Thi viết về GTVT

Chuyện lấy đất làm đường lên… cổng trời

29/10/2022, 06:38

Cheo leo trên lưng chừng núi quanh năm mây ngàn bao phủ, những người thợ “vượt nắng, thắng mưa” làm 2 tuyến đường lên “cổng trời” ở TP Hạ Long.

Để đồng bào ưng cái bụng

Hơn 12h trưa một ngày tháng 10, sau khi vật lộn với quãng đường trơn trượt, vòng lên lượn xuống trên các sườn núi dài mấy chục cây số trong nhiều giờ, PV Báo Giao thông mới tới được trụ sở UBND xã Đồng Sơn - một trong những xã khó khăn nhất của TP Hạ Long với gần 100% số hộ là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Dao sinh sống.

img

Một hộ gia đình ở xã Đồng Sơn tự nguyện hiến đất và nhận phần tài sản trên đất để bàn giao cho đơn vị thi công

Khi 2 tuyến đường trên đi vào hoạt động sẽ mở ra không gian phát triển kinh tế, lưu thông hàng hóa, kéo gần cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số với trung tâm TP Hạ Long.
Việc thi công tuyến đường vượt qua những dãy núi cao cheo leo, quanh năm mây trắng bao phủ khiến nhiều người liên tưởng như đang làm đường lên trời vậy. Điều đáng quý nhất là cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng đồng bào đã tự nguyện hiến đất, hoa màu với tinh thần “đường chưa qua, đất, nhà không tiếc.

Bà Phan Thị Hải Hường, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hạ Long


Dựng vội chiếc xe máy ở góc sân, tháo đôi ủng lấm lem bùn, đất, anh Nguyễn Huy Hải, Chủ tịch UBND xã Đồng Sơn phân trần: “Sáng nay, do có mấy hộ đồng ý hiến đất, nên chúng tôi phải đến làm thủ tục ngay để nhận mặt bằng bàn giao cho đơn vị thi công. Mừng quá, thế là mặt bằng toàn tuyến đã xong!”.

Anh Hải chia sẻ, mấy tháng nay, từ khi bắt đầu chủ trương thi công tuyến đường, cả hệ thống chính trị từ thành phố đến thôn đều không quản nắng mưa, đêm tối để “đến từng ngõ, gõ từng nhà” vận động bà con hiến đất.

“Việc vận động bà con không chỉ phải dựa vào những cán bộ “hiểu lắm, nói nhiều” mà còn cần những người biết nói tiếng Dao để thực hiện “4 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng đồng bào) để nói sao cho đồng bào ưng cái bụng mới được”, anh Hải cho hay.

Chủ tịch UBND xã Đồng Sơn kể, do địa bàn rộng, nhiều đồi, núi lại bị chia cắt bởi núi cao, vực sâu, suối lớn, nên thường ngày, bà con đều đi rừng canh tác từ sáng sớm đến tối mới về.

Thậm chí, có chủ hộ còn làm lán trên đồi ở lại vài ngày. Vì thế, muốn gặp được họ thì cán bộ thôn phải chia nhau phục ở đầu làng, thấy chủ hộ về lúc xẩm tối là báo lãnh đạo xã ập đến ngay…

Ban ngày lo việc hành chính, đêm đến lại chia nhau tỏa đi về các thôn nơi có tuyến đường đi qua để vận động bà con hiến đất, dỡ nhà. Có những cán bộ xã tăng cường từ trung tâm TP Hạ Long lên nhiều ngày không được về nhà dù người thân bị ốm, bị bệnh…

Nhiều trường hợp, khi đến nhà vận động gặp đúng lúc gia chủ có đám giỗ, cán bộ xã được mời uống rượu đến quá nửa đêm, khi chủ nhà đồng ý hiến đất thì đã say mềm…

“Tuyến đường nối từ xã Sơn Dương vào trung tâm xã Đồng Sơn dài gần 20km, chiếm dụng 21ha và ảnh hưởng đến 88 hộ. Đến nay, xã đã vận động được 16 hộ hiến hơn 5ha. Điển hình là hộ ông Đặng Tằng Long, ở thôn Tân Ốc 1 đã hiến 1,6ha đất lâm nghiệp”, anh Hải khoe.

Mất đất, mất nhà vẫn vui

img

Người dân xã Đồng Lâm, TP Hạ Long phấn khởi thu hoạch keo để bàn giao phần đất của gia đình đã hiến cho đơn vị thi công

Dọc đường từ trung tâm xã Đồng Sơn trở về, PV chứng kiến hàng chục thiết bị, máy móc đang hối hả hạ đồi, đắp nền thi công tuyến đường nối với xã Sơn Dương.

