứng như cầu đi lại của nhân dân.
Tình hình an ninh, trật tự tại các bến, nhà ga, cảng hàng không trên các tuyến vận tải, trên các phương tiện vận tải hành khách được duy trì tốt. Năng lực vận chuyển và chất lượng dịch vụ được nâng cao, bảo đảm an toàn và giao thông thông suốt, ngay cả trong các ngày cao điểm phục vụ tết, không xảy ra hiện tượng người dân không có phương tiện đi lại.
Riêng với hàng không, ông Ngọc thông tin: Chỉ trong 7 ngày từ 22 - 28/1/2020, tổng sản lượng thông qua các cảng hàng không Việt Nam đạt 17.834 lần hạ cất cánh, tăng 15,9%; 2,485 triệu hành khách, tăng 13,6%; 13,9 nghìn tấn hàng hóa, tăng 10,4% so với cùng thời điểm Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019.
Tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, các con số này lần lượt là 6.190 lần hạ cất cánh (tăng 11,8%), 892,6 nghìn lượt khách (tăng 10,5%), 6.446 tấn hàng hóa (tăng 7,8%).
Cảng HKQT Nội Bài đạt 3.926 lần hạ cất cánh (tăng 17,4%), 540,2 nghìn lượt khách (tăng 15,4%), 6771 tấn hàng hóa (tăng 13%). Cảng HKQT Đà Nẵng đạt 2.210 lần hạ cất cánh (tăng 22%), 311,1 nghìn lượt khách (tăng 15,7%), 312 tấn hàng hóa (tăng 35,7%);
Các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển đạt 1,162 triệu khách, tăng 15% và 4.419 tấn hàng hóa, tăng 19,2% so với cùng thời điểm Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019.
Cũng theo ông Ngọc, các hãng hàng không Việt Nam thực hiện 8.302 chuyến bay (tăng 24,3%) tuy nhiên chỉ có 77,2% số chuyến bay cất cánh đúng giờ (giảm 8,4 điểm), 22,8% số chuyến bay bị chậm (tăng 8,4 điểm) so với cùng thời điểm Tết Nguyên đán 2019 và chỉ có 5 chuyến bay bị hủy.
"Lý do chính của tình hình chậm chuyến tăng cao so với thông thường xuất phát từ tình trạng quá tải tại các Cảng HKQT cửa ngõ như Tân Sơn Nhất, Nội Bài với số lượng chuyến bay đi/đến tăng đột biến vào các ngày cận Tết. Số lượng chuyến bay đi/đến Tân Sơn Nhất đạt từ 950 đến 1 nghìn lần chuyến liên tục trong 1 tuần trước Tết trong khi bình thường chỉ là 750-800 chuyến/ngày”, ông Ngọc nói.
Thông tin thêm, Cục trưởng Cục Hàng không VN Đinh Việt Thắng cho hay: Mặc dù lượng khách thông qua sân bay Tân Sơn Nhất tăng mạnh so với năm trước và đạt mức kỷ lục, tuy nhiên, do việc chuẩn bị phục vụ Tết kỹ càngải, c tiến công tác điều hành sân bay, tăng cường sự phối hợp giữa các đơn vị nên tình hình ùn tắc không xảy ra.
"Có thời điểm tại Tân Sơn Nhất chúng ta đã điều hành tới 53 chuyến/giờ" - ông Thắng tiết lộ.
Trước những lo ngại về vấn đề an toàn, nhất là khi slot công bố tại Tân Sơn Nhất chỉ là 46 chuyến/giờ cao điểm, ông Thắng chia sẻ: Về nguyên tắc chỉ được cấp số slot bằng khoảng 80% năng lực điều hành. Năng lực hiện tại của quản lý bay vào khoảng 54 - 56 chuyến/giờ, tương đương gần 1 chuyến/phút. Thông lệ trên thế giới vẫn thực hiện như thế này.
Ông Thắng cũng khẳng định, trong mọi trường hợp thì vấn đề đảm bảo an toàn bay luôn được ưu tiên số 1, tuyệt đối không đánh đổi an toàn lấy bất cứ thành tích hay chỉ tiêu nào.
Dư địa còn rất lớn, chỉ lo "rào cản" hạ tầng
Dự báo lượng khách sẽ còn tiếp tục tăng mạnh trong năm tới, ông Thắng khẳng định: Dư địa để phát triển hàng không còn rất nhiều. Đáp ứng nhu cầu này, ông Thắng cho rằng việc đầu tiên là phải đẩy mạnh phát triển hạ tầng sân bay, đặc biệt tại Tân Sơn Nhất. Kế đó là đổi mới quy trình và công nghệ điều hành tại các sân bay.
"Đến thời điểm này, chủ trương đầu tư xây dựng nhà ga hành khách T3 vẫn chưa được thông qua, chưa xác định chủ đầu tư, chưa xác định phương thức cải tạo hệ thống khu bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất", ông Thắng lo lắng.
Trước đó, Bộ GTVT đã báo cáo Chính phủ 3 phương án bố trí vốn đầu tư, cải tạo, nâng cấp đường cất/hạ cánh, đường lăn của 2 sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất, gồm sử dụng vốn đầu tư công, sử dụng vốn ACV và phương án sử dụng nguồn chênh lệch thu - chi từ khai thác tài sản khu bay do ACV đang tạm quản lý (phương án do ACV đề xuất).
Với phương án sử dụng vốn đầu tư công, Bộ GTVT đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung danh mục và bố trí kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước trong giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 950 tỷ đồng. Phần vốn còn lại sẽ bố trí kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 3.202 tỷ đồng để tiếp tục thực hiện.
Trong trường hợp sử dụng nguồn vốn của ACV, theo Bộ GTVT, hiện nay, Đề án quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không đã được Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt; trong đó, có phương án giao ACV quản lý, khai thác tài sản khu bay theo hình thức tăng vốn Nhà nước tại ACV.
Trường hợp Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương điều chuyển tài sản khu bay từ Bộ GTVT sang ACV theo hình thức tăng vốn Nhà nước tại ACV, giá trị ACV đã đầu tư vào 2 dự án này sẽ được tăng tài sản tại ACV theo quy định.
Trường hợp Thủ tướng Chính phủ không chấp thuận điều chuyển tài sản khu bay từ Bộ GTVT sang ACV theo hình thức tăng vốn Nhà nước tại ACV, khi đó phần vốn đầu tư ACV đã tạm ứng cho 2 dự án này sẽ được Nhà nước hoàn trả cho ACV (từ nguồn chênh lệch thu - chi khai thác tài sản khu bay những năm tiếp theo hoặc theo phương án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt).
Tuy nhiên, với trường hợp này, Bộ GTVT cũng khẳng định việc sử dụng vốn của ACV để đầu tư là không phù hợp với Khoản 6 Điều 16 Luật Đầu tư công năm 2019 là “yêu cầu tổ chức, cá nhân tự bỏ vốn đầu tư khi chương trình, dự án chưa được quyết định chủ trương đầu tư, chưa được phê duyệt, gây nợ đọng xây dựng cơ bản”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận