Người lan toả tấm lòng nhân ái ấy là ông Nam Đồng, bút danh của nhà báo Nguyễn Minh Lộc, nguyên Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP HCM.
Cơm 2.000 đồng nhưng ngon, phục vụ tận tình
Đến nay, ở Sài Gòn đã có 6 quán Nụ Cười từ 1 đến 7 nhưng không có Nụ Cười 5. Ông Nam Đồng giải thích: Cách đây mấy năm, quán 1 và 2 chưa có “uy tín” như bây giờ nên chi phí hoạt động mỗi tháng rất lớn. Chỉ riêng Nụ Cười 1 mỗi tháng chi phí lên đến hàng trăm triệu đồng. Sau đó, nhiều người cùng chia sẻ đóng góp nên ông làm tiếp Nụ Cười 3. Thấy người nghèo đến quán ngày càng đông nên ông mơ ước rồi tâm sự với bạn bè: Nếu lên được quán thứ 5, ông có chết cũng mãn nguyện. Không ngờ, quán liên tục phát triển lên Nụ Cười 4 rồi nhảy lên 6-7. Bạn bè thân hữu “sợ điều ước của ông thành sự thật” nên kiên quyết không đặt Nụ Cười 5!
Một buổi trưa cuối tháng 9, nhóm chúng tôi đến quán Nụ Cười 1 (số 6 Cống Quỳnh, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TP HCM, góc Trần Hưng Đạo) ăn và ủng hộ, như thường lệ.
Quán đông, khách phải xếp hàng chờ đến lượt mua thẻ rồi đi thuận chiều kim đồng hồ xuống cuối phòng nhận khay cơm xong chọn góc trống ngồi ăn. Cơm hôm nay có 3 món chính: Thịt kho tiêu, cải xanh xào và canh rau, cơm thêm ăn vô tư. Ăn xong, khách bưng khay để vào chiếc bàn bên ngoài, tự rót trà đá uống. Nhóm bạn tôi khen ngon, có người ăn thêm cả chén cơm. Trong quán lúc này có khoảng 100 người cả khách lẫn tình nguyện phục nhưng không hề ồn ã. Thỉnh thoảng mới nghe lời đề nghị nho nhỏ, như: “Cô ơi cho em xin thêm trái ớt…”.
Những ai hay đến ăn cơm ở các quán Nụ Cười đều có chung nhận xét: Cơm ngon, sạch sẽ, phục vụ tận tình. Ăn cơm bên cạnh tôi, em Nguyễn Thành Tú (quê Bình Định, sinh viên năm 4 của trường Đại học Văn Lang) cho biết: 3 năm qua trưa nào Tú cũng cùng nhóm bạn lại đây ăn cơm. “Nhờ những quán cơm này cha mẹ tụi em ở quê nhẹ gánh rất nhiều. Cái hay của quán bán 2.000 đồng/suất đồng hạng đã làm cho khách ăn không tự ti…”, Tú nhận xét.
Bàn kế bên có 2 thực khách khoảng 60 tuổi cũng tấm tắc khen cơm ngon. Ông mặc áo xanh nói: “Anh em mình bớt nhậu đi, dành tiền nhậu một tháng 2 lần đến đây ăn cơm ủng rồi ủng hộ cho bà con”. Ông mặt áo thun đen đáp lại: “Ừ, nhưng chỉ 2 thằng mình mỗi đứa 5 xị (500.000 đồng) ít quá. Rủ thêm thằng Hồng, thằng Tân nữa cho phong bì xôm lên một tí”…
Trong suốt thời gian từ 11g đến 12g30 trưa, quán phục vụ khoảng 500 phần cơm. Lúc đứng chờ nhận thẻ, tôi thấy một cụ bà tầm 70 tuổi đi xe ôm đến mua phiếu ăn xong trở lại quầy xin đóng góp cho quán 1.000.000 đồng. Tôi hỏi cụ lớn tuổi rồi sao không dành số tiền này chi tiêu cá nhân, cụ bà cười móm mém: “Đây là tiền con cháu định mua bánh trung thu cho tôi nhưng tôi bảo chúng đừng mua, đưa tiền tôi đi làm từ thiện”.
Khu vực bếp có khoảng 20 người tình nguyện, tất cả đeo khẩu trang, găng tay, mỗi người một việc. Người chuyên xúc cơm, người phân chia thức ăn, người múc canh… rất nhịp nhàng. Trong nhóm tình nguyện có nhiều bạn sinh viên đại học và cả người nước ngoài.
Anh Alexandns (quốc tịch Hy Lạp), làm nhiệm vụ tiếp cơm thêm, lau dọn bàn ghế, cho biết đã có 2 tuần liên tục làm tình nguyện ở quán Nụ Cười 1. Alexandns biết quán này qua tổ chức thiện nguyện kết nối trên toàn thế giới. Để đến làm tình nguyện ở đây, anh phải qua khóa học ngắn ngày. Nhóm của anh đi nhiều người nhưng chỉ mình anh được giới thiệu Nụ Cười. Hôm nay là ngày làm việc cuối cùng của Alexandns, sau đó anh sẽ rời Việt Nam về nước. “Tôi cảm thấy rất yêu cái quán nhỏ này bởi ở đây ngập tràn lòng nhân ái. Tôi sẽ cố gắng quay lại trong thời gian sớm nhất”, Alexandns tâm sự.
Sau cơm no sẽ lo áo ấm
Người sáng lập hệ thống quán cơm Nụ Cười đầu tiên là ông Nam Đồng, nổi tiếng “keo kiệt” trong chi tiêu hàng ngày nhưng rất hào phóng với những chương trình từ thiện.