Trên những sườn đồi, bà con đang cũng đang tất bật thu hoạch keo, để bàn giao mặt bằng cho các đơn vị thi công.

Vừa bốc gỗ keo lên xe ô tô đỗ ven đường, ông Đặng Hữu Lâm, nhà ở thôn Tân Ốc 2, xã Đồng Sơn cho hay: “Ban đầu, gia đình cũng tiếc lắm.

Nhưng bao năm nay, người dân muốn xuống thành phố phải đi trên con đường nhỏ, hẹp, cheo leo trên sườn núi, vực thẳm, dốc đứng… như lên trời, xuống vực.

Khi nghe cán bộ giải thích đường mở ra thì gỗ rừng, con gà, con lợn… bán được giá hơn, thấy lợi dài lâu nên gia đình đồng ý hiến luôn hơn 3.000m2 đất”.

Tương tự, để xây dựng tuyến đường từ xã Sơn Dương đến xã Đồng Lâm dài hơn 10km, cần giải phóng mặt bằng 50ha và có 119 hộ gia đình bị ảnh hưởng, trong khi bà con luôn coi vườn, rừng là “tấc đất, tấc vàng”.

Dẫu thế, khi hiểu được ý nghĩa của tuyến đường, 40 hộ dân trong xã đã tình nguyện hiến gần 15ha đất.

Ông Ninh Du Hải, ở thôn Đồng Trà là một trong những người tiêu biểu khi hiến tới 1,1ha đất lâm nghiệp khoe: “Trước đây, mỗi khi có việc xuống trung tâm TP Hạ Long phải đi tới hơn 2 giờ. Nhiều hôm có mưa lũ thì không thể đi được. Thế nhưng, không còn xa nữa sẽ có đường mới, đi lại thuận lợi hơn”.

Xẻ núi, cắt rừng, đắp đèo mở đường

img

Nhà thẩu khẩn trương thi công tuyến đường từ xã Sơn Dương và trung tâm xã Đồng Lâm

Dẫu được sáp nhập vào TP Hạ Long từ năm 2019, nhưng nhiều xã khu vực miền núi với hàng ngàn hộ dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số thuộc huyện Hoành Bồ cũ của Quảng Ninh vẫn thuộc diện khó khăn, lạc hậu.

Căn nguyên của tình trạng đó do nhiều xã nằm ở vùng núi cao của TP Hạ Long có hạ tầng giao thông cách trở.

Mặt khác, do ít giao thương với khu vực miền xuôi, nên tập tục canh tác của các hộ nơi đây chủ yếu dựa vào tự cung, tự cấp và không ít người còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ từ chính quyền.

Chính vì vậy, ngay sau khi sát nhập, cấp ủy, chính quyền TP Hạ Long đã nghiên cứu và dành nguồn lực để mở các tuyến đường nhằm phá thế cách trở về giao thông.

Trọng tâm là tuyến từ xã Sơn Dương đến xã Đồng Lâm dài hơn 10km, có tổng mức đầu tư hơn 800 tỷ đồng; Cùng đó là tuyến đường từ xã Sơn Dương đến trung tâm xã Đồng Sơn dài hơn 19km với tổng mức đầu tư hơn 374 tỷ đồng, được triển khai từ đầu quý III năm nay, dự kiến hoàn thành vào tháng 10/2023.

Đứng trên đỉnh đèo Đọc cao chót vót như cổng trời, xung quanh mây mù che phủ, anh Đoàn Tiến Mạnh, cán bộ của Công ty CP Xây dựng và Phát triển hạ tầng kỹ thuật, có trụ sở tại huyện Tiên Yên (Quảng Ninh), một trong những đơn vị thi công tuyến đường từ Sơn Dương vào Đồng Lâm cho hay: “Doanh nghiệp nhận gói thầu này thuộc diện “xương xẩu” nhất toàn tuyến. Nếu những doanh nghiệp khác thì xẻ núi, bạt đồi còn đơn vị lại phải làm ngược lại là thi công đắp tuyến đèo cao trên 80m dài trên 1.000m đảm bảo độ dốc 10% để giảm bớt cung đường vòng vèo tới vài cây số như trước đây…

Khu vực này điều kiện địa chất khá phức tạp, đất đá rời rạc, nhiều suối lớn lại phải thi công trong điều kiện thời tiết mưa nhiều. Thế nhưng, với tinh thần làm đến đâu chắc đến đó, hiện tiến độ đang rất đảm bảo”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.