Tôi đến nhà đúng lúc ông tất bật vận động xe cộ để chuyển mấy tấn gạo và hàng hóa ra Ninh Thuận cứu trợ cho đồng bào bị hạn hán. Vén ống quần “khoe” căn bệnh vảy nến hành hạ ông mấy năm qua đi lại khó khăn cho tôi xem, giọng ông lo lắng: “Phải chuyển gạo và hàng hóa ra sớm ngoài ấy chứ mấy tháng qua bà con đang thiếu thốn nhiều lắm”.
Lấy cuốn sổ ghi chép hàng ngày ra ông khoe tiếp: “Đang làm thủ tục nâng cấp hệ thống cơm Nụ Cười lên công ty theo quy định. Việc này thuận tiện hơn cho mình và bà con. Sài Gòn đã có Nụ Cười 7 rồi, vừa thêm các quán ở TP Vũng Tàu và Phan Rang (Ninh Thuận) nên mô hình công ty là phù hợp. Mọi việc mình làm đều minh bạch, nếu có thêm sự giám sát của nhiều người khác sẽ rõ ràng hơn”.
Ông kể lại, những ngày đầu mở quán Nụ Cười 1 nhiều gian nan, vất vả. Lúc ấy phải huy động những người thân thiết tới phụ giúp dọn dẹp, chà rửa bàn ghế, trang trí sao cho bắt mắt để ấn tượng với “thượng đế” ngày khai trương. Ngay ngày đầu, bà con đến rất đông, hôm sau khách đông hơn trước. Có em sinh viên sau khi ăn cơm xin làm tình nguyện. Tiếng thơm lan dần, giới văn nghệ sỹ cũng đến ăn và ủng hộ ngày càng đông...
“Một ngày năm 2014, khi tôi đang lui cui trong quán chợt thấy một phụ nữ quen quen đứng xếp hàng chờ mua phiếu ăn. Lại gần, tôi nhận ra bà Mai Thị Hạnh, phu nhân Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Bà ra dấu đừng cho ai biết. Nhìn bà ăn mặc giản dị xếp hàng mua phiếu lấy cơm ăn trong lòng tôi rất vui. Từ đó bà trở thành một trong những mạnh thường quân của quán”, ông Nam Đồng nhớ lại.
Tôi hỏi có lo lúc quán hết tiền không, ông Nam Đồng cười tươi: “Ban đầu có nhưng bây giờ không! Giờ chỉ lo quán ăn không ngon mất khách thôi. Có nhiều người tới ăn xong ủng hộ cả mấy triệu đồng. Có người cho ghi tên địa chỉ nhưng rất nhiều người chỉ cho ghi ẩn danh. Làm từ thiện vui lắm, mình cứ làm hết lòng tự nhiên nó lan tỏa đến nhiều người khác. Nhất là ở đất Sài Gòn này có nhiều người nghèo ở quê vào đây mưu sinh nên tình thương, lòng bao dung, cái tốt lan tỏa nhanh đến khắp các tầng lớp khác. Những ai mất niềm tin vào con người hãy đến quán Nụ Cười chứng kiến những điều tốt đẹp, thú vị trong cuộc sống hiện ngay trước mắt chúng ta. Tôi luôn dặn anh em phục vụ quán phải luôn trân trọng tất cả những người đến quán Nụ Cười bất kể người đó lai ai, người ăn cơm và cả người ủng hộ”.
Ông tiết lộ, sau thành công của quán cơm, ông sẽ tiếp tục kinh doanh quần áo với giá 4.000 đồng/món. “Con người ta có ăn rồi phải cần ấm tấm thân. Lượng quần áo cũ còn trong các gia đình nhiều lắm. Mình vận động họ chọn những cái lành lặn, giặt sạch đem đến trưng bày cho bà con nghèo thấy vừa mua về mặc, khỏi tốn tiền may. Điều tôi mong nhất có thêm những mạnh thường quân ủng hộ mặt bằng rộng để mở thêm quán, đầu tư hệ thống giặt sấy hiện đại làm mới những bộ đồ cũ”, ông chia sẻ.
Tôi hỏi ông có tính mở hệ thống Nụ Cười ra các tỉnh phía Bắc? Trầm ngâm một hồi giọng ông hơi buồn: “Đầu năm dự tính thế nhưng sau khi đi khảo sát thực tế về lại thôi, để chờ thời cơ chín mùi tính tiếp…”.
Giá thành 17.000 đồng, bán 2.000 đồng/suất
Quán cơm xã hội Nụ Cười 1 giá 2.000 đồng của Quỹ từ thiện Bông Sen khai trương ngày 12/10/2012. Thời gian đầu bán khoảng 300 suất ăn vào các buổi trưa thứ 2, 4, 6 trong tuần. Hiện, quán phục vụ khoảng 500 suất ăn các ngày từ thứ 2 đến thứ 7. Nụ Cười 1 thành công là bước đệm cho chuỗi Nụ Cười khác. Trong khi đó, giá tiền chi thực tế cho 1 suất cơm trung bình khoảng 17.000 đồng (không tính tiền phục vụ và lãi). Quán sử dụng thực phẩm sạch, có nguồn gốc rõ ràng…
Hệ thống Nụ Cười chỉ trả lương cho kế toán và bếp trưởng, phụ bếp chứ không trả lương cho các vị trí khác. Ông Nam Đồng phân tích: Công việc này cần phải có chuyên môn mới làm được. Việc thu chi hàng ngày phải có kế toán làm mới đúng, không sai, minh bạch. Đặc biệt, đầu bếp phải có chuyên môn giỏi, nấu ngon khách mới ăn. Hiện, chi phí hàng tháng của hệ thống Nụ Cười trung bình khoảng 500 triệu đồng/tháng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận